Tổng hợp những câu chuyện chưa kể của Haley về hành trình với visa 462 – Lao động Kì nghỉ Úc. Đây là những nội dung mình đăng tải trên trang cá nhân, nên nhiều bài có ngôi xưng là Hà – tên thật của mình.
30/10/2022 Sự hiếu thắng
Gần tròn 1 năm kể từ ngày tham gia “cuộc chiến” visa 462. Cũng lâu rồi không viết, sẵn dịp này Hà ôn lại chút kỉ niệm
– Hà biết đến visa 462 từ khoảng 2019-2020 nhưng chưa quan tâm.
– 04/2022: Tìm hiểu visa.
– 06/2022: Thi tiếng Anh và chuẩn bị hồ sơ.
– 07/2022: Không kịp có điểm tiếng Anh nên bỏ lỡ đợt đăng kí đầu tiên của tài khóa 2022. Nản dần.
– 10/2022: Bạn của Hà canh nộp thành công, Hà có niềm tin lại và tham gia nhóm canh cổng đăng kí mở.
– 01/2023: Nộp visa thành công.
– 02/2023: Nhận mail báo Granted.
– 10/2023: Đến Úc.
Nếu bạn biết visa 462 hoặc có đọc qua bài blog của Hà chắc cũng hiểu cạnh tranh khốc liệt đến dường nào. Cạnh tranh vì điều kiện khá dễ dàng và thu hút quá đông người quan tâm.
Để đi đến cuối con đường, bên cạnh may mắn, sự hỗ trợ kinh nghiệm cũng như động viên từ bạn bè, Hà có thể nhìn thấy cả sự hiếu thắng của bản thân.
Hà ghét cảm giác canh visa trong mòn mỏi và vô vọng, Hà chỉ muốn mọi thứ kết thúc thật nhanh, được hay không được để còn biết định hướng tiếp.
Rồi sau khi nhận được chiếc mail Granted, Hà mãi băn khoăn: visa có rồi, vậy tiếp theo là gì?
Thứ mà mình dành biết bao thời gian, công sức và tâm trí để có được nhưng hóa ra mình chưa sẵn sàng với nó. Cảm giác đó không hề dễ chịu.
Hà nuối tiếc quãng trời bình yên ở Malaysia. Hà lo sợ những thách thức mới ở Úc, con người, văn hóa và mọi thứ tại nước bạn có vẻ thật lạ lẫm. Hà đến Malaysia để rời vòng an toàn, và Malaysia lại trở thành một vòng an toàn khác, kiên cố hơn.
Với visa trog tay, Hà cũng phải chuẩn bị hành trang và đến Úc, trong mông lung.
Sau khi ổn định được chỗ ở và công việc, trải nghiệm khi gặp những người tốt, phong cảnh Úc tuyệt đẹp, thì giờ Hà cũng bình tâm lại để viết đôi dòng.
Có thể visa 462 là kết quả cho sự hiếu thắng của tuổi trẻ, nhưng chính nó đã đưa Hà đến vô vàn cung bậc cảm xúc, soi rọi cho Hà nhìn thấy rõ hơn về bản thân và mong ước của chính mình.
Nếu thực sự mọi thứ đang ổn hoặc Hà hài lòng với cuộc sống, Hà đã không quyết tâm và kiên trì với visa 462 đến như vậy. Cũng như khi Hà phải vượt qua rất nhiều nỗi sợ để bắt đầu với blog/vlog phát triển bản thân, mọi thứ đều có lí do của nó.
Và Hà cũng không mong muốn rằng một lần nữa, mình sẽ lại hiếu thắng để đạt được điều gì đó. Nỗ lực trong trạng thái bình an, nghe thì dễ nhưng làm thật khó.
12/11/2023 Bấp bênh và vô định
“Bấp bênh và vô định”
Một người bạn tâm sự như thế khi Hà gọi điện hỏi thăm tình hình công việc trước khi bay sang Úc. Bạn ấy cũng từng làm văn phòng ở Malaysia như Hà và đã đến Úc hơn 1 năm.
Hà cảm nhận được phần nào những điều được chia sẻ trong hơn nửa tháng qua kể từ ngày đặt chân đến nước bạn.
Mọi người thấy tụi mình đăng tải nhiều hình ảnh lung linh về những trải nghiệm mới, cuộc sống mới, ở một chân trời xa lạ và khác biệt nhiều so với châu Á.
Nhưng không ai nhìn được “phía sau hậu trường” như chính người trong cuộc.
Với visa 462, Hà được phép làm việc tại Úc, được bảo vệ quyền lợi, còn công việc thì … tự tìm. Đây là thách thức lớn với cá nhân Hà. Đây không phải là visa do công ty bảo lãnh, không công ty nào “bảo kê” cho bạn cả.
Visa 462 ngắn hạn nên phổ biến nhất là làm các công việc thời vụ. Rất nhiều nơi nhận visa 462 vào làm và đã có nhiều người đi trước “lót đường” nên mọi thứ khá rõ ràng cho những người đi sau.
Nhưng nếu chỉ có thế thì … dễ dàng quá.
Thay đổi nơi ở, đến một đất nước mới có rất nhiều thứ phải làm quen, lại còn phải tự lo tất tần tật. Chưa kể đến những vấn đề khác mà bất kì một 462-er nào cũng có thể gặp phải: mùa thấp điểm ít giờ làm, chi phí cao, hạn chế phương tiện đi lại, môi giới việc làm (contractor) thiếu uy tín, phân biệt chủng tộc, drama trong công việc, lừa đảo, v…v…
Bấp bênh và vô định là cái giá phải trả cho diện 462 khi sang Úc, hay đúng hơn là khi đang làm văn phòng ổn định với mức lương tốt.
Mỗi người sẽ có mục tiêu và sự ưu tiên khác nhau, nếu đặt lên bàn cân giữa được và mất thì Hà thấy xứng đáng vì đã cho bản thân cơ hội được thử.
Hà có nhiều lợi thế khi được những người đi trước hỗ trợ thông tin và có bạn đồng hành đến Úc. Nên khởi đầu có thể nói là khá nhẹ nhàng so với một số người khác rồi đó.
Nếu bạn muốn đến Úc làm việc theo diện 462 chỉ vì nghe nói lương cao thì bạn đã quên mất rằng: trong cơ hội luôn có thách thức. Hãy tìm hiểu kĩ thông tin cần thiết, sẵn sàng cho những trải nghiệm và thách thức mới (bao gồm cả sự bấp bênh và vô định)
22/11/2023 Lần trải bài Tarot định mệnh
Kể mọi người nghe một kỉ niệm vui vui.
Hè năm ngoái, nhân lúc cả nhóm Hà chia tay anh đồng nghiệp thì ảnh có xem Tarot cho mỗi người tụi mình 3 câu hỏi
Có 1 câu Hà hỏi về việc mình có nên đến Úc không.
Lúc đó đang ở Malaysia ổn định nên Hà ngại thay đổi lắm. Lý do Hà nhen nhóm suy nghĩ đi Úc là vì sau chuyến về Việt Nam sau 3 năm xa nhà do dịch, Hà cảm thấy thấy quay lại nước thì không biết bắt đầu từ đâu, mà cứ tiếp tục công việc ở Malaysia mãi thì cũng mông lung quá.
Hà ít khi xem Tarot hay những gì tương tự, nhưng khi ấy như đang cần tìm thêm lý do để củng cố cho kế hoạch của mình vậy á.
Thời điểm đó thật sự Hà cũng không suy nghĩ nhiều về những chi tiết của các lá bài mình bốc được. Giờ nhớ lại thì mới thấy phần lớn ảnh nói sao là y vậy luôn, phần còn lại thì vẫn chưa tới lúc nên không biết sẽ giống không hehe.
Lúc ấy Hà chỉ ấn tượng là ảnh và mọi người trong nhóm khuyến khích Hà nên tìm cơ hội đi Úc và thay đổi môi trường.
Và Hà cũng không ngờ, chỉ từ một ý nghĩ nhen nhóm, qua nhiều sự kiện thì sau đó thì lòng quyết tâm lớn dần, cộng thêm có lẽ là nhiều may mắn thì Hà cũng nộp được visa sau gần một năm kể từ buổi xem Tarot
9/12/2023 Cắt giảm giờ khi làm thời vụ
Cắt giảm giờ làm là một trong những rủi ro khi làm nông thời vụ ở Úc.
