Phỏng vấn làm văn phòng ở Malaysia thì nên thỏa thuận lương như thế nào? Các nhà tuyển dụng (NTD) hay hỏi gì, khó hay dễ? Thực ra khó/dễ phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng mình chắc chắn một điều: nếu bạn có sự chuẩn bị kĩ càng thì sẽ dễ dàng hơn là không làm cả. Haley đã phỏng vấn đậu một số công ty ở Malaysia nên có chút kinh nghiệm chia sẻ với bạn qua bài viết dưới đây.
Bạn có thể xem nội dung video tại:
Chuẩn bị gì trước phỏng vấn
(Bài viết được cập nhật ngày 11/10/2023)
Kinh nghiệm phỏng vấn thì trên mạng đã có rất nhiều nội dung rồi. Bài viết này Haley sẽ tập trung hướng dẫn phỏng vấn cho các công ty đa quốc gia tại Malaysia. Đây là kinh nghiệm và cũng là trải nghiệm cá nhân, bạn hãy chọn lọc những gì cảm thấy phù hợp với mình nhé.
Những bài viết trước Haley đã đề cập về: cơ hội việc làm, tìm việc ở đâu và quy trình tuyển dụng.
Haley sang Malaysia là giữa năm 2019 làm cho công ty Accenture. Lúc đó cũng khá ít người Việt biết đến các công việc này ở Malaysia nên phỏng vấn tương đối dễ. Dần dần nhiều công ty tuyển dụng người Việt và mở rộng quy mô, và cũng càng nhiều người biết cơ hội này nên cạnh tranh giữa các ứng viên cũng cao hơn ngày xưa.
Cuối năm 2020 trong dịch covid, Haley nhảy việc sang TikTok (ByteDance.) Thủ tục để nghỉ việc và chuyển việc ở Malaysia khá phức tạp, khi đó đang dịch nữa nên rủi ro rất cao. Nhưng bù lại, khả năng đậu cũng cao vì ít cạnh tranh. Haley đã nhận offer letter của một số công ty trong thời điểm đó.
Và cũng nhờ đợt nhảy việc này, trải qua những bài kiểm tra đầu vào, những buổi phỏng vấn bài bản hơn so với lần đầu sang Malaysia; Haley có một chút kinh nghiệm để chia sẻ chi tiết cho bạn.
Nội dung này nằm trong chuỗi bài nhằm cung cấp cho bạn thông tin chi tiết và cơ bản để có thể tìm việc văn phòng tại các công ty đa quốc gia cũng như hiểu thêm về cuộc sống tại Malaysia.
Hãy tưởng tượng buổi phỏng vấn như buổi hẹn hò đầu tiên của bạn và crush nào. Có phải đây là cơ hội để ứng viên và công ty tìm hiểu về nhau để quyết định xem cả 2 bên có muốn tiến xa hơn hay không.
– Đầu tiên, bạn nên soạn thảo trước cách trả lời cho một số câu hỏi phỏng vấn thường gặp.
Haley có một người bạn nói tiếng Anh chưa tốt lắm. Khi bạn ấy chuẩn bị nội dung để phỏng vấn thì gặp khó khăn trong việc ghi nhớ nên đã đưa cho Haley xem qua. Nội dung của bạn soạn khá dài với từ vựng học thuật, cấu trúc câu phức tạp. Haley đã khuyên bạn ấy soạn lại.
Bạn đừng soạn nội dung quá sức để rồi rơi vào tình trạng không hiểu mình đang nói gì, bị vấp hoặc ngập ngừng vì phải ngồi nhớ bài nhé. Đây chỉ là chuẩn bị nội dung, không phải học thuộc lòng nên hãy bám sát vào khả năng tiếng Anh của mình.
Việc soạn thảo trước là cách để bạn chuẩn bị ý để nói và giao tiếp hiệu quả với NTD, không phải để thuyết trình.
Bên cạnh đó, môi trường làm việc đa quốc gia không quá chú trọng phát âm, ngữ pháp hay là chất giọng. Khi học, dĩ nhiên nên học cho chuẩn. Còn khi giao tiếp thực tế, hãy tập trung vào nội dung. Bạn nói bình tĩnh, rõ ràng, đúng trọng tâm là được điểm cộng rất lớn rồi.
