Bài viết đúc kết sau 3 năm của Haley ở Malaysia. Cơ hội việc làm tại đây phù hợp cho cả sinh viên mới ra trường hoặc trái ngành, tiếng Anh chỉ cần từ mức cơ bản. Nếu bạn còn mong muốn được trải nghiệm gap year ở nước ngoài thì nội dung dưới đây chính xác dành cho bạn nhé.
Yêu cầu đơn giản chỉ với 3 điều kiện cần
(Bài viết được cập nhật ngày 11/10/2023)
Sau những năm đi làm văn phòng ở cả Việt Nam và Malaysia, cũng từng trải qua khoảng thời gian thất nghiệp và chấp nhận mức lương cực kì thấp, Haley nhận thấy cơ hội việc làm ở đất nước Hồi giáo thân thiện này tuy hấp dẫn và phong phú nhưng vẫn còn khá lạ lẫm với nhiều bạn. Hoặc có những bạn đã biết đến nhưng chưa tự tin nộp CV vì nghĩ rằng đi làm ở nước ngoài phải rất giỏi và tiếng Anh phải thật lưu loát.
Ngày trước Haley cũng từng có nhiều nỗi lo và sự e ngại như thế. Vậy mà Haley đã trải qua hơn 4 năm sinh sống tại Malaysia. Công việc của mình là kiểm duyệt nội dung thị trường Việt Nam cho công ty Accenture và TikTok/ByteDance. Nhưng bài viết này không chỉ dừng lại ở ngành nghề đó.
Nội dung này nằm trong chuỗi bài nhằm cung cấp cho bạn thông tin chi tiết và cơ bản để có thể tìm việc văn phòng tại các công ty đa quốc gia cũng như hiểu thêm về cuộc sống tại Malaysia.
Cơ hội việc làm ở Malaysia dành cho người Việt (không yêu cầu kinh nghiệm) khá phong phú, với mức lương khởi điểm từ khoảng 900-1000 USD. Chi phí sống tại thành phố lớn ở Malaysia và Việt Nam có thể nói là tương đương nhau.
Điều kiện cần để ứng tuyển tương đối đơn giản:
- Tiếng Anh giao tiếp.
- Bằng Cao Đẳng/ Đại Học bất kì chuyên ngành.
- Passport còn hạn ít nhất 6 tháng – 1 năm.
Bạn có thể theo dõi nội dung qua video:
Để qua nước ngoài làm việc hợp pháp, thường chúng ta sẽ nghĩ đến xuất khẩu lao động (XKLĐ): người lao động trả phí cho môi giới để được đào tạo và được lo thủ tục để qua Malaysia. Haley không rành về XKLĐ nên sẽ ko bàn đến nội dung này.
Haley chỉ đề cập về hình thức tự nộp đơn ứng tuyển, không mất phí. Và công việc chủ yếu là nhân viên văn phòng. Haley qua Malaysia làm việc bằng cách này, bạn hoàn toàn có thể làm được nếu đủ điều kiện như ở phần mở đầu Haley đã đề cập.
Quy trình tuyển dụng tương tự như bạn tìm việc làm ở Việt Nam: Bạn nộp CV, chờ được xếp lịch hẹn phỏng vấn và nếu đậu thì công ty sẽ lo thủ tục và bảo lãnh visa cho bạn.
Gần đây rộ lên thông tin lừa đảo việc làm bán người qua biên giới nên chắc bạn cũng khá e dè. Tuy nhiên, Haley khẳng định công việc hoàn toàn hợp pháp.
Tiếng Anh giao tiếp
Ở Việt Nam, tiếng Anh là ngoại ngữ. Nhưng ở Malaysia, tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 và được sử dụng phổ biến. Đây là đất nước văn minh hiện đại, cơ sở hạ tầng tốt. Các công ty đa quốc gia đặt trụ sở, văn phòng ở Malaysia rất nhiều.
Điều này dẫn đến họ cần nguồn lao động đa ngôn ngữ để có thể làm việc với đa thị trường. Tới đây các bạn có thể đoán ra ngôn ngữ chính chúng ta dùng trong công việc rồi đúng ko? Đó là tiếng mẹ đẻ – tiếng Việt. Tiếng Anh được sử dụng để hỗ trợ cho công việc.
Ví dụ:
Một công ty đa quốc gia đặt văn phòng làm việc ở Malaysia và muốn tuyển nhân viên cho bộ phận Chăm sóc khách hàng (CSKH). Khách hàng của công ty từ những quốc gia nào thì họ sẽ tuyển nhân viên CSKH thông thạo tiếng nói của những quốc gia đó.