Làm nông liên quan mật thiết đến thời tiết. Giờ làm liên quan mật thiết tới tiền lương -> Phận làm công ăn lương có thể không quan tâm vế thứ nhất lắm nhưng chắc chắn sẽ quan tâm vế thứ hai
Những nông trại dâu ở Cygnet (Tasmania) mà Hà đang làm việc là ở ngoài trời, không phải nhà kính nên càng dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết. Cygnet hay mưa thất thường nhưng được cái mau tạnh, nên mọi người vẫn có thể làm trong mưa. Nhưng khi mưa nặng hạt và mưa dầm thì lại khác.
Ngày xưa làm văn phòng Hà nào biết quan tâm thời tiết là gì. Cùng lắm là chút bất tiện khi phải lội bộ dưới mưa hoặc trong tiết trời oi ả, khi lỡ quên dù hay khi đôi giày trắng bị ướt lấm lem.
Còn với công việc hiện tại, chỉ một cơn mưa nhỏ, mọi người bắt đầu lo lắng cho ngày làm việc tiếp theo, về số lượng lẫn chất lượng dâu.
Mưa dễ làm dâu hư dập, khó phân loại, ảnh hưởng đến năng suất hái cũng như đóng gói, dĩ nhiên là ảnh hưởng trực tiếp đến giờ làm.
Nếu một trận mưa lớn hay cơn bão nào đó đi qua còn ảnh hưởng đến cả nhiều ngày sau đó.
Lần trước được nghỉ do bão đổ bộ vào, những tấm chiếu mới còn khá vô tư. Nhưng không ngờ hậu quả để lại kéo dài hơn những gì Hà tưởng tượng.
Đang mùa cao điểm, nhân công được thuê về nhiều nhưng dâu phần thì bị hư hại, phần thì không kịp chín để hái. Người nhiều việc ít nên giờ làm giảm xuống có khi chỉ 2-6 tiếng/ ngày.
Nhóm của Hà đảm trách cả hái và đóng gói nên đỡ bị ảnh hưởng nhất nhưng vẫn khá lo ngại.
Vì chỉ mới tuần trước thôi, có những ngày tụi Hà làm việc liên tục từ sáng sớm đến chiều tối.
Những ngày làm việc dài giờ trước đây khá mệt mỏi, nhưng mọi người hay động viên nhau tranh thủ cày vì không biết liệu thời gian tới mùa vụ sẽ như thế nào. Ai dè đúng là bất ổn thiệt
Hà còn nghe bạn kể có chỗ hái blueberry ở bang khác, mưa liên tục cả tuần và dĩ nhiên là mọi người phải nghỉ cả tuần.
Nhưng liệu chỉ có nông trại ngoài trời bị ảnh hưởng?
Những nông trại được đầu tư nhà kính hạn chế phần nào tác động của thời tiết, nhưng khiến bên trong và bên ngoài chênh lệch nhiệt độ nhiều. Có những vùng khi vào mùa nắng nóng, mọi người cũng phải điều chỉnh giờ làm sớm hơn hoặc bị cắt giảm giờ làm hoặc thậm chí nghỉ nếu nhiệt độ lên quá cao. Đã có vài bạn chia sẻ với Hà như vậy.
Vì là thời vụ nên không có gì đảm bảo, không chế độ nghỉ phép, làm bao nhiêu tính bấy nhiêu, hôm nào không làm thì không có tiền vậy thôi
Đang từ công việc văn phòng ổn định chuyển sang làm thời vụ quả thực không phải lúc nào cũng dễ dàng. Dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng khi được báo hôm nay lại nghỉ vì trời mưa, Hà và mọi người đều tẽn tò :))
Làm nông ở Úc sẽ là trải nghiệm mà sau này Hà không thể quên, dù hơi bất ổn nhưng thật thú vị và đáng nhớ, phải không?
19/12/2023 Lương giờ hay lương khoán?
Lương giờ là lương tính theo giờ.
Còn lương khoán là tính theo sản lượng, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít. Đây là cách tính lương phổ biến cho các công việc làm nông ở Úc.
Với mấy bạn chưa có kinh nghiệm, chưa tự tin về khả năng và sức khỏe của mình: hãy ưu tiên công việc được trả lương theo giờ.
Hoặc tốt hơn nữa là tìm việc như chỗ Hà đang làm: được trả lương theo giờ nhưng nếu vượt chỉ tiêu thì được trả khoán theo sản lượng.
Chẳng hạn, với công việc hái dâu chỗ Hà, để lương khoán bằng lương theo giờ thì phải hái được trung bình 4 khay/ tiếng. Nếu ai hái nhiều hơn thì tính khoán và lương sẽ cao hơn nữa.
Thực tế, số lần Hà hái đủ sản lượng như vậy có thể nói là đếm trên đầu ngón tay chứ khoan nói tới được khoán :))))
Vì tính theo giờ nên dù sản lượng không đạt vẫn được trả đủ lương (miễn trong mức chấp nhận được, làm thời vụ nên chủ có thể cho bạn nghỉ bất cứ lúc nào họ muốn)
Công việc chính của nhóm Hà bên đóng gói nên việc ở đồng là được thoải mái hơn so với những nhóm chỉ hái rồi, đỡ bị hối và bị cho nghỉ vì làm chậm Nếu không có lẽ trải nghiệm công việc của Hà đã theo chiều hướng tệ đi.
Chỗ Hà có những người rất nhanh, thể lực và sức bền cực tốt nên hái khỏe, có khi sản lượng gấp 1,5-2 lần người bình thường nên kiếm được kha khá.
Nhưng cũng sẽ có những người chậm và yếu hơn, nên mức lương theo giờ sẽ có lợi và an toàn hơn cả.
Thêm nữa, dù bạn hái khỏe mà các yếu tố khác không thuận lợi vẫn ảnh hưởng nhiều đến năng suất: thời tiết xấu, dâu hư dập, dâu rác không đạt chất lượng để hái, sáng khỏe hái được nhiều nhưng đến trưa chiều đuối sức nên chia bình quân sản lượng ngày hôm đó vẫn không nhiều, ví dụ 3 tiếng đầu được 5 khay/ tiếng mà 3 tiếng sau mệt còn 3 khay/ tiếng thì cuối cùng cũng huề :))
Bạn thử tưởng tượng có một số ngày mùa vụ thất thu, ít dâu, lết cả cánh đồng một buổi sáng mà được có vài khay. Nếu chỉ tính khoán, những người khỏe còn lấy ngày làm được (rất) nhiều bù ngày ít, còn không khỏe thì rất khó để đảm bảo thu nhập.
Bạn Hà review là từ hồi tháng 7 năm nay Úc đã có luật về mức lương tối thiểu/ lương theo giờ trong ngành nông, chứ không được chỉ tính khoán như trước đây để bảo vệ quyền lợi người lao động. Hà chưa kiểm chứng thông tin này nhưng hi vọng là chính xác. Vì để mà đủ sản lượng thì với những người thể lực và năng lực không nổi trội như Hà đã là cả vấn đề, chưa kể tính chất công việc phụ thuộc vào mùa vụ, thời tiết, vân vân mây mây.
Nếu có sự lựa chọn, hãy chọn công việc có điều khoản tốt hơn. Còn nếu không, yolo thôi chứ sao giờ
Nhiều khi phải làm mới biết được sức và khả năng của mình. Nếu sau một thời gian cảm thấy không phù hợp thì có thể nghỉ vì 462 được tự do làm việc hợp pháp, dù rằng sẽ hơi bất cập khi tìm lại việc khác và di chuyển sẽ tốn chi phí, công sức.
Tóm lại, với những người thể lực yếu khi làm nông: trả lương theo giờ sẽ an toàn hơn là trả khoán. Nhưng tốt hơn nữa là: trả lương theo giờ, nếu vượt chỉ tiêu thì trả mức khoán.
