Nếu bạn muốn đi làm ở nước ngoài kiếm tiền và trải nghiệm, du lịch mà vẫn có dư, thì Haley gợi ý bạn tìm một công việc văn phòng ở các công ty đa quốc gia tại Malaysia. Đó là một trong những con đường dễ dàng nhất mà mình biết. Haley có gần 2 năm làm việc ở Accenture Malaysia và gần 3 năm ở TikTok Malaysia. Bài viết này chia sẻ chi tiết quy trình tuyển dụng.
Bạn có thể theo dõi nội dung qua video này:
Giới thiệu
(Bài viết được cập nhật ngày 11/10/2023)
Haley từng làm kiểm duyệt nội dung thị trường Việt Nam cho công ty Accenture và TikTok/ByteDance. Mình muốn chia sẻ kinh nghiệm qua chuỗi bài nhằm cung cấp cho bạn thông tin chi tiết và cơ bản để có thể tìm việc văn phòng tại các công ty đa quốc gia cũng như hiểu thêm về cuộc sống tại Malaysia..
Công việc văn phòng ở Malaysia không có gì quá phức tạp, tương tự như bạn làm ở Việt Nam nhưng cần tiếng Anh giao tiếp cơ bản. Khi bạn phỏng vấn việc làm ở Việt Nam cho những công ty xịn sò chút thì cũng yêu cầu tiếng Anh giao tiếp đúng không nào.
Điểm cộng là văn hóa, cuộc sống ở Malaysia dễ chịu, dễ hòa nhập. Mức lương bên này khá tốt nữa. Bạn thử tính nhé, lương khoảng 900-1000 USD nhận cả sinh viên mới ra trường hoặc trái ngành, trong khi mức sống nhỉnh hơn hoặc ngang với Việt Nam thôi. Bài viết này cho bạn thêm thông tin về mức lương và mức sống tại Malaysia.
Trừ khi lương của bạn ở Việt Nam ổn, và bạn có nhiều thứ để cân nhắc. Còn nếu không và bạn mong muốn trải nghiệm đi làm nước ngoài thì hãy mạnh dạn thử sức ở Malaysia nhé. Điều kiện là bạn phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
– Tiếng Anh giao tiếp (không yêu cầu chứng chỉ)
– Bằng Cao đẳng/Đại học bất kì chuyên ngành
– Hộ chiếu (passport)
Haley đã chia sẻ chi tiết về các cơ hội việc làm và cách tìm việc qua những qua những bài viết trước, bạn có thể xem lại nhé.
Chuẩn bị
Nếu hình dung được quy trình tuyển dụng ở Malaysia, bạn sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn. Vì việc bạn có trong tay bằng cấp, hộ chiếu, tiếng Anh cũng không thể chắc chắn sẽ được nhận. Tương tự như bạn tìm việc ở Việt Nam, bạn đáp ứng hết các yêu cầu cơ bản của nhà tuyển dụng không đồng nghĩa chắc chắn bạn sẽ đậu.
Trước hết, bạn nên tải app Whatsapp. Đây là ứng dụng nghe gọi, nhắn tin; tương tự như Zalo, Wechat, v…v… Ở Malaysia, Whatsapp được dùng rất phổ biến. Ngoài email, số điện thoại thì nếu có Whatsapp, bạn và bên Nhân sự (HR) sẽ trao đổi thuận tiện hơn.
Sau khi bạn nộp CV, quy trình tuyển dụng ở Malaysia có 7 bước, Haley soạn theo theo kinh nghiệm cá nhân, nội dung mang tính tương đối và dùng để tham khảo nhé:
1. HR/Headhunter liên hệ ứng viên
2. (Có thể) làm 1 hoặc nhiều các bài test: đánh máy, tính cách, chuyên môn, tiếng Anh
3. Phỏng vấn tiếng Anh (từ 1 đến 3 vòng)
4. Nhận kết quả phỏng vấn
5. Kí hợp đồng nháp
6. Mua vé máy bay, làm Single Entry Visa (SEV) và nộp, kí các loại giấy tờ khác theo hướng dẫn
7. Sau khi qua Malaysia: nộp hộ chiếu làm visa lao động Employment Pass (EP)
Từ lúc HR liên hệ bạn tới lúc làm xong thủ tục ở VN (bước 1->6) mất 1-3 tháng.