Chẳng hạn, họ có thị trường Thái Lan thì tuyển nhân viên người Thái để có thể giao tiếp bằng tiếng Thái – “Thai speaker”. Hay tuyển người Việt để giao tiếp tiếng Việt với khách hàng Việt, tiêu đề những công việc như vậy thường ghi “Vietnamese speaker“
Để bạn có tấm vé qua Malaysia làm, Tiếng Anh giao tiếp cần ít nhất đủ qua vòng phỏng vấn. Không cần quá giỏi hay lưu loát. Thông thường nhà tuyển dụng không yêu cầu chứng chỉ Tiếng Anh, một số nơi sẽ có bài kiểm tra đầu vào (làm online)
Chủ yếu là trong buổi phỏng vấn, bạn chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy bạn có vốn tiếng Anh đủ giao tiếp với đồng nghiệp, với sếp, đọc hiểu để phục vụ cho công việc và bạn có khả năng sinh sống ở nước ngoài. Chức vụ càng cao thì đòi hỏi trình độ tiếng Anh giao tiếp càng tốt.
Vì Tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 và rất nhiều người biết nói tiếng Anh ở Malaysia, nên đây không hẳn là thế mạnh để chúng ta cạnh tranh. Với những công việc với tính chất tuyển người Việt, điều nhà tuyển dụng cần ở bạn nhất là tiếng Việt lưu loát, nên sẽ giảm thiểu áp lực canh tranh lao động với người Malaysia hay những người đến từ các quốc gia khác.
Thị trường Việt thì không thể tuyển người bản xứ hay là người nước ngoài để làm thay cho người Việt trừ khi vốn tiếng Việt của người đó đủ đáp ứng yêu cầu, có nhưng rất hiếm. Đó cũng là một trong những lý do công việc của Haley không bị ảnh hưởng nhiều trong đợt dịch vừa qua.
Trong trường hợp bạn có vốn tiếng Anh tốt thì có thể ứng tuyển cả công việc dành cho English speaker thay vì chỉ giới hạn Vietnamese speaker. Thậm chí nếu bạn có vốn ngoại ngữ khác như Hàn, Nhật và công ty cần tuyển ngôn ngữ đó bạn hoàn toàn có thể nộp đơn, tìm việc theo từ khóa “Korean speaker”, “Japanese speaker”
Bằng Cao đẳng/ Đại học
Cơ hội việc làm Malaysia rộng mở nếu bạn sở hữu tấm bằng Cao Đẳng (CĐ) hoặc Đại Học (ĐH) bất kì chuyên ngành. Có những công việc cần đúng chuyên ngành, nhưng cũng không thiếu việc không cần chuyên ngành và nhận đào tạo từ đầu.
Các công ty đa quốc gia khá coi trọng bằng cấp. Bằng ĐH sẽ có nhiều cơ hội hơn so với CĐ. Phần nhiều các công ty nhận ứng viên có bằng ĐH trở lên.
Tuy nhiên, nếu bạn có bằng CĐ thì cũng đừng lo lắng, cơ hội ít hơn không có nghĩa là không thể. Cũng có những công ty và dự án đón chào ứng viên có bằng CĐ. Haley biết có không ít những bạn đã thuận lợi qua Malaysia làm với tấm bằng CĐ trong tay.
Vẫn có một số ít nơi nhận ứng viên không cần bằng cấp sang làm việc văn phòng nhưng mức lương sẽ không tốt bằng.
Hộ chiếu (passport)
Để sang Malaysia làm việc, bạn cần có hộ chiếu (passport) còn hạn ít nhất 6 tháng, tùy công ty. Tốt nhất là nên còn hạn 1 năm trở lên, vì quy trình tuyển dụng cho đến ngày bạn bay qua Malaysia sẽ mất từ 1-3 tháng.
Khi đang còn trong khoảng thời gian tìm hiểu và rải CV, nếu bạn chưa có passport thì tranh thủ đi làm nhé. Hoặc passport sắp hết hạn cũng nên đi làm lại, vì chi phí làm passport ở Malaysia sẽ tốn kém và mất thời gian hơn.
Các công việc văn phòng ở Malaysia
Ở Malaysia, khối văn phòng hay tuyển dụng các công việc như sau, những gì Haley liệt kê dưới đây ko phải tất cả nhưng là những ngành/nghề phổ biến mà Haley biết và hay thấy đăng tuyển:
- Data Review, Content Review, Content Moderater (CM): các ông việc liên quan kiểm duyệt nội dung
- Customer Service, Chat Support (CS): các công việc liên quan đến chăm sóc khách hàng
- QA: kiểm định chất lượng, thường là tuyển cho mảng CM và CS
- Teamlead, Manager: quản lí
- Accountant: kế toán
- Logistic: mảng xuất nhập khẩu
- Sale
- Marketing
- IT
- v…v…
Yêu cầu về kinh nghiệm hoặc chuyên môn sẽ tùy thuộc vào vị trí và tính chất công việc.