29/12/2023 Những cao thủ hái dâu – top pickers
Mùa rộ là thời điểm lí tưởng cho các top picker quy tụ về. Điều họ nhắm tới chính là thu nhập tiềm năng bằng lương khoán, lương theo giờ chắc chỉ là bạc lẻ với họ
Bạn có thể không tưởng tượng được sức bền và tốc độ của top picker như thế nào khi bạn chưa trải qua công việc hái dâu được nhiều người review là rất rất cực.
Hà làm ở nông trại dâu tại đảo Tasmania đã được 2 tháng. Vỏn vẹn khoảng thời gian đó, biết bao nhiêu người cũ ra người mới vô, số người châu Á rơi rụng khá nhiều. Nhóm Hà là những người Việt duy nhất còn trụ lại, đơn giản vì nhóm Hà chỉ phải ở ngoài đồng ⅓ thời gian, ít bị ép chỉ tiêu, còn lại việc chính của tụi mình ở khu đóng gói.
Thật sự sức vóc của người châu Á mình khó bằng được các bạn dân lao động da đen đến từ một số đảo quốc. Nên nông trại rất chuộng thuê các bạn đó về hái. Họ có cả một đội quân, canh mùa rộ là đến làm.
Dĩ nhiên vẫn có những bạn châu Á, thậm chí là nữ rất nhanh và khỏe, nhưng số ít mà thôi. Và cũng không thiếu các bạn nam nghỉ hoặc bị cho nghỉ.
Năm nay thời tiết thất thường ảnh hưởng mùa vụ. Lẽ ra cao điểm phải đến từ giữa tháng 11 rồi. Nhưng bây giờ dâu vẫn chưa thực sự rộ như nó lẽ ra phải thế. Thành ra mấy tuần qua mỗi ngày làm việc không kéo dài và Hà còn quên bẵng đi là đang vào mùa nữa chứ.
Nhưng rồi Hà đã có cơ hội được chứng kiến những top picker tỏa sáng trong quãng thời gian có chút ảm đạm này.
Lễ 25 và 26 vừa rồi được nghỉ, không ai hái nên dâu chín nhiều từng chùm san sát nhau. Ngày hôm qua là hái dồn cho cả những hôm nghỉ trước đó, lại còn là ở trại trồng giống dâu to đẹp, dễ hái, hái nhanh được, đồi ít dốc, v..v… (Chỗ tụi mình có 4 trang trại trồng nhiều giống dâu khác nhau) Nói chung là nhiều điều kiện lí tưởng.
Ngày hôm qua có thể nói là ngày cao điểm nhất từ đầu mùa. Ngay cả mấy đứa sức yếu như Hà vẫn được một ít khoán.
Vậy những top picker thì được bao nhiêu?
Hà được biết người hái nhiều nhất hôm qua được 91 khay dâu. Mỗi khay tính khoán 7 đô Úc. 91 khay là 637 đô ~ hơn 10 triệu vnd.
Một con số không tưởng.
Òa, cuối cùng Hà đã hiểu những người hái khỏe có thể kiếm bộn như thế nào. Chỉ với 1 ngày dâu cao điểm, họ đã kiếm được có khi gấp mấy lần bình thường. Nếu nhân nhiều ngày thì còn khủng nữa.
Không thể phủ nhận là thu nhập từ làm khoán ở Úc vô cùng tiềm năng. Nhưng bên cạnh sức bền và tốc độ thì còn cần nhiều điều kiện lí tưởng khác đi kèm.
Và đã gọi là top picker – cao thủ, thì không dành cho số đông.
P/S: bạn trong ảnh minh họa là cũng là cao thủ nhưng là cao thủ chậm, năng suất từ dưới đếm lên
26/02/2024 Sếp Nhi
Có lẽ bạn đang thắc mắc chị sếp cũ đóng vai trò gì trong hành trình visa 462 của Hà.
Chẳng là chuyện có visa Úc là Hà giấu nhẹm vì chưa có kế hoạch đi sớm. Hà chỉ viết bài cho blog và chia sẻ trên story thôi, mà không có kết bạn sếp nên an tâm :))) Nhưng bằng cách nào thì sếp biết được và hỏi đến trong buổi nói chuyện riêng hàng tháng.
Thôi chết nếu sếp biết mình muốn nghỉ thì khi làm việc sẽ hơi khó xử.
– Sao chị biết em sắp đi Úc zạ?
– Thôi đi cô, cô hoạt động trên mạng xã hội quá mà.
Trái với chút lo lắng và đề phòng của Hà, sếp chỉ dặn dò Hà vẫn cần phải tập trung vào công việc hiện tại, khi nào sang Úc mà cần hỏi thăm gì thì sếp hỏi bạn bè bên đó cho.
Có visa thì vui chứ đối diện với sự thay đổi công việc và môi trường sống mình đã quen thuộc để đến một nơi hoàn toàn lạ lẫm thì không hề vui chút nào. Trong đầu Hà tràn ngập sự âu lo và không thể giấu được chúng.
Sếp ra sức động viên:
– Không sao đâu, bạn bè chị cũng đi bên đó á. Mà nhìn cô ốm yếu z làm farm sợ gió thổi bay à nhen =)))
Và từ lúc sếp biết chuyện đến lúc Hà nghỉ làm công ty là tận 5-6 tháng gì đấy. Trong khoảng thời gian đó, Hà vẫn làm việc bình thường, được đối xử bình thường, thậm chí được hỗ trợ những vấn đề riêng ngay cả khi đã về nước.
Không chỉ sếp Nhi, một số người sếp khác ở Malaysia mà Hà từng làm việc qua cũng khá dễ chịu với việc đi hay ở của cấp dưới.
Có thể vì định hướng làm việc của nhân viên nước ngoài tại các tập đoàn đa quốc gia thường không lâu dài nên phía công ty ít sự kì vọng.
Cũng có thể vì cả cấp bậc của Hà nhỏ bé, chẳng ảnh hưởng đến ai.
Nhưng chắc chắn một điều rằng: sếp Nhi là một người sếp tốt, ủng hộ nhân viên của mình phát triển, dù là họ chọn cách rời đi.
Chính sự ủng hộ đó đã giúp Hà thêm vững tâm để chuẩn bị cho hành trình của mình. Một hành trình mà hiện tại Hà thấy nó không hề dễ dàng và thoải mái như khi còn ở Malaysia.
Những giây phút yên bình của Hà ở Malaysia hiện diện mỗi ngày. Có thể là đi làm, có thể là ở nhà ngủ nướng, ăn uống với bạn bè, cũng có thể là được khám phá, được bốc đồng với những chuyến đi độc hành. Công việc ổn định và cố định nó sướng vậy á.
Còn những giây phút yên bình của Hà ở Úc lại là: được có một công việc, vừa sức, không bị ít giờ làm. Chỉ nhiêu đó thôi là mừng lắm rồi.
– Chị mà không quá tuổi là chị cũng tìm cách đi Úc á. Cô còn trẻ cứ thỏa sức.
Đấy, sếp mình bảo thế.
10/02/2024 – 30 Tết mình ên ở Tây Úc
Hà đã đến Tây Úc làm được gần một tuần và cũng là người Việt duy nhất tại chỗ làm.
Mọi thứ diễn ra quá chóng vánh và gấp rút. Vài ngày ngắn ngủi vừa qua chưa giúp Hà quen được hết công việc và nhịp sống tại Perenjori – một thị trấn xa xôi có khí hậu gần giống sa mạc.
Thêm nữa là chỗ này cách Perth gần 350km – cảm giác như đang cách li xã hội chứ chẳng đùa
Năm nay Hà cũng không có cơ hội diện áo dài mà thay vào đó là tấm ảnh chụp vội với chiếc tạp dề và trang phục chưa kịp chỉnh ngay ngắn.
Nhưng đổi lại thì mọi người ở chỗ làm cực kì dễ thương giúp Hà vơi đi nhiều phần sự lạc lõng và thiếu tự tin.
Đã vậy nhân viên tụi mình được miễn bữa tối kèm nước tự chọn, thực đơn của khách ăn gì thì tụi mình được ăn nấy. Xem như bữa ăn này là tất niên rồi hen
Hà đã nhiều năm đón Tết xa nhà, nhưng đây là năm đầu tiên đón Tết một mình, ở một nơi hẻo lánh. Nhưng Hà không kịp thấy buồn nữa, điều Hà bận tâm bây giờ là sớm thạo việc để tâm trí thảnh thơi hơn, chứ ngày nào cũng đấu tranh tâm lí để dậy đi làm oải quá oải
16/02/2024 Top packers – những cao thủ đóng gói dâu
Mặc dù ít được lên sóng nhưng đóng gói dâu mới là công việc chính của Hà hồi còn ở Tasmania
Trong hơn 3 tháng trải nghiệm thì Hà thấy công việc cũng khá thú vị. Đặc biệt, không thể không nhắc đến mức thu nhập tiềm năng đối với một số bạn top packers.