– Để một buổi phỏng vấn diễn ra suôn sẻ, bạn cũng nên có sự linh động. Không phải lúc nào mình cũng nói sao cho khéo, mà cũng đừng luôn thật thà quá. Thật thà không đúng lúc đúng chỗ, người thiệt là bạn.
Có một bạn hỏi Haley rằng nếu hợp đồng 2 năm, nhưng bạn không chắc là có thể làm hết 2 năm hay không thì có nên báo trước với nhân sự (HR) không? Bạn có thể hỏi thăm những người đi trước để biết nếu nghỉ ngang trước hợp đồng có ảnh hưởng gì không, hoặc hỏi HR một cách chung chung, chứ không nên chia sẻ với HR ý định thật của bạn mà những ý định đó chẳng có lợi cho công ty.
– Phỏng vấn bằng tiếng Anh, vì vậy cần chuẩn bị vốn từ giao tiếp vững vàng một chút. Nếu bạn chưa tự tin lắm với tiếng Anh của mình, hẹn bạn ở bài 7 nhé, Haley sẽ viết chi tiết hơn về chủ đề này.
– Hình thức là phỏng vấn online qua video call, HR sẽ gửi link tham gia qua email cho bạn trước vài ngày. Nếu cần tải sẵn ứng dụng (Microsoft Team, Zoom, Lark, v…v…) để tham gia video call thì bạn phải tải trước nhé.
– Nên có mặt sớm ít nhất 5-10 phút để kiểm tra mạng, âm thanh và chuẩn bị tâm lý phỏng vấn cho tốt.
– Nên ngồi ở chỗ yên tĩnh, để nghe rõ NTD nói, đủ ánh sáng để NTD thấy được mặt của bạn, đừng tắt cam hay tắt đèn tối thui nhé.
– Ăn mặc lịch sự, áo thun hay sơ mi đều được miễn là bạn thấy thoải mái, tự tin.
Trong ngày phỏng vấn, bạn nên hỏi HR xác nhận xem buổi phỏng vấn sẽ được diễn ra như lịch hẹn đúng không. Hơi hi hữu nhưng đã có trường hợp nhà tuyển dụng (NTD) quên lịch phỏng vấn rồi.
Phỏng vấn ở Malaysia có mấy vòng?
Phỏng vấn thường diễn ra từ 1 đến 3 vòng.
3 vòng phỏng vấn tại công ty TikTok (ByteDance) sẽ diễn ra như sau:
- Vòng 1: Phỏng vấn với HR, họ sẽ xác nhận lại tất cả những thông tin cơ bản của bạn. Có thể hỏi thêm về kinh nghiệm, chuyên môn nhưng thường là không quá chi tiết.
- Vòng 2: Phỏng vấn với cấp trên. Nếu bạn có kinh nghiệm, họ sẽ hỏi nhiều những câu liên quan đến kinh nghiệm. Còn nếu không có kinh nghiệm thì họ sẽ nghiêng về những câu hỏi tình huống và tư duy.
- Vòng 3: Phỏng vấn với HR để thỏa thuận lương.
Khi bạn hình dung được 3 vòng phỏng vấn của TikTok diễn ra như thế nào, bạn sẽ áp dụng được cho 1 hoặc 2 vòng phỏng vấn ở các công ty khác. Chỉ là được chia ra thành nhiều vòng hay gộp lại thôi.
Có những công ty không có phần thỏa thuận lương, nhất là những công ty đã công khai mức lương ngay từ đầu. Bạn vẫn có thể trả giá được nếu đậu phỏng vấn, tùy thuộc khả năng của bạn và nhu cầu tuyển dụng của công ty.
Với 1 vòng phỏng vấn, bạn sẽ phỏng vấn với cấp trên.
Các câu hỏi phỏng vấn thường gặp
Sau những lần phỏng vấn thực tế, Haley tổng hợp danh sách các câu hỏi thường gặp cho vị trí CM (kiểm duyệt nội dung) và CS (CSKH)
Nếu bạn nộp đơn những vị trí khác cũng nên đọc hết bài vì cách thức phỏng vấn của các công ty rất tương đồng, chỉ khác nhau về câu hỏi chuyên môn. Ngoài CS, CM thì có rất nhiều công việc văn phòng tuyển dụng người Việt tại Malaysia: kế toán, IT, sale, marketing, logistic, manager, v…v…
Nhóm câu hỏi chung
Câu 1: Hãy giới thiệu về bạn. Please introduce yourself.
