Sự chuẩn bị chu đáo là không thể thiếu khi đến một đất nước mới, Úc cũng không ngoại lệ. Cùng xem Haley đã chuẩn bị những gì cho hành trình đến Úc với visa Lao động Kỳ nghỉ 462 nha.
Lời mở đầu
Nội dung này nằm trong chuỗi bài viết chia sẻ siêu chi tiết về quá trình mình nộp hồ sơ và hành trình ở Úc với visa 462.
Haley sẽ khái quát về background của mình. Vì những gì Haley chuẩn bị và tìm hiểu không hẳn phù hợp cho tất cả. Bạn hãy tham khảo và chọn lọc những gì cần thiết với bản thân nhé.
Trước khi sang Úc thì Haley làm văn phòng ở Malaysia. Haley được cấp visa vào tháng 02/2023 nhưng phần vì lí do công việc, phần vì muốn chuẩn bị kĩ nên mãi tháng 10/2023 mới sang Úc.
Tiếng Anh giao tiếp không phải là rào cản lớn với mình mà là kĩ năng mềm.
Haley đã làm văn phòng trong khoảng thời gian khá lâu, những công việc gần nhất Haley làm ở Malaysia là về kiểm duyệt nội dung, không cần nói hay vận động nhiều. Haley cảm thấy bản thân thiếu sự nhanh nhẹn và tháo vát, thêm tính cách hướng nội nữa nên e rằng khó thích nghi với công việc tay chân ở Úc.
Với visa 462 vẫn có thể tìm được việc văn phòng, dù khó vì những điều kiện giới hạn của loại visa này. Haley thì muốn đổi gió và hạn chế dùng máy tính nên mình cũng không bận tâm lắm về việc có làm văn phòng hay không, miễn là công việc:
- Vừa sức
- Có thu nhập đều
- Gia hạn năm 2 được
Haley tóm tắt lại những hạng mục cần chuẩn bị sau đây:
Trước khi đến Úc:
- Xác định mục tiêu khi đến Úc
- Tìm hiểu địa lí và khí hậu các bang ở Úc
- Tham gia khóa học nghề cần thiết
- Ôn luyện tiếng Anh
- Học kĩ năng/ môn võ tự vệ
- Học và lấy bằng lái xe hơi
- Chỉ mang theo hồ sơ thiết yếu
- Mở tài khoản ngân hàng ở Việt Nam
- Tiền sinh hoạt phí trong tháng đầu
- Tìm hiểu cách điền mẫu khai hành lí
- Tìm việc làm
- Mua vé máy bay
- Tìm thuê phòng
- Chuẩn bị hành lí
- In sẵn CV (hồ sơ xin việc)
Sau khi đến Úc:
- Mua sim
- Có địa chỉ nhận bưu kiện
- Làm thẻ ngân hàng
- Tạo mã số thuế
- Tạo mã số doanh nghiệp ABN (nếu cần thiết)
- Tạo tài khoản Super
- Mua bảo hiểm
- Lấy chứng chỉ RSA và FoodSafety (nếu cần thiết)
Mời bạn theo dõi nội dung chi tiết bên dưới nhé.
Trước khi đến Úc
Xác định mục tiêu đến Úc
Hãy xác định trước mục tiêu của bạn khi đến Úc là gì để có sự chuẩn bị cho phù hợp.
Một số bạn sang để trải nghiệm, vừa làm vừa chơi.
Một số bạn muốn kiếm tiền rồi về hoặc đến nước khác.
Một số bạn sẽ chuyển đổi visa khác (du học, tay nghề, v…v…) sau 462 để tiếp tục ở lại Úc, thậm chí là định cư.
v…v…
Mỗi người sẽ có lí do riêng. Cá nhân Haley thì mong muốn gia hạn được năm 2, kiếm tiền là chính, trải nghiệm là phụ trong vòng 2 năm, rồi tìm hiểu và quyết định tiếp.