Để được mức lương khoán theo sản lượng, người đóng gói cần hoàn thành xấp xỉ hơn 170 hộp/ tiếng. Mỗi hộp sẽ được trả 0.17 đồng. Làm càng nhiều lương khoán càng nhiều.
Không đơn thuần chỉ đóng gói, tụi mình còn phải tự phân loại dâu theo kích cỡ, chất lượng. Chỗ làm của Hà chia dâu ra làm 3 loại:
– Loại 1: dành cho những quả kích cỡ vừa trở lên, không hoặc gần như không hư hại, không mất cuống. Dâu được bán cho các siêu thị lớn với yêu cầu đầu vào khắt khe với giá thành cao hơn.
– Loại 2: dành cho những quả kích cỡ nhỏ trở lên, không hoặc hư hại ở mức độ chấp nhận được. Dâu được bán cho các cửa hàng nhỏ hơn nên yêu cầu đầu vào và giá thành cũng thấp hơn một chút.
– Loại 3: nếu không đóng cho loại 1 và 2 được, những quả dâu đó sẽ trở thành “rác” và được bỏ vào xô và mang bán cho các trang trại gia súc.
Với những người lành nghề hoặc lâu năm, chỉ cần chạm/ nắm vào quả dâu sẽ xác định được nên cho dâu vào đâu. Dĩ nhiên là vẫn cần nhìn nhưng chỉ lướt qua.
Nông trại dâu chỗ Hà làm được canh tác ở ngoài trời, dâu dễ bị hư hại bởi nắng, gió, mưa, động vật (ốc sên, chim chóc, sâu bọ). Chưa kể, dâu được trồng tự nhiên, ít thuốc và các chất kích màu, kích quả to nên chất lượng dâu không đồng đều.
Những điều trên dẫn đến khó khăn trong việc đóng gói hơn một số nơi khác. Đó cũng là lí do Tasmania nổi tiếng về dâu tươi ngon có vị ngọt tự nhiên.
Dù vậy, đã là top packers thì không gì cản bước được họ trên con đường kiếm tiền.
Tay và mắt của họ làm việc không ngừng nghỉ với tốc độ cực kì nhanh, cực kì tập trung.
Mất bao lâu để lành nghề? Tùy khả năng mỗi người nữa. Có bạn vào làm được 1 tháng đã đóng gói nhanh gần bằng người có 5-6 năm kinh nghiệm.
Tốc độ của Hà chỉ ở mức trung bình trong khu đóng gói. Hôm nào thiên thời địa lợi nhân hòa, tức là dâu đẹp nguyên ngày á thì Hà được khoán.
Còn mấy bạn top packers thì dâu đẹp dâu xấu gì vẫn có khoán nha. Những hôm dâu xấu quắccccc mà có người đóng được hơn 230 hộp/ giờ. Những hôm dâu đẹp, đóng >300 hộp/ giờ là chuyện nhỏ với người ta
Đóng gói nhìn có vẻ nhàm chán so với ra đồng. Nhưng đây mới là công việc phù hợp cho hầu hết các bạn nữ, nhẹ nhàng, không bào sức mà còn có cơ hội được lương khoán không thua gì hái khoán dâu.
P/S: bạn top packer Hà quay trong video này là nam á
27/02/2024 Visa 462 có phải chỉ đi làm nông?
Thực ra nông nghiệp là một trong những ngành nghề có nhu cầu nhân lực lớn tại Úc, ít yêu cầu ngoại ngữ và kinh nghiệm nên dễ tìm việc. Chứ với visa 462 thì bạn được phép du lịch và đi làm tự do tại Úc, miễn hợp pháp.
Sau công việc hái và đóng gói dâu tây tại đảo Tasmania, qua sự giới thiệu của một người bạn thì Hà đến Tây Úc làm việc cho một khách sạn gia đình.
Bên cạnh phụ bếp là công việc chính, Hà được hướng dẫn và làm các công việc khác, trong đó có bán thức uống ở quầy pub.
Quầy pub này đa số mọi người thưởng thức bia ướp lạnh chứ ít khi phải pha chế. Mà có pha thì cũng rất cơ bản, 1 shot rượu kèm đồ uống có ga, menu không có món nào lắc bình.
Nhưng mà nhiều khi khách gọi nước Hà phải hỏi lại hoặc nhờ sự trợ giúp từ chủ và đồng nghiệp. Phần vì nghe nói tiếng Anh chưa tốt lắm, phần vì chưa nhớ hết các loại bia và rượu.
Hai bạn đồng nghiệp làm chính ở quầy pub, 1 bạn người Anh, 1 bạn người Canada nên tiếng Anh của họ khỏi phải bàn rồi.
Vì trình độ tiếng Anh để nộp hồ sơ 462 không yêu cầu cao nên Hà từng nhận những câu hỏi đại loại: không rành tiếng Anh có qua Úc làm được không?
Được thì vẫn được nhưng bị hạn chế công việc rất nhiều, chủ yếu làm nông, hoặc làm ở khu người Việt.
Thậm chí như Hà làm phụ bếp cũng cần tiếng Anh, chỉ là không phải thông thạo như các bạn làm ở pub.
Tiếng Anh cơ bản để có thể nghe hiểu yêu cầu từ chủ, đọc hiểu đơn gọi món và biết nên chuẩn bị nguyên liệu gì, riêng làm ở chỗ Hà còn phải giao tiếp với khách và hỗ trợ quầy pub, v…v…
Có những lần Hà nghe không rõ hoặc hiểu sai ý đôi khi cũng hơi phiền phức. Nhưng thực sự chủ và đồng nghiệp ở đây rất hỗ trợ Hà luôn, đỡ tủi thân phần nào.
Nên để có nhiều cơ hội việc làm ở Úc, tự do hơn trong sự lựa chọn thì tiếng Anh giao tiếp cơ bản là không thể thiếu nha.
À cả sự tự tin trong giao tiếp cũng rất quan trọng nữa, phần này thì Hà lại hơi đơ
28/02/2024 Không rành tiếng Anh có qua Úc làm được không?
Bài viết này Hà bổ sung thêm ý cho nội dung trước đó, trong phạm vi dành cho visa Lao động Kỳ nghỉ 462 như tên album.
Nhiều người lầm tưởng khi được cấp visa thì phải sang Úc ngay. Thật ra bạn chỉ cần sang Úc trong vòng 1 năm kể từ ngày cấp.
Và khi đặt chân đến Úc thì visa mới được kích hoạt 1 năm hiệu lực (theo Hà biết là nếu quá cảnh Úc cũng tính là kích hoạt visa)
Như vậy, bạn có 1 năm chuẩn bị + 1 năm ở Úc theo hiệu lực.
Trong 1 năm chuẩn bị, bạn hoàn toàn có thể ôn tập tiếng Anh và bỏ túi thêm vài kĩ năng khác.
Điều kiện xin visa 462 là có tiếng Anh mức cơ bản. Cho dù là học mẹo hay học tủ để lấy được chứng chỉ đi chăng nữa, thì cũng không thể nói là bạn không biết chút gì về tiếng Anh nè.
Nên nếu chưa tự tin lắm về khả năng tiếng Anh của mình thì đừng quá lo lắng. Cứ tìm hiểu và xin được visa trước đã, những gì còn lại có thể chuẩn bị sau.
Hơn nữa, tiếng Anh giao tiếp chưa tốt thì giới hạn cơ hội việc làm, chứ không phải là không thể. Có những bạn khi làm những công việc đầu tiên ở Úc đã dành thời gian để học thêm rồi tìm kiếm công việc tốt hơn về sau.
Hồi đó trước khi sang Úc, Hà không ôn tiếng Anh, phần vì lười :)))) phần vì Hà cảm thiếu tự tin hơn cả là bản thân không có nhanh nhẹn hoạt bát, sợ khó thích ứng với môi trường mới.