Quy trình tuyển dụng chỉ hơi lâu thôi chứ không khó. Cần lưu ý nhất là buổi phỏng vấn vì đó là cái quyết định. Bạn đi làm và nhảy việc ở Việt Nam sẽ đơn giản. Nhưng để đi làm ở Malaysia, ra nước ngoài dĩ nhiên phải lâu hơn rồi, cần bạn kiên nhẫn nhé.
Nếu bạn đậu phỏng vấn thì là chắc chắn được 95% được sang Malaysia làm. Có thể nhẹ nhõm và thực hiện từng bước tiếp theo như HR hướng dẫn. Nếu có gì không hiểu hoặc không chắc chắn thì nhớ trao đổi với HR.
Thông thường các cty ở Việt Nam, nếu bạn muốn nghỉ việc phải báo trước 1 tháng. Vậy nên, bạn chỉ cần báo nghỉ công ty đang làm việc sau khi bạn đã có offer letter (thư mời nhận việc) từ phía công ty Malaysia.
Sau khi bạn đậu phải mất thêm ít nhất 1 tháng để chuẩn bị thủ tục qua Malaysia. Trong khoảng thời gian 1 tháng đó đó bạn báo nghỉ công ty cũ là vừa kịp và hợp lí.
Khi trao đổi với HR (giai đoạn tìm hiểu) thì họ sẽ hỏi về notice period. Nghĩa là: nếu bạn còn đang đi làm thì phải báo nghỉ trước bao lâu?
Kinh nghiệm phỏng vấn của Haley xoay quanh 2 mảng: CM (viết tắt của những việc liên quan đến content review là kiểm duyệt nội dung) và CS (liên quan đến chăm sóc khách hàng)
Tuy nhiên, nếu bạn nộp đơn những mảng khác ngoài CS, CM vẫn nên đọc hết bài này vì quy trình tuyển dụng của các công ty rất tương đồng.
Chi tiết quy trình tuyển dụng
HR/Headhunter liên hệ ứng viên
Khi liên hệ với bạn, họ sẽ giới thiệu họ là ai, HR của công ty nào, Headhunter của agency nào, thấy CV của bạn qua đâu.
Sau đấy sẽ xác nhận xem có đúng là bạn vẫn đang có nhu cầu tìm việc ở Malaysia hay không. Nếu đúng họ sẽ hỏi và nhắc lại một số thông tin quan trọng như: vị trí đang tuyển dụng là gì, yêu cầu gì, bạn có hộ chiếu chưa, bạn có sẵn sàng qua Malaysia làm nếu đậu phỏng vấn không, v…v…
Đây là bước đơn giản. Người ta chỉ muốn xác nhận và chọn lọc những ứng viên sẵn sàng và phù hợp để đi đến những vòng tiếp theo
Giọng tiếng Anh bên này có thể là Anh-Anh, Anh-Mỹ, Anh-Mã, Anh-Ấn, Anh-Hoa, v…v… nếu nghe chưa quen hoặc Tiếng Anh chưa vững lắm thì có thể bảo họ nói chậm lại hoặc nhờ nhắn tin qua Whatsapp cho dễ trao đổi.
Nhưng, nếu trong trường hợp công ty mà tuyển dụng hơi khó tính, ví dụ công ty Haley là ByteDance/TikTok thì nên chuẩn bị kĩ một chút.
Vì có một bạn kể với Haley là khi HR gọi điện thì bạn ấy chưa sẵn sàng và nói chưa tốt nên không đươc hẹn phỏng vấn. Cũng khá là đáng tiếc. Thông thường bước 1 dễ, nhưng tốt nhất bạn nên có sự chuẩn bị cho những cuộc gọi bất ngờ từ phía HR như thế này.