Bạn hãy chuẩn bị sẵn một đoạn ngắn vừa sức để tự giới thiệu: tên, tuổi, ngành học, tốt nghiệp lúc nào, kinh nghiệm làm việc như thế nào. Dựa vào những gì bạn tự giới thiệu, NTD có thể lấy ra một vài ý để hỏi thêm.
Câu 2: Vì sao bạn muốn nghỉ việc công ty hiện tại? Why do you quit your current job?
Nếu bạn có kinh nghiệm làm việc trước đó thì hay được hỏi câu này. Bạn có thể trả theo hướng dành lời khen công ty mình muốn ứng tuyển. Ví dụ: tôi biết công ty của anh/chị qua lời bạn bè của tôi, hoặc tôi có tìm hiểu thì biết công ty có phúc lợi tốt, môi trường làm việc tốt và tôi mong muốn có thêm cơ hội được phát triển bản thân, đóng góp cho sự phát triển của công ty v… v…
Câu 3: Tại sao bạn muốn qua Malaysia làm? Why do you want to work in Malaysia?
Nếu sang Malaysia lần đầu sẽ được hỏi câu này. Bạn có thể chia sẻ về nguyện vọng của bản thân: để kiếm tiền, mong muốn đi làm ở công ty đa quốc gia, trải nghiệm văn hóa, cuộc sống nước ngoài và ở Malaysia v…v…
Câu 4: Nếu gặp thử thách công việc, bạn sẽ làm gì? What will you do when you have challenges at work?
Bạn có thể trả lời theo hướng: hỏi xin lời khuyên, kinh nghiệm của đồng nghiệp, của những người đi trước và sẽ cố gắng trau dồi học hỏi, thích nghi với công việc sớm nhất có thể.
Câu 5: Kế hoạch trong 5 năm tới của bạn là gì? What is your plan in 5 years?
Khi hỏi câu này NTD muốn thấy sự cầu tiến và gắn bó của ứng viên đối với công ty. Bạn hãy thoải mái thể hiện điều đó nhé, chém gió được thì cứ làm, còn nếu không hãy trả lời vừa đủ để không rơi vào sự ngượng nghịu và khiến NTD cảm thấy bạn đang “diễn”
Câu 6: Tình huống trong công việc: Nếu sếp không ủng hộ ý tưởng của bạn thì sao? Nếu có mâu thuẫn với đồng nghiệp thì sao?
Ứng viên nên thể hiện được mình là một người người chín chắn và đáng tin cậy. Ví dụ: mâu thuẫn với đồng nghiệp là chuyện cá nhân, tôi sẽ không để chuyện đó ảnh hưởng đến công việc. Sự tranh luận là cần thiết mang lại lợi ích cho đội nhóm và công ty. Mục tiêu chung vẫn là hiệu quả công việc, v…v…
Câu 7: Những câu hỏi thử lòng: 3 tháng làm ca ngày, 3 tháng làm đêm. Nếu mà bạn đã làm đêm 3 tháng rồi, nhưng sau đó vẫn được xếp lịch làm đêm thì bạn có làm không?
Haley đã trả lời sẽ hỏi sếp lí do tại sao, và Haley tin là sếp của mình có lí do để làm như vậy, nếu lí do hợp lí thì mình vẫn đồng ý thôi. Dù hơi miễn cưỡng nhưng vì tính Haley không “chém gió” được nên có xu hướng trả lời theo cách mình cảm thấy thẳng thắn và thoải mái nhất.
Với những câu hỏi thử lòng, thì điều NTD muốn thấy là sự nhiệt tình của ứng viên. Bạn nên trả lời theo hướng tình cảm một chút, còn khi đặt logic vào như Haley thì câu trả lời hơi lệch theo một hướng khác nè.
Hoặc 1 câu hỏi khác: nếu công ty trả lương thấp hơn mức bạn mong muốn bạn có làm không?