Tìm hiểu địa lí và khí hậu Úc
Úc có nhiều bang và lãnh thổ với đặc trưng về địa hình, thời tiết khác nhau. Cùng thời điểm nhưng mỗi vùng có thể có khí hậu và mùa khác nhau.
Nếu bạn tìm hiểu thêm về địa lí và khí hậu Úc sẽ thuận lợi hơn trong bước tìm việc làm và chuẩn bị hành lí.
Chẳng hạn Haley đến Úc vào giữa tháng 10, khi đó miền Nam đang là mùa xuân, thời tiết khá lạnh, có nhiều việc đặc biệt là làm nông vì tháng 11 trở đi nhiều vùng bắt đầu vào mùa vụ. Trong khi đó, phía Bắc từ tháng 10 đến tháng 4 lại vào mùa mưa nên ít việc.
Hoặc với các công việc ngành dịch vụ, khoảng tháng 3 vào mùa cao điểm ở Vic, tháng 4 vào mùa cao điểm ở Queensland.
Tham gia khóa học cần thiết
Haley không tự tin lắm vì mình chẳng lanh lẹ và tháo vát, trong khi đây là những yếu tố cần thiết để có thể nhanh chóng thích nghi hơn. Nên Haley tham gia một số khóa học nghề, chủ yếu là học cho biết, cho đỡ bỡ ngỡ và cởi mở với các cơ hội việc làm hơn.
Bạn không nhất thiết học nhiều khóa như Haley. Haley học vì muốn trải nghiệm và giúp mình cảm thấy an tâm hơn, có nhiều sự lựa chọn hơn để bắt đầu một công việc ở Úc.
Các khóa học Haley đã tham gia:
- Khóa làm bánh (ở Malaysia):
– Liên hệ: https://apcamalaysia.com/
– Địa chỉ: No.16, Jalan 51A/223, 46100, Petaling Jaya, Malaysia
– Học phí: Haley chỉ đăng kí 1 topic (Bread) học trong 2 ngày, 700RM/topic
– Review: Haley thấy học phí ở Malaysia khá đắt, nhưng để thuận tiện trong việc sắp xếp lịch học thì Haley đăng kí ở Malaysia, trong chuyến về Việt Nam thì Haley dành thời gian học các khóa khác. Chương trình học lướt nhanh về phần lí thuyết và kiến thức nền, Haley là người mới nên kì vọng được hướng dẫn kĩ hơn về những gì cơ bản. Giảng viên sẽ nói qua về kiến thức, công thức và hướng dẫn cả lớp cùng làm, mỗi nhóm 3-4 bạn và chia nhau cùng thực hành.
- Khóa Bartender (ở Việt Nam)
– Giảng viên: thầy Nguyễn Đại Thân https://www.facebook.com/nguyen.daithan
– Địa chỉ: 854 Tạ Quang Bửu, Phường 5, quận 8, TP.HCM
– Học phí: 6.500.00 vnđ/ khóa/ 18 buổi
– Review nhanh: Lớp học này Haley được các bạn 462 đi trước giới thiệu. Haley biết rất ít về đồ uống có cồn nhưng khi đến lớp học mình cảm thấy thú vị hơn hết khi kiến thức và thực hành kĩ năng nghề đươc truyền tải vô cùng thu hút. Thầy Thân đã có nhiều năm trong ngành, từng đào tạo một (số) bạn 462 đời đầu sang Úc. Không chỉ giảng dạy pha chế, thầy còn nhận tư vấn set up các quán bar. Nếu bạn đi Úc, khóa học được thiết kế tinh gọn hơn vì menu đồ uống ở Úc không đa dạng và phức tạp như tại Việt Nam
- Khóa Barista (ở Việt Nam)
– Giảng viên: thầy Sơn https://www.facebook.com/talkbaristasaigon/
– Địa chỉ: 135/37/26 Nguyễn Hữu Cảnh, Phường 22, Bình Thạnh, TP.HCM
– Học phí: 3.200.000 vnđ/ khóa/ 8-10 buổi
– Review nhanh: Lớp này Haley cũng được giới thiệu từ các bạn 462. Học ở đây bạn sẽ được thầy Sơn chú trọng về áp dụng phương pháp định tâm (mindfulness) trong công việc. Lớp của thầy không chỉ chia sẻ về cafe, kỹ năng Barista mà còn để chính bạn được trải nghiệm hiểu biết nền tảng Cafe, hiểu thêm về chính mình thông qua lớp học, có thể áp dụng vào nhân sinh quan, đối nhân xử thế trong cuộc sống. Thầy có nhiều buổi học trong tuần và bạn có thể sắp xếp lịch theo thời gian rảnh.