Nếu bạn được liên hệ nhưng thông tin không chuyên nghiệp, không chính thống lắm. Thì hãy cẩn thận. Ví dụ như thế này:
Haley làm ở TikTok nhưng vẫn “được” nhận tin tuyển dụng lừa đảo việc làm TikTok. Tốt nhất là bạn nên có email của nhà tuyển dụng, nhìn đuôi email để kiểm tra phải người thật việc thật không nhé. Đuôi email của công ty ByteDance/TikTok là @bytedance.com
Việc ban đầu HR liên hệ bạn qua tin nhắn là điều hết sức bình thường, đó là lý do Haley gợi ý bạn tải ứng dụng whatsapp để 2 bên dễ liên lạc và miễn phí. Bạn cứ trao đổi miễn là không có dấu hiệu bất thường (đề xuất mức lương không tưởng, nhấn mạnh việc tạo thu nhập dễ dàng, hối thúc bạn nộp tiền v…v…)
Nhưng với những thông tin quan trọng: xác nhận lịch phỏng vấn, kết quả phỏng vấn, thư mời nhận việc, thỏa thuận một số điều khoản v…v… HR sẽ có email xác nhận với bạn một cách chuyên nghiệp.
(Có thể) làm 1 hoặc nhiều bài kiểm tra
Việc có bài kiểm tra hay không sẽ tùy công ty, tùy dự án và cả thời điểm. Các bài kiểm tra sẽ được gửi qua email.
Thường thì mảng CS sẽ có kiểm tra, CM thường là không.
Cập nhật 2023: Hiện tại nhiều công ty đã tuyển dụng khó hơn thời gian đầu nên bài kiểm tra đầu vào phổ biến hơn vài năm về trước, bạn cần lưu ý nhé.
- Tốc độ đánh máy
HR sẽ gửi cho bạn đường link để vào đó làm một phút bạn gõ được bao nhiêu từ. Có thể làm lại nhiều lần và chụp màn hình gửi kết quả đạt điểm.
- Tính cách
Bạn làm bài trắc nghiệm tương tự IBMT để HR biết bạn thuộc nhóm tính cách nào.
- Chuyên môn
Đề bài sẽ được gửi đến và yêu cầu bạn viết đáp án rồi nộp lại.
Ví dụ, bạn nộp đơn vị trí về CS, đề bài : Khách hàng phàn nàn [một vấn đề cụ thể], hãy viết 2 email để phản hồi (1 tiếng Anh, 1 tiếng Việt)
Phần này sẽ không khó lắm vì bạn có thể tìm nguồn tham khảo để làm bài.
- Tiếng Anh
Với bài kiểm tra Tiếng Anh thì cần lưu ý. Thông thường, đối với job CS họ sẽ yêu cầu trình độ tương đương B1 hoặc B2 trở lên. Với những bạn tiếng Anh dưới B1 nên ôn tập trước.
Như Haley đã nhắc đến ở các bài viết trước, công việc tuyển dễ nhất là CM, thường chỉ phỏng vấn chứ không làm kiểm tra, bạn có tiếng Anh giao tiếp là dư sức đậu.
Cập nhật 2023: Hiện tại nhiều công ty đã tuyển dụng khó hơn thời gian đầu nên có những công ty tuyển dụng CM vẫn yêu cầu làm bài kiểm tra bạn nhé.
Với kiểm tra Tiếng Anh, khi bạn bấm vào để làm sẽ có giới hạn thời gian ví dụ khoảng 1 tiếng, không được làm lại. Và có thể được yêu cầu bật cam trong lúc làm bài để tránh gian lận.
Nhưng nếu cần trợ giúp, bạn vẫn có thể “linh động” được. Ví dụ mở thêm tab để tra một số từ không biết nghĩa, hoặc chụp màn hình gửi bạn bè nhờ chỉ giúp.
Các công ty về sau cũng quản lý phần kiểm tra đầu vào chặt chẽ hơn, nhưng theo Haley biết có một số bạn biết cách lách và dùng mẹo hỗ trợ chứ không phải 100% tự làm và theo đúng quy định. Nếu bạn muốn bạn có thể “linh động” nhưng đi kèm với việc chấp nhận rủi ro nhé.
Còn phần nghe/ nói trực tiếp trước cam thì bạn phải tự lực thôi.
Haley chia sẻ mấy cái này không phải là cổ súy cho các bạn gian lận. Nhưng việc này đã có xảy ra và Haley cho bạn thông tin để bạn hiểu rằng có thể linh động để tận dụng tối đa các cơ hội đi tiếp vòng trong.