Nếu tuyển vị trí như Team Lead, Manager chắc chắn cần kinh nghiệm. Tuyển IT cũng sẽ chú trọng kinh nghiệm và bằng cấp có liên quan đến IT.
Nhưng với CS, CM, kinh nghiệm được ưu tiên chứ không phải là điều kiện bắt buộc. Đó là những ngành nghề dễ đào tạo từ đầu. Nếu bạn mới ra trường/ học trái ngành/ có kinh nghiệm trái ngành thì cứ mạnh dạn ứng tuyển CS, CM.
Ngoài ra, bạn có thể ứng tuyển những công việc khác khi đã đọc qua mô tả công việc và cảm thấy có khả năng. Nếu HR thấy CV của bạn không phù hợp thì họ loại ra chứ mình cũng chẳng mất mát gì cả.
Vén màn “việc nhẹ lương cao”
Haley và đồng nghiệp đôi khi đùa làm ở đây như “việc nhẹ lương cao.” Cụm từ này có thể làm bạn liên tưởng đến những nội dung tiêu cực hoặc lừa đảo. Nhưng đây thực sự là cụm từ mô tả tính chất phần lớn (Haley xin nhấn mạnh là phần lớn chứ không phải tất cả) công việc khối văn phòng mà chính các bạn Việt Nam làm ở Malaysia nói với nhau.
“Việc nhẹ lương cao” trong bài viết của Haley, bạn có thể hiểu là một công việc không phức tạp, được đào tạo bài bản, Tiếng Anh không yêu cầu cao; đi kèm với mức lương tốt, đủ thoải mái để chi tiêu và có khoản dư. Haley tin đây là công việc hấp dẫn với những bạn yêu thích sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc (work-life balance) hoặc đang trong giai đoạn cần tìm lại định hướng.
Tại Việt Nam, mức lương khởi điểm dành cho người mới ra trường hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm thường khá thấp. Nếu làm lâu một chỗ thì khả năng lên lương cũng không nhiều. Trừ khi bạn rất giỏi/ có khả năng thăng tiến.
Nhưng bạn có thể tìm một công việc tương tự tại Malaysia, thậm chí nhẹ nhàng hơn nhưng với mức lương tốt hơn nhiều. Trong khi chi phí sống giữa 2 nước không quá chênh lệch.
Nếu ở Malaysia bạn tìm kiếm những công việc có job level cao, đòi hỏi kinh nghiệm dày dặn, tiếng Anh tốt hoặc áp lực nhiều; thì mức lương được trả cũng sẽ tương xứng hơn 1000 USD.
Haley đã đến Malaysia đơn thuần như một hình thức gap year sau một khoảng thời gian dài chênh vênh. Ở Malaysia, 40 giờ làm việc và 2 ngày nghỉ trọn vẹn mỗi tuần giúp Haley có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, học hành, cũng như trải nghiệm cuộc sống ở nước bạn.
Theo cảm nhận của Haley, Malaysia là một nơi đáng sống. Đây là quốc gia đa chủng tộc nên nền văn hóa, ẩm thực khá đa dạng. Mã, Hoa, Ấn là 3 cộng đồng lớn nhất ở đây. Tại Malaysia, bạn dễ dàng bắt gặp những người đến từ các quốc gia khác và trao đổi văn hóa: Thái, Indonesia, Việt Nam, Hàn, Nhật, Ai Cập, Pakistan, v…v…
Malaysia cũng là một đất nước Hồi giáo rất thân thiện và cởi mở. Những gì thông tin về luật lệ hà khắc trên mạng không phản ánh đúng hoàn toàn với thực tế cuộc sống ở đây.
Làm ở nước ngoài cũng là cơ hội để bạn được đi du lịch với chi phí thấp. Bạn có thể xem thêm các bài viết, video về trải nghiệm của Haley ở kênh Facebook, TikTok, Youtube và Website.
Một ngày làm việc của Haley tại TikTok Malaysia diễn ra như thế nào? Thời điểm ra video này Haley gắn bó với TikTok/ByteDance được 2.5 năm. Nên mình đã thích nghi và quen thuộc với mọi thứ bao gồm khối lượng công việc khá nhiều:
Mọi thứ có là màu hồng?
Haley nghĩ khi đọc đến đây, bạn bắt đầu ngờ vực liệu có một công việc tốt đến thế sao?