Haley đã thắc mắc vì theo quy định, theo luật thì công ty không thể trả lương thấp hơn mức đó được. Để mình giải thích thêm nhé: Malaysia có những luật liên quan đến tiền lương nên câu trả lời của Haley là hợp lí. Nhưng vì người phỏng vấn Haley không làm việc tại Malaysia nên khá bối rối với câu trả lời. Mặc dù Haley vẫn đậu phỏng vấn nhưng như Haley đã nói ở phía trên, đôi khi không nên quá logic. Với câu hỏi này, bạn có thể thể hiện sẵn sàng nhận việc.
Một người bạn của Haley có gợi ý khá hay cho câu trả lời này, bạn có thể tham khảo nhé: bạn thể hiện sự tin tưởng vào năng lực và thái độ làm việc của bản thân, thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn xứng đáng với mức lương đó. Mức lương tương xứng giúp bạn đảm bảo cuộc sống cá nhân, từ đó bạn có sức khỏe và đầu tư thời gian phát huy hết khả năng trong công việc.
** Lưu ý: với lương thưởng, chính sách tuyển dụng của công ty; bạn nói chuyện với nhân sự trước hoặc sau buổi phỏng vấn. Nếu có vòng thỏa thuận lương thì trao đổi trong vòng đó.
Còn trong buổi phỏng vấn với cấp trên, bạn thỏa thuận lương là dễ lạc trôi lắm nhé. Vì cấp trên chỉ có vai trò đánh giá khả năng của bạn, quyết định bạn đậu/ rớt, hoặc dựa vào kết quả phỏng vấn mà có thể đề xuất mức lương của bạn cho HR sau đó.
Câu 8: Câu hỏi về kinh nghiệm làm việc:
NTD đặt những câu hỏi về công việc bạn đã/ đang làm, những tình huống đã gặp phải & cách xử lí để kiểm tra xem khả năng làm việc của bạn tới đâu.
Câu 9: Bạn có câu hỏi gì về công ty không?
Đây là câu cuối cùng mà NTD hay đặt ra. Bạn nên tìm hiểu qua về công ty, công việc và chuẩn bị một số câu hỏi, như vậy sẽ thể hiện được bạn thực sự quan tâm đến buổi phỏng vấn này. Trong lúc phỏng vấn, bạn cũng có thể quan sát và gạch đầu dòng những ý mà bạn muốn hỏi vào cuối buổi.
Như mình đã nói ở trên, không nên hỏi về mức lương nhé, đó là phần bạn sẽ làm việc với HR.
Nhóm các câu hỏi của kiểm duyệt nội dung (CM)
Câu 10: Bạn hiểu kiểm duyệt nội dung là như thế nào? What do you know about content review/ content moderate?
Bạn chuẩn bị vài ý để trả lời nhé. Bạn có thể chưa làm công việc này trước đó để hiểu tường tận và trả lời chính xác, nhưng cần phải nắm được cơ bản công việc làm gì.
Câu 11: Bạn có chấp nhận xem những nội dung xấu, nội dung nhạy cảm, hay không? Could you watch bad/sensitive content?
Nội dung xấu hay nhạy cảm là bao gồm cả bạo lực, đáng sợ, ghê tởm, tình dục v…v…
Nếu bạn muốn qua vòng phỏng vấn thì cứ trả lời “Có” nhé.
Haley từng làm dự án sensitive và non-sensitive, mọi thứ không hề quá đáng sợ như lời đồn. Chỉ có một số dự án làm làm về sensitive trong rất nhiều dự án. Không cần biết người ta tuyển bạn vào làm dự án nào, nhưng tất cả các buổi phỏng vấn cho CM lúc nào cũng sẽ hỏi câu này, và kí hợp đồng cũng sẽ có điều khoản này. Để trong trường hợp cần điều chuyển bạn qua lại các dự án, bạn sẽ không có lí do để từ chối.
Nhưng cho dù có làm dự án sensitive thì cũng không đáng sợ như bạn tưởng tượng đâu. Thực tế là có một số bạn sẽ bị ảnh hưởng tâm lí nhưng đa số sẽ thích nghi và vượt qua được. Để làm công việc này cho các dự án sensitive, bạn cần có tinh thần vững vàng, có quan điểm sống, nhân sinh quan rõ ràng và không dễ bị tác động/ bóp méo.