Trên hết, người ta tuyển bạn vào để làm cho thị trường Việt Nam, tùy công việc mà có thể yêu cầu tiếng Anh ít hay nhiều (trừ những vị trí tuyển vào 100% dùng tiếng Anh)
Thì việc tiếng Anh của bạn có đủ để đi làm và hỗ trợ cho công việc hay không, khi phỏng vấn người tuyển dụng sẽ có cái đánh giá khách quan nhất. Còn những bài kiểm tra này nó chỉ là bước chọn lọc và hơi hình thức.
Thực tế, Haley đã từng thấy có những trường hợp tiếng Anh bập bẹ nhưng vẫn hoàn thành được công việc như những bạn khác, hoặc có trường hợp tuyển người nước ngoài biết tiếng Việt vào làm và dĩ nhiên là hiệu quả công việc không thể bằng người bản xứ chúng ta nhưng cũng không quá ảnh hưởng đến công việc.
Hãy cố gắng hết sức từng bước một, nhưng nếu bạn chọn linh động thì nên thận trọng và chấp nhận rủi ro.
Bật mí là khi tuyển gấp hoặc đang thiếu người, một số HR sẵn sàng cho bạn kiểm tra tiếng Anh nhiều lần để được xếp lịch phỏng vấn cho bạn. Haley nhớ lúc đó là đang dịch, tuyển người rất là khó khăn. Bạn của Haley được cho làm lại bài tiếng Anh tận 3 lần.
Nhưng bây giờ hết dịch rồi, sự cạnh tranh giữa các ứng viên cũng cao hơn. Haley nghĩ bạn nên chuẩn bị kĩ cho những bài kiểm tra như thế này hơn là chờ sự hỗ trợ của HR hay phải linh động kèm rủi ro không đáng.
*** Lưu ý: HR thường hay chốt hạ là deadline nộp lại trong ngày. Nếu bạn sắp xếp được thì nộp càng sớm càng tốt. Nhưng nếu bạn chưa làm kịp thì có thể xin dời lại.
Nộp nhanh hay chậm ảnh hưởng đến việc có thể bạn bị mất vị trí đó. Nếu đang còn 1 chỗ trống mà ứng viên khác nộp bài xong trước bạn, được hẹn phỏng vấn trước bạn thì bạn có thể mất cơ hội.
Nhưng, Haley đặt ngược lại vấn đề, nếu bạn chưa có thời gian chuẩn bị kĩ mà vội làm bài dẫn đến ko đủ điểm thì cũng không nên. Kiểm tra Tiếng Anh là không thể làm lại trừ khi HR tạo điều kiện. Nhưng nếu chẳng may không đạt, đừng ngại thử thuyết phục HR cho bạn cơ hội được làm lại nhé.
Nên Haley nghĩ vấn đề này tùy mỗi bạn để đưa ra quyết định.
Sau khi đậu phỏng vấn và nhận việc rồi, bạn có thể trau dồi thêm tiếng Anh để hỗ trợ cho công việc về sau. Đồng nghiệp cùng dự án và sếp của bạn có thể là người nước ngoài, nên vẫn cần tiếng Anh giao tiếp. Và với vốn Tiếng Anh tốt, cuộc sống ở nước ngoài sẽ thuận lợi hơn. Bạn có thể tham khảo bài viết này của Haley để tự ôn luyện tiếng Anh khi chuẩn bị sang nước ngoài nhé.
Phỏng vấn 1-3 vòng bằng tiếng Anh
Với những công ty không cần làm bài kiểm tra, thì ngay lần liên hệ đầu tiên với HR/headhunter, họ sẽ gửi bạn lịch hẹn phỏng vấn. Còn với công ty mà cho làm kiểm tra thì cần đạt các bài kiểm tra trước đã.
Nhiệm vụ của bạn là xác nhận lịch hẹn. Thường thì họ sẽ cho một vài khung giờ để bạn chọn. Haley sẽ chọn khung giờ sớm nhất có thể mà mình sẵn sàng.
Phỏng vấn sẽ có từ 1 đến 3 vòng, tùy công ty, tùy dự án, tùy thời điểm.
Phỏng vấn có rất nhiều thứ để nói nên Haley sẽ viết chi tiết ở bài sau.
Nhận kết quả phỏng vấn
Lúc phỏng vấn xong bạn nên hỏi HR/headhunter là sau đó bao lâu sẽ có kết quả, để mình theo dõi và nhắc nếu quá ngày.