Ôn luyện tiếng Anh
Đầu vào của visa 462 khá dễ, yêu cầu tiếng Anh tương đương Ielts 4.5, nếu thi chứng chi PTE30 còn dễ hơn vì dù mất gốc thì học tủ vẫn có khả năng đậu. Đó là lí do một số bạn sẽ cảm thấy chưa tự tin với tiếng Anh khi đến Úc và bỏ lỡ một số cơ hội việc làm mà yêu cầu tiếng Anh giao tiếp.
Bạn có thể tham khảo bài viết này của Haley để có thêm giải pháp cho mình nhé. Nội dung hỗ trợ bạn trong việc vượt qua nỗi sợ nói tiếng Anh bằng việc luyện tập nghiêm túc.
Học lái xe
Úc rất rộng lớn, thưa dân. Ngoại trừ khu đô thị, nhiều nơi hạn chế phương tiện công cộng hoặc thậm chí là không có, đặc biệt là những vùng sâu vùng xa.
Công việc đầu tiên của Haley tại Úc là hái và đóng gói dâu tây tại thị trấn Cygnet, Tasmania. Từ chỗ mình lên thành phố Hobart chỉ có 2 chuyến xe buýt mỗi ngày: chuyến 7:00 sáng và 10:00 sáng. Ngoài ra không còn phương tiện công cộng nào khác.
Bạn nên học lái ở Việt Nam trước, tốt hơn nữa là lấy bằng lái để sang Úc chuyển đổi.
Mỗi bang ở Úc có quy định khác nhau về thời hạn sử dụng bằng lái quốc tế. Nhưng dù sao bạn học lái trước thì sẽ chủ động hơn, khi cần học lái lại để lấy bằng Úc cũng nhanh và tiết kiệm, vì chi phí học thực hành ở Úc tính phí theo giờ khá đắt.
Chỉ mang theo hồ sơ thiết yếu
Một số bạn có kế hoạch chuyển đổi visa trong tương lai gần/xa nên có chuẩn bị hồ sơ trước bằng bản scan. Tuy nhiên, tuyệt đối không nên mang theo bản cứng hoặc lưu trữ những tin nhắn liên quan.
Vì visa 462 là visa Lao động Kỳ nghỉ, bạn chỉ nên mang giấy tờ thiết yếu cho loại visa này. Nếu mang những loại giấy tờ khác ngoài mục đích visa 462 chẳng hạn các loại bằng cấp, bảng điểm, v…v…, khi hải quan nghi ngờ và kiểm tra ra những giấy tờ đó, họ đánh giá bạn sử dụng sai mục đích visa thì sẽ rất phiền phức,
Mở tài khoản ngân hàng ở Việt Nam
Nếu bạn muốn chuyển tiền về Việt Nam, hãy chuẩn bị 2 thẻ:
- Thẻ nội địa: chuyển tiền hoặc thanh toán online, chỉ rút tiền được tại ATM nội địa
- Thẻ visa: giao dịch, thanh toán quốc tế và được rút tiền tại Úc
Số tiền bạn chuyển tiền về để giữ tiết kiệm, hãy bỏ vào thẻ nội địa.