Mẹo dành cho bạn là chỉ nên cân nhắc sau khi đậu phỏng vấn và có thư mời nhận việc. Còn đang trong quá trình phỏng vấn, hãy gạt qua những sự do dự. Nếu ngay từ đầu, bạn hoàn toàn không chấp nhận thì không nên phỏng vấn để tránh mất thời gian 2 bên.
Bạn có thể đọc thêm các bài viết của mình về ngành Kiểm duyệt nội dung:
Bài 8: Kiểm duyệt nội dung là gì?
Bài 9: Điểm sáng và góc khuất của Kiểm duyệt nội dung
Câu 12: Bạn có chấp nhận làm xoay ca và ca đêm không? Could you work on rotational shift and night shift?
Ca xoay tức là bạn không làm việc theo giờ hành chính. Công việc này lúc nào cũng cần người để duyệt nội dung nên thường sẽ chia ca, có cả ca đêm. Ngày nghỉ có thể rơi vào trong tuần hoặc cuối tuần.
Tương tự như câu hỏi phía trên, trả lời “Có” nếu bạn muốn đậu phỏng vấn. Không phải tất cả các công việc CM đều làm xoay ca hay có ca đêm, nhưng NTD phải hỏi để có sự cam kết từ bạn.
Với những bạn đã lớn tuổi một chút, nhất là những bạn nữ, tầm 26, 27 tuổi trở lên, Haley không khuyến khích bạn làm ca đêm vì rất ảnh hưởng tới sức khỏe. Nhưng nếu bạn cảm thấy công việc và mức lương đáng để đánh đổi và bạn muốn thử trong 1- 2 năm thì vẫn được thôi. Haley có chút may mắn vì chỉ có ca đêm trong nửa năm đầu sang Malaysia nên mới có thể duy trì loại công việc này đến hiện tại, vì chỉ khi có trải nghiệm làm đêm bạn mới hiểu được sự tàn phá của nó đến sức khỏe như thế nào.
Câu 13: Những câu hỏi về hiểu biết tin tức và tư duy:
Đây là dạng câu hỏi nâng cao và ít gặp, bạn đừng quá lo lắng, nhưng vẫn nên chuẩn bị nhé.
Đầu tiên, NTD hỏi bạn có biết tin tức, sự kiện cụ thể nào đó xảy ra gần đây không. Sau đó sẽ đặt ra câu hỏi chính.
Lúc Haley phỏng vấn là đang rộ lên scandal từ thiện của ca sĩ Thủy Tiên. NTD hỏi Haley biết sự kiện đó không? Câu hỏi tiếp theo là tại sao scandal từ thiện đó xảy ra và quan điểm của bạn như thế nào?
Như vậy, bạn phải hiểu được nguyên nhân diễn ra sự việc là như thế nào để tóm tắt lại, và đưa ra được nhận định, quan điểm. Bạn có thể trả lời ngắn gọn trong 4-5 câu thôi. Biết sao trả lời vậy, không cần phải suy nghĩ phức tạp.
Còn nếu bạn không biết đáp án thì sao?
Có một câu NTD hỏi: LGBT viết tắt của từ gì? Vì Haley không biết nên NTD trả lời giúp và gợi sang câu hỏi liên quan đến cộng đồng LGBT: có người cho rằng sự tràn lan của phim ảnh về LGBT có thể làm ảnh hưởng xấu đến giới trẻ và thay đổi giới tính, bạn nghĩ sao về quan điểm này?
Và có cả câu hỏi liên quan đến tin tức nổi bật ở nước ngoài nữa. “Nổi bật” tức là chỉ cần bạn sử dụng internet, lướt web và mạng xã hội, quan tâm đến tin tức thì bạn sẽ nắm được.
Một câu hỏi khác cũng khá hay: có người cho rằng trang cá nhân của họ nên muốn đăng gì là việc của họ kể cả hình ảnh sexy, bạn nghĩ sao về quan điểm này? Bạn có thể trả lời theo hướng: mỗi nền tảng mạng xã hội đều có quy tắc và chính sách cộng đồng, bất kì ai sử dụng nền tảng đều phải tuân theo những chính sách đó.