Thư mời nhận việc – Offer letter: HR sẽ gửi cho bạn email chúc mừng và đề nghị bạn trả lời trong vòng 1-3 ngày để xác nhận bạn có nhận việc hay không.
Trong thời gian người ta chờ câu trả lời của bạn là lúc bạn hỏi lại những điểm mà bạn chưa rõ, những điều cần thương lượng. Khi đã có offer letter rồi thì nói chuyện cũng dễ hơn.
Trong trường hợp không đậu thì bạn sẽ nhận Thư từ chối – Rejection letter, họ cám ơn về buổi phỏng vấn nhưng hiện tại bạn chưa phù hợp với vị trí này chẳng hạn.
Nếu muốn bạn có thể hỏi rõ hơn lý do chưa đạt để rút kinh nghiệm. Nếu người ta nói rõ cho bạn thì tốt, còn không chỉ nói chung chung thôi. Nếu bạn nhận Rejection letter cũng đừng buồn nhiều nhé. Cứ dặn họ là sau này mở vị trí nào khác thì liên hệ bạn.
Kết quả phỏng vấn có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố khách quan và chủ quan. Có thể do tuyển đủ người rồi/ dự án đóng không có nhu cầu tuyển nữa/ bạn deal lương hơi cao, v…v… Nói chung cứ mạnh dạn thử lại và rút kinh nghiệm cho riêng mình.
Hoặc đôi khi bạn sẽ không nhận được kết quả, có trường hợp phỏng vấn xong HR … im lặng.
Bạn đừng nghĩ công ty lớn thì sẽ luôn chuyên nghiệp. Việc chậm trả lời, chậm báo kết quả phỏng vấn, hành xử hơi thiếu chuyên nghiệp là những chuyện hoàn toàn có thể xảy ra ở những công ty lớn và tập đoàn lớn.
Việc của mình là follow up/ theo sát tiến trình thôi. Nên nội dung trước Haley đã chia rẻ rằng nên rải CV hơn là chờ đợi mãi 1 chỗ.
Kí hợp đồng nháp
HR sẽ gửi cho bạn hợp đồng nháp khoảng 1 trang để kí. Đây là cơ sở giữa bạn và công ty có thỏa thuận về lao động và để công ty tiến hành những bước tiếp theo cho bạn.
Không chỉ riêng hợp đồng nháp, các loại giấy tờ khác đều bằng tiếng Anh, bạn nên đọc kĩ nội dung và suy nghĩ kĩ trước khi kí.
Đã có một số trường hợp công ty tiến hành thủ tục ở Malaysia cho ứng viên, và những thủ tục đó phải đóng tiền phí hoặc thuê dịch vụ. Những khoản chi đã được nhắc đến trong giấy tờ và có chữ kí của ứng viên. Sau đó ứng viên đổi ý không muốn sang làm nữa thì có khả năng bị đòi bồi thường. Nếu không trả sẽ vào danh sách đen của công ty đó hoặc cả các công ty khác.
Kể cả khi bạn vào làm việc nhưng nghỉ trước hợp đồng vẫn có khả năng phải trả một phần hoặc toàn bộ chi phí, gọi là tiền bond.
Từ bước này trở đi đã có HR hướng dẫn cặn kẽ cho bạn, nhưng không phải HR nào cũng nhiệt tình nên bạn hãy theo sát họ nhé. Có gì không hiểu hoặc bị chờ lâu quá, đừng ngại nhắc người ta phản hồi.
Mua vé máy bay, làm Single Entry Visa (SEV)
- Vé máy bay
Khi 2 bên đã thống nhất ngày Onboard dự kiến (ngày bắt đầu đi làm), HR sẽ chỉ định mua vé máy bay, thường là qua sớm 1-2 tuần trước ngày Onboard.
- SEV
Công ty sẽ nộp hồ sơ để lấy EP approval và gửi mail cho bạn. Bạn lấy EP approval đó để tự nộp hồ sơ làm Single Entry Visa (SEV) ở Việt Nam: đây là một loại visa có thời hạn 3 tháng đến 1 năm.
Ngày trước Haley lên văn phòng VFS ở quận 1 để làm SEV vì Haley ở Sài Gòn. Bây giờ theo Haley biết là có thể làm online và bạn sẽ lấy evisa thay vì visa giấy.
Để sang Malaysia làm, bạn cần có SEV đó để xuất trình hải quan khi nhập cảnh ở Malaysia.