Mọi thứ đều có nhiều khía cạnh, có mặt phải và cả mặt trái mà đúng không? Cơ hội đi kèm với thử thách.
Bạn phải xa gia đình, người thân, bạn bè để sống tự lập ở một đất nước xa lạ. May nhờ rủi chịu. Nhưng đây là thử thách khi bạn đến bất kì một đất nước nào chứ không riêng gì Malaysia.
Các dự án ở Malaysia muôn hình vạn trạng, có dễ có khó. Một số dự án phỏng vấn dễ nhưng vào làm sẽ đòi hỏi khắt khe với nhân viên. Công việc của bạn như thế nào phụ thuộc vào chính sách phúc lợi của công ty nói chung và từng dự án nói riêng, phụ thuộc vào sếp và đồng nghiệp có tốt không, cả tính chất công việc từng dự án, v…v… Nên thường chỉ khi bạn trải nghiệm thực tế hoặc có người quen làm trong chính dự án đó, bạn mới có đáp án chính xác nhất.
Đối với những dự án khó, bạn phải rất nỗ lực để theo guồng công việc. Vậy đối với dự án dễ, mọi thứ có phải là màu hồng không?
Một công việc có thu nhập tốt và dễ dàng sẽ làm cho bạn dễ rơi vào bẫy thu nhập, ỷ y và dậm chân lại một chỗ, thiếu ý chí phấn đấu để phát triển bản thân. Phát triển không nhất thiết phải là trong công việc sự nghiệp, có thể là những kĩ năng kiến thức bên ngoài.
Chưa kể, bạn có thể bị điều chuyển qua lại các dự án và có những tình huống ngoài sự kiểm soát, nên Haley mong rằng khi sang Malaysia làm, bạn nên dự trù những khả năng xấu và có tinh thần sẵn sàng đón nhận và thích nghi.
Bạn có thể mong muốn đến Malaysia để rời vòng an toàn. Nhưng đừng biến Malaysia thành một vòng an toàn khác kiên cố hơn và khó phá vỡ hơn. Haley đã chứng kiến vài bạn sau một thời gian làm ở Malaysia về Việt Nam lập nghiệp nhưng cảm thấy bấp bênh và muốn quay lại Malaysia, một số khác sau khi về Việt Nam vẫn có thể phát huy và phát triển.
Nếu bạn mong muốn sang Malaysia, thay vì đặt nhiều kì vọng thì hãy chuẩn bị cho mình một kế hoạch rõ ràng: làm trong bao lâu? Mục đích chính là gì? Gap year? Kiếm vốn? Phát triển sự nghiệp? Và quan trọng nhất: bạn có thực sự cần cơ hội này và chấp nhận những rủi ro nếu có hay không?
Do ảnh hưởng suy thoái kinh tế trong nửa năm gần đây (cập nhật 06/2023), thị trường lao động ở Malaysia hiện tại không sôi nổi như trước, và các dự án cũng đa phần đang siết chặt, bấp bênh chứ không còn dễ chịu như những năm đầu Haley ở đây. Haley nghĩ rằng bây giờ để sang Malaysia làm, sẽ cần đánh đổi nhiều hơn trước, rủi ro nhiều hơn, hoặc ít nhất bạn phải tìm hiểu công ty, dự án kĩ lưỡng để có thể “chọn mặt gửi vàng.”
Phần kết
Sau 3 năm ở Malaysia và sau 1 năm làm blog cho kênh Facebook, Haley mới có chuyên đề để chia sẻ kinh nghiệm về việc làm và cuộc sống tại đây. Tuy khá muộn màng nhưng Haley mong những trải nghiệm của Haley lúc này đã đủ chín chắn và hữu ích cho những người cần nó.
Toàn bộ nội dung là trải nghiệm cá nhân của Haley và những gì mình quan sát được trong khoảng thời gian làm việc ở Malaysia (2019-2023.) Bạn có thể tham khảo và cân nhắc khi đưa ra quyết định.
Video tóm tắt hành trình của mình ở Malaysia:
Nếu bạn cảm thấy bài viết/ trang blog hữu ích và muốn mời mình một ly cafe, hãy bấm vào ảnh bên dưới nhé:
Bạn có thể theo dõi những nội dung khác của Haley tại các kênh Facebook, TikTok và Youtube.
Bài tiếp theo Haley sẽ hướng dẫn chi tiết cho bạn những cách để ứng tuyển các công việc ở Malaysia. Mong là qua nội dung này, bạn đã có góc nhìn rõ ràng hơn về các cơ hội việc làm tiềm năng tại Malaysia dành cho người Việt Nam.
Mến chào,
Little Haley
13/09/2022, Kuala Lumpur