Chủ yếu là lúc phỏng vấn bạn cần bình tĩnh. Đôi khi NTD hỏi không phải cần đáp án đúng hay sai, họ muốn biết cách bạn xử lí, trả lời như thế nào và suy nghĩ của bạn là gì. Cùng là ý “Tôi không biết”, nếu bạn trả lời tự tin và biết cách đặt câu hỏi ngược lại cho NTD thì sẽ khác rất nhiều khi bối rối.
Nhóm các câu hỏi về chăm sóc khách hàng (CS)
Theo cảm nhận của Haley thì CS tuyển khó hơn CM một chút. Vì bạn là người tiếp xúc với khách hàng, đại diện cho bộ mặt công ty nên sẽ yêu cầu cao hơn. Nhưng điều này không đồng nghĩa là dự án CS luôn khó hơn CM. Có những dự án CS rất nhàn, và cũng có những dự án dù là CM nhưng cực.
CS thường sẽ có bài kiểm tra đầu vào: tốc độ đánh máy, trắc nghiệm tính cách, chuyên môn, tiếng Anh. Haley đã viết chi tiết ở bài số 3 rồi nhé.
Phỏng vấn CS cũng có nhiều câu hỏi tương tự như CM, với những bạn đã có kinh nghiệm, NTD sẽ hỏi kinh nghiệm làm việc, những tình huống bạn đã gặp, và đã giải quyết như thế nào. Và CS cũng sẽ có yêu cầu xoay ca và ca đêm.
14. Dạng phỏng vấn roplay
Với CS, đặc biệt bạn cần lưu ý dạng phỏng vấn roplay (đóng vai): NTD sẽ vào vai khách hàng để thử khả năng xử lí vấn đề của ứng viên.
Đôi khi, các câu hỏi tình huống liên quan đến công việc bạn đang ứng tuyển. Nên ngoài thái độ bình tĩnh, tự tin thì bạn cần trang bị cho mình kiến thức liên quan đến vị trí đang phỏng vấn nữa.
Nếu dự án đơn giản và công ty sẵn sàng đào tạo từ đầu thì NTD không làm khó phần này. Nhưng sẽ có dự án khó, chuyên môn hơn và công ty yêu cầu cao ở ứng viên, NTD sẽ ra những tình huống mà bạn phải trang bị kiến thức thì mới trả lời được.
Haley đã từng chuẩn bị nội dung phỏng vấn cho công ty TDCX về mảng Google ads. Bạn của Haley đã giảng cho Haley những kiến thức về công việc, những câu hỏi sẽ gặp trong buổi phỏng vấn vì roplay của TDCX đòi hỏi nhiều đến chuyên môn. Khi Haley nhận email mời phỏng vấn thì cũng đã qua mấy tháng và có thư mời nhận việc của TikTok rồi nên chưa có cơ hội thử sức để viết review chi tiết hơn.
Thỏa thuận lương ở Malaysia
Việc thỏa thuận lương phụ thuộc cung cầu của thị trường lao động và cả năng lực, sự may mắn của bạn nữa. Bạn sẽ tự rút ra được kinh nghiệm cho riêng mình qua những lần phỏng vấn thực tế.
Với những công ty đã cố định lương từ đầu rồi thì rất khó trả giá. Nhưng nếu muốn thì bạn cứ thử đề xuất, biết đâu được thành công thì sao (đừng quên chừa đường lui cho mình nhé)
Với những công ty có bước thỏa thuận lương, bạn nên hỏi những người đi trước, hoặc tự tìm hiểu để biết khung lương như thế nào, mức thấp nhất và cao nhất cho vị trí đó ở công ty đó là bao nhiêu.
Khi biết khung lương của công ty rồi, thì bạn giúp Haley xác định được 2 thứ: mức lương mong muốn (expected salary) và mức lương tối thiểu bạn chấp nhận làm (bottom line)
Ví dụ:
Vị trí đó có khung lương là 20-30 triệu
Mức lương mong muốn của bạn (expected salary) là 27 triệu, mức lương tối thiểu bạn chấp nhận làm (bottom line) là 25 triệu.