Nên Hà đã ưu tiên tham gia các khóa học nghề ngắn. Coi như vừa trải nghiệm vừa học hỏi thêm, lại có cớ trấn an là dù m hơi vụng nhưng m đã học trước rồi thì đỡ hơn là không học đó Hà
27/03/2024 Đặt câu hỏi không biến chúng ta thành kẻ ngốc.
“Nhìn ông khó vậy thôi chứ dễ huông lắm, làm thân với ông rồi thi thoảng ông nấu cho ăn ké với chở đi siêu thị”
Bạn Hà từng làm ở đây có dặn dò như vậy.
Tuần đầu tiên làm việc với ông hơi rén, tại nhìn khó thiệt
Nhưng dần dần Hà cũng nhận ra là ông rất dễ chịu.
Khoảng khắc phá vỡ tảng băng là lúc ông đang chỉ Hà cắt cái gì đó, ông bảo:
– Nếu cháu không biết cái gì cứ hỏi nha. Đặt câu hỏi không biến chúng ta thành kẻ ngốc. Vì đó là những thứ chưa làm qua nên cháu không thể biết cách làm đúng, hiển nhiên là cháu cần phải hỏi.
Hà được hướng dẫn từng công việc một cách kiên nhẫn như thế.
Ông là chủ kiêm bếp trưởng khách sạn nơi Hà làm việc. Ông là người Malaysia đó, quê ở Penang. Từ hôm nay ông sẽ vắng mặt một thời gian để về Malaysia thăm nhà.
– Tụi cháu sẽ nhớ ông lắm á.
– m bớt xạo đi, m vui lắm chứ gì, tha hồ tung hoành trong cái bếp.
Đúng là gừng càng già càng cay
30/03/2024 Đừng luôn tin vào kí ức
Trong căn phòng kí túc xá ở Tasmania những ngày cuối cùng của tháng 1, có con nhỏ mò mẫm lướt tìm việc ngành dịch vụ (hospo).
Mỗi lần đọc tin tuyển dụng là nhỏ đó lại vò đầu bứt tai than thở:
– Sao t có thể làm hospo được đây?
Nhỏ trong bài không ai khác là Hà
Hà muốn tìm một trải nghiệm mới, một bước ngoặt mới sau những tháng hái và đóng gói dâu tây.
Mục tiêu nhắm tới là ngành hospo để được giao tiếp nhiều hơn và công việc đỡ bấp bênh theo mùa vụ.
Mấy đứa bạn cùng phòng luôn ra sức động viên rằng không sao đâu, Hà sẽ làm được.
Không thể nào.
Hà nhớ như in 1 kỉ niệm.
Khoảng thời gian làm phục vụ ở một quán cafe khi còn là sinh viên, Hà không nhớ thuần thục được menu. Những buổi sáng bán cafe mang đi không thể nào xoay sở được với lượng khách đông và dồn dập.
Lúc đó không phải đồng nghiệp nào cũng hỗ trợ chỉ việc cho Hà, có khi còn cô lập. Hà cảm thấy vô cùng lạc lõng và chẳng đáp ứng được yêu cầu. Dĩ nhiên là chủ không thể giữ Hà sau tuần thử việc.
Tại sao nhiều người làm được mà mình thì không?
Kí ức đó và nhiều chuyện khác khiến Hà mang theo nhận định rằng mình sẽ chẳng làm gì nên hồn, kể cả là một công việc phục vụ.
Hà giữ suy nghĩ đó đến tận những năm tháng sau này. Khoảng thời gian ở Malaysia đã xoa dịu chúng nhưng chưa thể tháo gỡ nút thắt cuối cùng.
Đến Úc và làm việc tự do đã kích hoạt nỗi sợ lớn.
Khi tìm việc hospo ở Úc, nút thắt ấy càng hiện rõ và xâu chuỗi nhiều mối lo. Tiếng Anh không lưu loát, kinh nghiệm không có thì phải làm sao đây?
Nhỏ bạn từ giường tầng dưới đối diện, nhìn thẳng vào mắt Hà và nói:
– Nhưng đó là câu chuyện của nhiều năm trước rồi. Phải thử chứ, mọi thứ bây có thể khác, và m cũng đã khác.
Làm sao có thể khác được?
Khi Hà vẫn là đứa vừa vụng về vừa đãng trí
Hà biết có những bạn phải đi tới từng hàng quán, khách sạn để nộp đơn, có người rải hơn 50 CV mới ăn thua.
Thử việc (trial) ở Úc là tới làm trong 1 buổi hoặc 1 ngày rồi chờ kết quả. Lỡ như Hà rớt thử việc hết chỗ này tới chỗ khác thì làm sao đây?
“Nhưng đó là câu chuyện của nhiều năm trước”.
Câu nói của đứa bạn lần nữa đánh thức lí trí và cả con tim. Hà rón rén nộp hồ sơ online và nhắn cho một số chỗ, chứ chưa đủ can đảm để nhờ bạn chở lên thị trấn nộp hồ sơ trực tiếp.
Rồi cơ hội cũng tới, khách sạn nơi một người bạn từng làm việc cần tuyển người và gọi điện phỏng vấn.
Thực ra chỉ trao đổi sơ qua vì công việc không yêu cầu nhiều về tiếng Anh. Nhưng trước đó vì lo quá mà Hà đã soạn hẳn 1 file Excel để chuẩn bị
Quan trọng là không cần thử việc.
Những nơi đất chật người đông như thành phố, chỉ một vị trí phục vụ cũng có thể nhận được hàng chục CV.
Những bài đăng tuyển trên các nhóm FB có hàng trăm tương tác và bình luận là chuyện không hiếm. Nhà tuyển dụng có vô vàn sự lựa chọn.
Vậy nên, Hà phải công nhận mối quan hệ là một trong những cách tìm việc hiệu quả tại Úc.
Được nhận việc ở khách sạn và yêu cầu đến sớm. Hoặc có việc ngay hoặc lại thấp thỏm tiếp tục tìm kiếm, Hà ngay lập tức mua vé máy bay với cái giá đắt đỏ
Khách sạn Hà làm việc nằm ở thị trấn Perenjori hẻo lánh và xa xôi. Những nơi như thế nếu công việc không quá cần kinh nghiệm thì chẳng ai thèm đòi thử việc. Vì có người nào mà dám đi mấy trăm cây số chỉ để thử việc rồi chờ câu trả lời.
Công việc chính của Hà là phụ bếp nhưng khách sạn có cả quầy pub. Vậy là Hà được làm mỗi thứ một chút.
Hà học quy trình để hỗ trợ đầu bếp, chuẩn bị và cắt thái, bảo quản nguyên liệu, rửa chén.
Hà học thêm các loại thức uống, cách phục vụ, hiểu thêm về văn hóa ăn uống Úc.
Hà học quy trình dọn dẹp buồng phòng và các khu vực của khách sạn.
Gần khách sạn còn có một roadhouse, Hà được cô chủ ở đó tạo điều kiện làm thêm vài tiếng mỗi tuần. Hà lại được học cách bán hàng, cách pha các loại cafe cơ bản.
Hà vẫn là Hà, đôi khi vụng về.
Có những lần đông khách và đầu bếp phải thở dài: nhanh lên Haley ơi m đang chậm quá đó.
Hà vẫn là Hà, thi thoảng đãng trí.
Có những lần pha cafe và đánh bọt sai tè le vì Hà không phân biệt được, còn quên giá tiền và tên hàng hóa.
Nhưng trải nghiệm của Hà bây giờ lại rất khác.
Những người dân ở thị trấn Perenjori vô cùng đáng mến. Nếu Hà bị bối rối, họ vẫn nở nụ cười và kiên nhẫn để Hà hoàn thành công việc. Cũng có người tỏ ra không dễ chịu nhưng chỉ là số rất rất ít.
Người bạn giới thiệu cho Hà công việc này dặn:
– Mới đầu hơi áp lực, nhưng nhờ làm việc ở đây mà t cảm thấy tự tin hơn nhiều á.
Trong tuần đầu tiên, Hà thấm được từ “áp lực” khi có quá nhiều thứ phải học và nhớ. Nút thắt vô hình đó như một lần nữa siết chặt lại trước khi được tháo bung ra.