*** Lưu ý: Tiền vé máy bay và SEV thì có thể là công ty mua cho bạn, hoặc bạn ứng tiền trước rồi khi nào qua làm công ty trả lại sau, hoặc bạn tự chi và không được hoàn lại.
Hiện tại thì một số các công ty sẽ bao bạn tiền vé máy bay, SEV và cả tiền ở khách sạn trong 1 tháng đầu. Đó cũng là một quyền lợi để bạn cân nhắc.
Lúc Haley sang đây thì những quyền lợi đó chưa phổ biến như bây giờ, Haley tự chi và xem đó là khoản đầu tư rất nhỏ chứ không vấn đề gì.
Làm Employment Pass (EP) ở Malaysia
Sau khi sang Malaysia, công ty thu hộ chiếu của bạn để làm visa lao động chính thức Employment Pass (EP) với thời hạn dựa theo hợp đồng lao động. Hoặc một số công ty sẽ không trực tiếp làm visa cho bạn mà thuê dịch vụ từ bên thứ 3.
Bạn đừng nhầm lẫn giữa “EP approval” để làm SEV phía trên và “EP” ở mục này nhé
Tiền làm EP khá đắt và chắc chắn công ty sẽ tự thanh toán khoản này.
Bạn cần có EP và hộ chiếu trước ngày đi làm, vậy nên hãy theo dõi và nhắc người phụ trách visa cho bạn để có EP và trả hộ chiếu đúng hạn. Trong trường hợp chưa kịp, có thể công ty vẫn du di cho bạn và nhận vào làm theo đúng ngày onboard; còn nếu không, bạn phải chờ.
Tuy nhiên, khoảng thời gian gần đây (tháng 3, 2023) thì EP có thể làm online rồi nên có lẽ bạn không cần nộp hộ chiếu nữa. Bạn làm việc với HR để được hỗ trợ thông tin cập nhật gần nhất nhé.
Phần kết
Sau khi nắm được 7 bước tuyển dụng trên, hi vọng bạn sẽ có thêm phần tự tin để chuẩn bị cho con đường sang Malaysia. Mọi thứ không khó, quan trọng là bạn đạt điều kiện, kiên nhẫn và chuẩn bị tốt cho buổi phỏng vấn.
Khi có thắc mắc hoặc chỗ nào chưa hiểu rõ bạn nên trao đổi với HR.
Nếu HR lơ là hoặc phản hồi chậm, bạn nên nhắc và hối họ một cách lịch sự nhé. Đừng đặt toàn bộ sự tin tưởng vào HR vì họ còn có nhiều việc khác phải làm ngoài tuyển dụng.
Bây giờ scam, lừa đảo rất nhiều, bạn lưu ý bên tuyển dụng uy tín không yêu cầu bạn đóng tiền nhé. Có một số khoản chi có thể bạn sẽ phải tự chi hoặc ứng tiền trước rồi được trả lại, như mua vé máy bay thì bạn cũng trả trực tiếp cho hãng bay chứ không phải là nộp cho công ty.
Còn nếu bạn đi theo hướng xuất khẩu lao động cần đóng tiền phí cho môi giới, bên dịch vụ là trường hợp khác. Chuỗi bài viết này hướng dẫn cho những bạn tự nộp đơn làm việc văn phòng và không mất phí.
Toàn bộ nội dung là trải nghiệm cá nhân của Haley và những gì mình quan sát được trong khoảng thời gian làm việc ở Malaysia. Bạn có thể tham khảo và cân nhắc khi đưa ra quyết định.
Nếu bạn cảm thấy bài viết/ trang blog hữu ích và muốn mời mình một ly cafe, hãy bấm vào ảnh bên dưới nhé:
Bạn có thể theo dõi những nội dung khác của Haley tại các kênh Facebook, TikTok và Youtube.
Hẹn gặp lại bạn ở bài viết tiếp theo. Haley sẽ hướng dẫn về các câu hỏi phỏng vấn thường gặp và một số cách để chinh phục nhà tuyển dụng. Sau khi đọc hết bài viết này, bạn đã có thể nắm rõ quy trình tuyển dụng tại Malaysia khi tìm việc văn phòng là như thế nào rồi.
Mến chào,
Little Haley
01/02/2023, Kuala Lumpur