Khi thỏa thuận, bạn nên đưa ra con số lớn hơn mức lương mong muốn, ví dụ là 30 triệu. Nếu HR trả giá xuống thì thỏa thuận để đạt mức sao cho từ 25 triệu trở lên là được vì vẫn nằm trong khoảng bạn chấp nhận. Còn nếu bạn thỏa thuận được 27 hoặc cao hơn, hoặc thâm chí được mức cao nhất trong khung lương là 30 thì quá tốt.
Thường 2 bên không đi đến thỏa thuận được là do bottom line. Vì nếu HR đưa lương mức nhỏ hơn mức đó thì theo lẽ đương nhiên bạn sẽ từ chối. Còn nếu muốn giữ việc thì bạn phải phá vỡ bottom line và chấp nhận mức lương thấp hơn cả mức lương tối thiểu bạn mong muốn.
Nếu bạn cứng rắn quá thì có thể sau đó bạn sẽ thấy hối tiếc vì mất cơ hội việc làm. Còn nhún nhường quá thì có thể sẽ hối hận vì bị hớ lương.
Để giảm bớt áp lực, bạn nên chuẩn bị tài chính khi trong giai đoạn tìm việc hoặc nhảy việc. Như vậy bạn có thể phỏng vấn với tinh thần thoải mái hơn, không có gì để hối tiếc cả, chưa có duyên không nên cưỡng cầu và tìm công việc khác phù hợp đúng với mức lương mong muốn của mình.
Khi thỏa thuận lương, HR có thể hỏi bạn lương ở công ty cũ là bao nhiêu để xem xét mức lương bạn đưa ra hợp lí hay không. Nếu lương ở công ty cũ thấp hơn nhiều với lương mong muốn của bạn, bạn đừng lo sợ mà nên chuẩn bị cho mình những lí do tại sao bạn xứng đáng mức lương mình đề xuất.
Và theo Haley biết, lương là thông tin bảo mật và riêng tư, nếu HR đủ chuyên nghiệp và bạn đủ tự tin thì bạn vẫn có quyền từ chối cung cấp mà không ảnh hưởng đến quá trình thương lượng.
Nếu công ty bạn phỏng vấn có vòng thỏa thuận lương mà bạn bị rớt vòng đó thì có thể là lương bạn đưa chưa phù hợp với năng lực của bạn, hoặc có thể nhân sự muốn tuyển người có thể ép lương thấp hơn, đôi khi là chẳng vì lí do nào cả. Rớt phỏng vấn thì có nhiều lí do cả khách quan và chủ quan lắm. Bạn đừng quá buồn và nghi hoặc về bản thân nhé.
Bạn nên tìm hiểu về mức sống ở Malaysia, tách biệt rõ ràng giữa lương và thu nhập. Haley đã viết cụ thể ở bài 10
TH1: lương của bạn mong muốn là RM5000/tháng, nhưng HR đưa cho bạn RM4000 lương + RM1000 hoa hồng thì bạn nên cân nhắc, vì bạn sẽ không thể biết được có dễ đạt được RM1000 hoa hồng thu nhập đó hay không.
TH2: lương của bạn mong muốn là RM5000/tháng, HR có thể đưa cho bạn gói (package) là RM60000/năm, nghe qua thì bằng với RM5000/tháng. Nhưng họ nói thêm RM60000/năm này bao gồm lương tháng 13, thưởng nên vẫn đảm bảo với mong muốn của bạn. Đó là cách HR giảm lương hàng tháng của bạn, và bạn cần làm đủ 1 năm để lấy trọn package đó.
Theo kinh nghiệm của Haley thì nhận tiền tươi hàng tháng vẫn tốt hơn là phải chờ tới 12 tháng sau để được nhận phần còn lại. Vì lương tháng 13 được tính theo thời gian quy định của công ty. Ví dụ: thời gian nhận lương tháng 13 của công ty bắt đầu vào tháng 5 hàng năm, giả định tới tháng 2 bạn đã làm trọn đủ 12 tháng rồi nhưng phải chờ đến tới tháng 5 mới nhận khoản của năm cũ, khi đó bạn đã lố sang năm mới vài tháng và cứ tiếp diễn như vậy cho đến khi nghỉ việc người bị thiệt là bạn.