Đến bây giờ, Hà hiểu được từ “tự tin” được bạn nói đến.
Hà không phải là người ưu tú. Sự tự tin không tự nhiên mà có.
Nhưng Hà may mắn được trao lòng tin và cơ hội.
Tình người đã giúp Hà gỡ dần nỗi ám ảnh và xây dựng niềm tin vào bản thân mình.
Kí ức đôi khi như một thước phim khiến ta luôn mặc định đoạn kết. Dù rằng ta đã bước sang tập mới, bối cảnh mới, nhân vật mới và đôi khi bản thân diễn viên chính là chúng ta cũng đã có sự thay đổi mới.
Hà từng mãi đóng khung mình trong thước phim của những năm tháng xưa như thế.
Đừng luôn tin vào kí ức, bạn nhé.
07/04/2024 Lời khen và sự tử tế
Cả tuần nay chủ của Hà cũng là các đầu bếp ở đây đi vắng.
Người trong ảnh là ông C – bạn của chủ được mời tới ở lại và tạm thời quản lí khách sạn.
Ông ấy đã nghỉ hưu nhưng thi thoảng có nấu ăn ở bếp thị trấn bên cạnh. Khi được nghe giới thiệu công việc của ông C, Hà đã đinh ninh rằng đó là người sẽ thay chủ mình nấu.
Nhưng hóa ra không phải Thực đơn cả tuần nay chỉ rút gọn còn vài món ăn nhanh để Hà tự làm, ông ấy hỗ trợ khi cần.
Sau kì nghỉ lễ Phục sinh cũng là ngày đầu tiên Hà tự đứng bếp. Khách bữa đó đông xỉu.
Bạn nào làm trong bếp kinh doanh hộ gia đình chắc sẽ cũng đoán được mỗi khi khách đông là dễ vỡ trận.
Hôm đó vỡ trận thật luôn. Mọi khi có đầu bếp gánh thì giờ phải tự bơi.
Đơn gọi món xếp dài, tay Hà vừa làm còn đầu óc quay cuồng lúng túng. Ông C và mấy bạn đồng nghiệp ở pub ra sức hỗ trợ để lên món nhanh nhất có thể.
Nhìn những dĩa đồ ăn đôi khi chưa chỉn chu được mang đi, Hà bứt rứt lắm mà hoàn toàn không có tâm trí và thời gian để can thiệp. Khoai tây chiên đôi lúc không đủ giòn nóng, bánh có khi hơi cháy, salad thi thoảng chưa được ngay ngắn và sốt có lúc bị lem nhem.
Khách hoặc dễ tính hoặc không nhận ra nhưng mình đứng bếp nên đập vô mắt mình liền. Hà nghĩ là mình làm tạm ổn thôi chứ không tốt.
Nhưng cả đồng nghiệp, ông C và khách hôm đó lại khen ngợi và động viên. Ông C còn bảo đã khoe với chủ là: Haley nó hoàn thành tổng xx đĩa đồ ăn lận.
Những hôm sau đỡ đông dần, khách cũng ngán đồ ăn nhanh rồi á. Dự trù tuần tới khi thực đơn quay lại như cũ sẽ đông lắm. Nhưng khum sao, chủ Hà gánh
Hôm nay khi chủ Hà về, trước mặt chủ, ông C lại nhắc về bữa tối hôm ấy.
Từ nhỏ Hà đã hay bị mắng vốn rồi, nên chỉ cần không mắng vốn là Hà đã cảm kích lắm rồi Nhưng ông C không dừng ở đó, một lần nữa ông khen ngợi và chủ vui vẻ hưởng ứng theo.
Hà bẽn lẽn cảm ơn và thầm nghĩ chủ mà thấy mấy cái bánh burger bị cháy đen chắc toát mồ hôi ớ.
Lúc còn ở Malaysia, Hà đã được tiếp xúc văn hóa làm việc mà mọi người hay dành lời khen cho nhau. Nhưng Hà không để tâm lắm vì ít tiếp xúc và có phần xa cách. Đôi khi Hà còn cảm thấy hơi sáo rỗng và gọi chúng là lời khen công nghiệp.
Nhưng đến Úc thì phải giao tiếp nhiều hơn, công việc ít độc lập hơn, Hà lại có thêm luồng suy nghĩ khác.
Có thể Hà không tin vào bản thân, nhưng Hà tin đó là sự tử tế của người khác.
Chắc hẳn họ cũng thật tâm mong Hà tin tưởng chính mình và ghi nhận thành quả của sự cố gắng.
Cũng khi họ rộng lượng với Hà hơn cả sự rộng lượng của Hà dành cho bản thân.
Một câu nói có thể tạo bước ngoặt cho cuộc đời người khác. Chẳng phải chúng ta có thể sử dụng sức mạnh đó bằng lời khen và lòng tử tế sao?
16/05/2024 Nếu muốn, hãy thử tìm cách, biết đâu
Một ngày tháng 10/2023, chiếc xe do chú Todd phóng vun vút chở cả nhóm về ngôi nhà cạnh nông trại dâu.
Các bạn đi cùng sôi nổi giao lưu với chú, còn Hà thì ngồi lơ đễnh nhìn ra bên ngoài ngắm cảnh.
Chú kể về một “huyền thoại” đóng gói dâu – top packer. Chị ấy các năm trước từng làm ở đây, mùa dâu năm nay (2023) cũng thế. Thu nhập chị ấy có thể kiếm gấp 2 so với người bình thường vì tốc độ đóng siêu nhanh.
Cả bọn ồ lên. Hà cũng vừa tò mò vừa kinh ngạc.
Chỗ Hà trả lương theo giờ, đủ chỉ tiêu sẽ được lương khoán – nhân tiền với từng hộp dâu ra thu nhập.
Vì được trả lương theo giờ nên cũng áp lực lắm. Hái dâu có thể lẹt đẹt nhưng đóng gói nên đủ hoặc gần đủ. Làm thời vụ thì chủ có thể cho nghỉ trong một nốt nhạc.
Mấy tuần đầu tiên trôi qua vật vã, bảng lương hiển thị chủ phải bù nửa lương cho Hà. Hà nghĩ bụng: sao người ta làm được khoán hay thế nhỉ
Chị top packer được chủ trả tiền để dành ra một buổi hướng dẫn lại tụi Hà. Cái tay chị đóng lia lịa muốn hoa cả mắt.
Dần dần, tuy Hà còn chậm nhưng đã đỡ hơn. Lúc này tưởng an toàn rồi.
Rồi một nhóm người mới đến, là “lính” của chị top packer. Cũng là mới nhưng được chị kèm riêng sát sao nên phần đông các bạn ấy làm được rất nhanh.
Một trong những bạn nhanh nhất nhóm của chị ấy đứng trước Hà.
Sau 1 tuần. Vâng, chỉ sau 1 tuần bạn ấy đã bắt kịp tốc độ của Hà. Điều mà Hà mất cả tháng.
Rất nhanh sau đó, bạn ấy vượt qua cả Hà.
Vì tầm nhìn của Hà chỉ thấy mỗi bạn ấy nên áp lực vô cùng.
Hà chọn buông thả chứ cố hết sức không thể hơn được.
Bên cạnh những thước phim đẹp, những tấm ảnh để đời về sau tại Tasmania, song song với trải nghiệm đáng nhớ thì Hà cũng phải qua những xúc cảm âu lo như vậy đó.
Nhỏ bạn thấy Hà tuyệt vọng thì bày cho:
– Mày cố thử đi. Đây, t quan sát được mẹo là thế này thế này. Người ta có thể chỉ cho mình nhưng không ai chỉ hết đâu, đó là “ngón nghề” của người ta. Nên t phải tự quan sát và rút ra được phần nào đấy.
Hà xốc lại tinh thần. Thay vì buông xuôi, Hà áp dụng thêm cách của nhỏ bạn và cố gắng đuổi theo bạn phía trước.
Càng đuổi bao nhiêu thì bạn ấy càng tiến bộ từng ngày và Hà vẫn luôn phải chạy theo sau.
Tiếng đổ khay đầu tiên của bạn ấy luôn trước Hà và cứ thể những khay về sau càng bỏ xa Hà.
Hà vẫn lo lắng và áp lực.
Cho đến một ngày, dâu đẹp, đóng nhanh. Hà thử đếm số hộp.
Hà được lương khoán.
Không thể tin được.
Ulatroi, do Hà đuổi theo bạn một bạn rất nhanh nên không nhận ra là mình dần cũng tiến bộ hơn trước. Tầm nhìn thấy mỗi bạn đó nên cảm tưởng bản thân là người chậm nhất khu đóng gói vậy.
Rồi Hà tự tin hơn, không còn lo bị cho nghỉ nữa Hôm nào dâu đẹp thì Hà có thể thêm được chút khoán.
Bạn đứng trước Hà và các top packer khác, dâu đẹp hay xấu đều được khoán, khoán rất cao. Không biết liệu còn những mẹo gì giúp họ làm được điều không tưởng như thế
Hà từng nghĩ mình quá chậm, không thể đủ chỉ tiêu được.
Hà từng nghĩ dù có cố mấy cũng không thể tốt hơn được.
Vậy mà lại có thể được khoán.
Có lẽ là do Hà chưa tìm đủ cách và chưa thử hết sức mình.
Bây giờ thì không còn đồng hành cùng nhỏ bạn nữa. Không còn ai để Hà dựa dẫm, để Hà ngồi lơ đễnh ngắm cảnh mà không lo bỏ lỡ câu chuyện gì, hay để lúc Hà buông xuôi mà vẫn có người thúc giục.
Cuộc sống mới ở Tây Úc buộc Hà phải tự lập hơn. May là chủ của Hà và người dân tại thị trấn Perenjori dễ mến cực kì.
Kỉ niệm ở Tasmania, đúng hơn là nhỏ bạn Khloe’s Story đã tặng Hà một bài học cuộc sống:
Nếu muốn, hãy thử tìm cách, biết đâu mình sẽ làm được. Ít ra là không hối hận vì đã không bỏ cuộc dễ dàng.
30/05/2024 Bài học và món quà
– Em có đang ổn không Hà? Sức khỏe tinh thần có thực sự ổn không?
Một người chị hỏi. Chị cũng giữ visa 462 và từng làm việc ở Malaysia như Hà.
Hà xúc động xen chút bất ngờ. Hà đoán chị cũng lo khi thấy Hà đi làm một mình ở vùng xa, như gia đình và bao bạn bè lo cho Hà vậy.
Với nhiều người, đi vùng xa là sự đánh đổi. Trước đây Hà cũng từng nghĩ thế.
Với nhiều người, có lẽ ở vùng xa dễ buồn và buồn đến tột cùng, dễ cô đơn và cô đơn đến tột cùng.
Đã vậy, cảnh sắc nơi này còn không nịnh mắt như Tasmania.
Nhưng Hà vẫn đang cảm thấy vui và hạnh phúc. Có ngày vui ít, có ngày vui nhiều, cũng có ngày không vui, nhưng chắc chắn là ổn.
Khi nhận đươc lời hỏi thăm, Hà phải hồi tưởng lại cảm xúc của 1-2 tuần đầu tới đây để hiểu tại sao mọi người lại lo lắng.
Những gì Hà cảm thấy lúc đó đúng là buồn và cô đơn. Còn bây giờ thì hoàn toàn không.
Nhưng câu nói tiếp theo của chị lại làm Hà xúc động và bất ngờ lần nữa:
– Tại em hướng nội mà phải làm nghề giao tiếp nhiều ấy. Sợ em bị mất năng lượng.
À.
Trộm vía lâu lâu Hà mới lượn ra quầy pub thôi.
Lau dọn, phụ bếp … đa số các công việc không cần phải nói nhiều, cứ lẳng lặng mà làm.
Hồi đầu vì không có kinh nghiệm ngành hospo nên thấy có việc là Hà hốt thôi. Chứ thực sự mới nghe là mình sẽ làm kitchenhand/ phụ bếp, Hà cảm thấy không hợp lắm.
Vì Hà không thích nấu ăn.
Ai dè làm một thời gian thấy hóa ra cũng okela, tại ít phải giao tiếp
Còn công việc ở quầy pub mà Hà từng nghĩ rất thú vị và muốn thử nó, khi làm qua rồi mới biết không như mình tưởng tượng.
Mấy tuần đầu bị thiếu người bên pub nên hầu như ngày nào Hà cũng trực ít nhất 1-2 tiếng. Dù ít giao lưu, ai hỏi gì nói đó thôi hà, nhưng nghe tiếng người hoặc nhìn thấy đông người là đã cảm thấy mệt hơn hẳn so với cũng chừng thời gian đó mà làm trong bếp
Câu hỏi thăm của người chị tự dưng cũng gợi nhắc Hà về một nỗi sợ.
Hà thấy ổn vì mọi thứ đang theo hướng thuận lợi phải không nhỉ?
Có những thứ có thể là khó khăn với người khác nhưng không hẳn là điểm yếu của Hà. Có những người đi vùng xa để đánh đổi và cảm thấy thật cô quạnh, chạnh lòng nhưng Hà thì lại thích nghi và yêu mến thị trấn này mất rồi.
Thế nếu gặp những thử thách trùng với điểm yếu, liệu Hà có thể vượt qua không và bằng cách nào đây? Nếu ngay từ đầu được sắp xếp làm công việc phải giao tiếp nhiều và cạn kiệt năng lượng thì liệu bây giờ Hà vẫn tìm thấy niềm vui chứ?
Con đường Hà đi, đầy những ngã rẽ mà mỗi bước chân tiếp theo sẽ định hình cho bản thân hiểu thêm về chính mình. Mỗi bước chân vào con đường mới có thể mang đến 1 món quà, hoặc 1 bài học nào đó.
Nhưng nếu Hà không can đảm bước đi, không can đảm đón nhận bài học thì cũng sẽ không có món quà nào cả …
02/06/2024 An toàn
Trước khi nộp được visa Úc, Hà không chỉ hụt Úc vài lần mà hụt cả New Zealand.
Năm 2022, New Zealand mở 2 lần mỗi lần 100 suất, giành không được suất nào luôn (như hình) Lúc đó buồn thì có buồn nhưng chóng quên.
Cánh cửa này đóng lại thì kiếm cánh cửa khác nên Hà quay xe về Úc.
Không đi được New Zealand thì Hà tập trung canh bên Úc. Mà không đi Úc được thì sao?
Hà vẫn tiếp tục làm việc ở Malaysia, vẫn tìm kiếm và chờ cơ hội nào đó khác dành cho mình.
Năm 2019, Hà làm công việc kiểm duyệt nội dung chừng 1 năm là đã thấy không ổn để đi lâu dài. Nhưng Hà chưa tìm được điểm đến tiếp theo phù hợp nên cứ duy trì công việc, Hà chỉ thay đổi công ty và dự án mà thôi. Bẵng tới 2023 Hà mới nghỉ vì có visa Úc.
Hà tự nhận xét bản thân là kiểu người khá an toàn.
Công việc phần lớn được làm ở nhà lúc đó là 1 trong những lí do giúp Hà quyết định theo đuổi visa 462 Úc.
Một số bạn có thể đầu tư rất nhiều: nghỉ công việc chính, bỏ tiền thuê agent, canh visa đến mất ăn mất ngủ.
Nhưng Hà thì chỉ nhìn vào bề nổi mà thôi: visa 462 chỉ có thời hạn 1 năm.
Mặc kệ khả năng gia hạn hay khả năng định cư hay những giấc mơ lớn hơn mà một số người hướng đến. Hà đơn thuần là cần điều gì đó giúp mình tạo một sự thay đổi – một cú hích để đủ can đảm nghỉ công việc cũ, dấn thân con đường mới và để có thể kiếm thu nhập tốt hơn.
Hà đã hiếu thắng để theo đuổi visa. Nhưng Hà vẫn luôn giữ cho mình có sự lựa chọn.
Có lẽ ước mơ của Hà không đủ lớn, thú thật là nếu canh tới một thời điểm nào đó lâu hơn và lâu hơn nữa thì chắc Hà đã dừng lại.