Thỏa thuận lương không có đúng hay sai vì tùy theo nhu cầu của mỗi người. Cùng một mức lương nhưng với người mới ra trường thấy cao còn người đã đi làm vài năm và quen mức thu nhập ở Malaysia thì thấy thấp. Quan trọng là bạn xác định được mức mong muốn của mình là bao nhiêu, và mức công ty đưa ra có thỏa đáng cho bạn và có phù hợp với thị trường hay không.
Lương là thông tin bảo mật, các công ty lớn đều nhắc nhở vấn đề này. Bạn không nên chia sẻ về lương với đồng nghiệp trong công ty nhé.
Chinh phục nhà tuyển dụng không khó
Haley tin là khi đọc đến đây, bạn cũng đã thu nhặt một số mẹo để giúp buổi phỏng vấn diễn ra suôn sẻ hơn đúng không nào?
Bạn hãy tìm hiểu công ty bạn muốn ứng tuyển ưa thích những ứng viên thư thế nào, hiểu đơn giản là “gu” tuyển dụng đó.
Có những công ty tuyển khá dễ, bạn đủ điều kiện, đủ hồ sơ, tiếng Việt lưu loát, tiếng Anh tàm tạm, NTD hỏi sơ sơ 15 phút là đậu rồi.
Còn công ty tuyển khó hơn thì bạn xem kĩ lại nội dung của Haley để chuẩn bị, tham khảo những người đi trước, những người đã hoặc đang làm công ty đó thì càng tốt, tìm hiểu thêm những bài viết khác trên mạng nữa.
Riêng với TikTok/ ByteDance, một công ty trẻ, năng động, phát triển nhanh. Bạn nên thể hiện được sự cầu tiến, làm việc được ở áp lực cao, một chút tham vọng nữa thì càng tốt. TikTok ưu tiên, ưu ái người có kinh nghiệm, hãy chứng minh cho người ta thấy bạn có kinh nghiệm. Còn không có kinh nghiệm chuyên môn thì vẫn có thể gây ấn tượng qua những khía cạnh khác: tiếng Anh, kĩ năng mềm, sự nhiệt huyết, khao khát học hỏi, không ngại khó và thích nghi tốt với nhịp độ làm việc cao.
Để mà nói chung thì công ty nào cũng thích tuyển những ứng viên có thiện chí.
Khi rải CV, bạn không nên quá kén chọn và bỏ lỡ các cơ hội phỏng vấn. Bạn đừng e ngại tiếng Anh chưa đủ tốt hay vị trí đó có quá sức với mình. Hãy cứ thử. Dù kết quả có thế nào thì ít nhất bạn đã tích lũy cho bản thân không chỉ là kinh nghiệm phỏng vấn mà cả vốn sống.
Đó là những gì Haley biết và đúc kết kinh nghiệm sau những năm đi làm, phỏng vấn tìm việc làm. Có thể sẽ không đầy đủ lắm hoặc có những sự thay đổi mà Haley chưa cập nhật được. Nhưng hi vọng nội dung này sẽ hữu ích cho bạn.
Bạn có thể tham khảo thêm nội dung các câu hỏi tiếng Anh mà nhà tuyển dụng đã trao đổi với Haley trong buổi phỏng vấn của công ty đầu tiên mình làm việc ở Malaysia.
Toàn bộ bài viết này là trải nghiệm cá nhân của Haley và những gì mình quan sát được trong khoảng thời gian làm việc ở Malaysia (2019-2023.) Bạn có thể tham khảo và cân nhắc khi đưa ra quyết định.
Nếu bạn cảm thấy bài viết/ trang blog hữu ích và muốn mời mình một ly cafe, hãy bấm vào ảnh bên dưới nhé:
Bạn có thể theo dõi những nội dung khác của Haley tại các kênh Facebook, TikTok và Youtube.
Bài viết sau Haley sẽ chỉ cho bạn về cách hoàn thiện CV để gây thiện cảm với NTD. Hi vọng qua bài này bạn đã hình dung được một buổi phỏng vấn tìm việc làm ở Malaysia thường có những câu hỏi gì và làm thế nào để thỏa thuận lương rồi nhé.
Mến chào,
Little Haley
15/03/2023, Kuala Lumpur