Nhưng khi cơ hội đã nằm trong tầm tay, Hà sẽ cố hết sức mình. Sau khi visa được grant, Hà dành hơn nửa năm để chuẩn bị tâm lí và học các khóa nghề ngắn. Cái chính là chuẩn bị tâm lí vì mấy khóa ngắn chủ yếu để tự trấn an chứ Hà vụng về học quên mau lắm.
Lúc sang Úc, Hà quên mua trước chiếc ổ điện chuyển chấu thì một người bạn đã phải thốt lên: Hà chuẩn bị kĩ vậy mà lại quên cái đó ư?!
Có lẽ việc Hà chia sẻ hành trình cá nhân truyền cảm hứng cho một số bạn. Việc người khác nhìn nhận thế nào về nội dung của Hà lắm lúc còn làm Hà bất ngờ, nên việc truyền cảm hứng cũng nằm ngoài sự kỳ vọng của Hà.
Hà muốn nói thêm ở đây rằng:
Bạn có thể nỗ lực hết mình để có visa. Bạn có quyền hi vọng, có quyền viết ước mơ, bạn được vui mừng, được thất vọng. Nhưng đừng nên biến đó thành mục tiêu duy nhất. Nếu mọi chuyện không thành … Bạn còn lại gì? Bạn mất bao lâu để xốc lại tinh thần và tiếp tục vui sống?
Bài viết này là góc nhìn của một người từng nhiều lần may mắn vượt sóng sau những quyết định liều lĩnh. Nhưng Hà biết không phải lúc nào may mắn cũng hiện diện. Có lẽ vì thế nên dần dần Hà cũng thận trọng và ưu tiên lựa chọn an toàn hơn.
20/06/2024 Tại sao lại đi một mình?
Hà có 2 anh đồng nghiệp từng làm chung công ty ở Malaysia, cả 2 anh này đều đi Úc với visa 462 trước Hà.
Một anh đi trước, một anh đi sau.
Hà đinh ninh rằng khi anh thứ 2 đến Úc thì các anh sẽ đồng hành cùng nhau. Vì với Hà lúc đó, đến một vùng đất quá mới mẻ như Úc thật đáng sợ và sẽ liều lĩnh làm sao khi chẳng có ai bên cạnh.
– Anh sẽ gặp anh C phải không?
– Không, anh đi một mình
– Hả? Tại sao lại đi một mình?
– Đi một mình tự do hơn chứ, mỗi người có định hướng riêng.
Lúc đó Hà hoàn toàn không hiểu.
Khi nhỏ bạn Khloe’s Story cũng nộp được visa là mừng lắm, hẹn nhau đi chung.
Tới Úc, hai đứa cùng nhau đi qua những bỡ ngỡ ban đầu, hơn Malaysia rất nhiều, rồi cùng trải qua những thăng trầm về công việc, cuộc sống, làm quen với mọi thứ ở đây.
Khi gia hạn ở Tasmania xong thì cả hai đều muốn chuyển việc mới.
Khloe tìm được việc trước ở Sydney, một công việc văn phòng đúng chuyên ngành (nhắc tới đây nhớ ra là còn bài blog viết về bạn mà ngâm giấm nhiều tháng trời rồi ahihi)
Lúc đó mọi người đinh ninh rằng Hà sẽ theo bạn đến Sydney rồi tìm việc tiếp:
– Hà cũng sắp đi Sydney phải không?
– Không á.
– Ơ tại sao? Hai người không đi cùng nhau nữa à?
Khloe nhanh miệng: Hà chỉ đi nếu có việc ưng ý thôi.
Ờ đúng thật. Vì lúc đó mọi thứ đã khác rồi, Hà không còn cần thiết phải đi cùng bạn nữa. Lỡ tới Sydney mà không tìm được việc thì phiền lắm.
Nên Hà thực sự rất nể những bạn một mình sang Úc hay bất kì đất nước mới, không có bạn bè cũng không có người thân.
Việc bắt đầu một mình là điều can đảm. Những khó khăn và nỗi buồn vì thế mà có thể bị khuếch đại nhiều lần. Nhưng lúc gặt quả ngọt thì niềm vui và hạnh phúc cũng sẽ được nhân lên nhiều lần mà, phải không?
13/07/2024 Người châu Á. Vùng xa ở Úc. Đủ và cần.
Roadhouse kiểu như trạm xăng kèm cửa hàng tiện lợi nằm trên đường lớn.
Tuần trước Hà gặp 1 chị người Trung Quốc là khách vãng lai ghé roadhouse nơi Hà làm cuối tuần để mua đồ.
Tự nhiên Hà sực nhớ ra thị trấn này hem có ai là người châu Á, ngoài Hà và nhà chủ.
Hèn gì bữa giờ ở đây cứ thấy thiếu thiếu
Bạn phụ bếp cũ cũng là người Trung Quốc. Từ lúc bạn nghỉ, Hà vào thay thì cũng không gặp ai là người châu Á nữa.
Cho đến bữa nọ, chị khách Trung Quốc đó ghé roadhouse. Nhìn chị quan sát và lựa rất lâu, Hà đã mang máng được chị đang nghĩ gì.
Rồi hội thoại diễn ra như sau:
– Ở đây có thịt tươi không em?
– Dạ không. Có thịt đông lạnh thôi ạ
– Có sữa tươi không em?
– Dạ không luôn ạ có sữa hộp nè chị.
Chị Mel làm cùng giới thiệu thêm vài món ăn có thể hâm lại bằng lò vi sóng nhưng chị khách lưỡng lự rồi lắc đầu cười.
Chính xác. Đó là cảm giác của Hà khi mới đến đây và đặt chân vào roadhouse này.
Không có sẵn đồ tươi. Trái cây rau củ thì không quá phong phú và cũng tùy ngày.
Ít gia vị châu Á. Không có nước mắm, tương ớt cay hình như cũng không.
Mọi thứ đều quá bất tiện với một đứa châu Á như Hà và có vẻ cả với chị khách.
Perenjori là vùng xa của Tây Úc. Hàng hóa ở đây không quá nhiều và dễ dàng mua như những nơi khác.
Cả thị trấn có 1 roadhouse, không có siêu thị. Nếu cần mua gì đó mà hết hàng thì phải chờ hàng về, hoặc đặt hàng với cô chủ cho chắc ăn, hoặc sang thị trấn khác mua, hoặc nhịn :)))
Nhưng dần về sau Hà lại thấy bình thường.
Phần là do buổi tối Hà ăn theo bếp khách sạn, cho gì ăn đó, nếu đầu bếp có thời gian thì được tự chọn món. Trưa thì ăn tiếp đồ của bếp nếu còn dư. Thi thoảng mới cần nấu nên nhu cầu mua đồ không nhiều.
Phần là do ở đâu quen đó. Hà không cảm thấy chút nào thiếu thốn hay bất tiện nữa. (Nhưng riêng về y tế thì ở vùng xa bất tiện thật á, Hà sẽ viết bài khác)
Vùng xa cho Hà trải nghiệm và làm quen với cuộc sống “đủ và cần”, chứ không phải “nhiều và tiện”.
Và không phải ai cũng cảm thấy dễ chấp nhận với “đủ và cần” Nên Hà không còn lạ với vài bình luận cực đoan trên một số video của mình.
Cơ mà ở đâu quen đó. Chắc tới lúc về Việt Nam, Hà sẽ ăn hàng thả cửa cho mà xem
Phần kết
Bài viết tổng hợp những quan điểm, góc nhìn của Haley trong chặng đường ở Úc với visa 462.
Với hành trình ở Malaysia, Haley bắt đầu làm blog cũng như chia sẻ những nội dung về công việc và cuộc sống tại nước bạn khi mình đã ở đó hơn 3 năm – quãng thời gian đủ cho những trải nghiệm chín mùi.
Còn với Úc, mình bắt đầu chia sẻ ngay khoảnh khắc đặt chân đến đây. Những trải nghiệm được viết ra là sự tức thời, tươi mới và có thể thay đổi theo diên biến tâm lý của bản thân mình.
Quan điểm có thể thay đổi theo thời gian, nhưng niềm tin vào quan điểm của bản thân theo từng chặng hành trình thì không.
Nếu bạn cảm thấy bài viết/ trang blog hữu ích và muốn mời mình một ly cafe, hãy bấm vào ảnh bên dưới nhé:
Thân mến,
Little Haley