Số tiền bạn chuyển tiền về để để tiêu dùng, thanh toán quốc tế thì chỉ cần bỏ một ít vào thẻ visa. Vì thẻ visa quẹt thanh toán được tại Úc, việc để ít tiền sẽ giảm được rủi ro và thiệt hại nếu để bị lạc mất thẻ hoặc bị hack.
Hãy khóa thẻ trong thời gian không có nhu cầu sử dụng.
Tiền sinh hoạt phí trong thời gian đầu
Bạn có thể đổi 1500-2000AUD trở lên để trang trải chi phí sinh hoạt trong tháng đầu, bao gồm tiền di chuyển, đặt cọc chỗ ở.
Tiền thuê phòng thường đóng theo tuần, hoặc 2 tuần 1 lần. Khi nhận lương cũng thế.
Tiền phòng cơ bản có thể dao động 120-200AUD/người/tuần. Nếu thuê phòng ở khách sạn, airbnb thì đắt hơn, từ 50AUD/ngày.
Tiền đi chợ có thể dao động 50-100AUD/người/tuần, nếu ăn ngoài sẽ tốn chi phí hơn.
Tìm hiểu cách điền mẫu khai hành lí
Bạn hãy xem qua và chuẩn bị trước cách điền bảng khai hành lí.
Đây là mục rất quan trọng. Nếu làm sai bạn có thể bị đóng phạt hoặc dẫn đến tình huống nghiêm trọng hơn.
Với mục khai hành lí, bạn hãy hiểu là:
- nếu bạn mang đồ không được phép nhưng có khai -> bị kiểm tra và tịch thu
- nếu bạn mang đồ không được phép mang nhưng không khai -> nếu bị kiểm tra ra, đóng phạt
Nếu không chắc chắn, hãy cứ khai CÓ.
Bạn sẽ được phát phiếu và điền trên máy bay. Nếu cần hỗ trợ cách điền, bạn hãy trao đổi với tiếp viên hàng không, nhưng tốt nhất là bạn nên tìm hiểu trước đó.
Bạn sẽ đưa phiếu đã điền cho hải quan đóng dấu. Sau đó, bạn cầm tờ khai được đóng dấu để tiếp tục các thủ tục nhập cảnh. Khi tới bước kiểm tra hành lí, nếu nhân viên cần mở hành lí ra kiểm tra, họ sẽ đối chiếu với tờ khai đã được đóng dấu. Nếu có sản phẩm nào nằm trong danh mục, bạn có mang nhưng lại không khai thì rất rắc rối.
Chuẩn bị hành lí
Về hành lí thì khá dài nên Haley sẽ viết ở bài tiếp theo nhé.
Soạn CV và tìm việc
Bạn hãy chuẩn bị tinh thần là tìm việc trước khi sang Úc rất khó. Vì với tính chất các công việc đại trà của 462 sẽ nghiêng về việc thời vụ, tức là chủ cần người ngay hoặc cần người đang ở Úc.
Nếu không thể tìm được việc trước khi sang Úc, bạn đừng quá căng thẳng, thay vào đó hãy lưu lại tất cả thông tin tuyển dụng mà bạn thấy hoặc đã ứng tuyển mà chưa thành công, gần tới ngày bay hoặc sau khi đến Úc liên hệ lại lần nữa
Khi bạn đến Úc rồi, bạn sẽ thấy cơ hội việc làm rõ ràng hơn, bạn có mặt ở Úc sẵn sàng đi làm thì các bên tuyển dụng cũng để mắt tới nhiều hơn.
Bài viết chi tiết hơn về cách tìm việc ở Úc với 462 ở đây.
Mua vé máy bay
Haley mua vé Jetstar vì rẻ và bay thẳng từ Sài Gòn.
Để canh vé giá rẻ thì bạn cần mua vé sớm.
Nếu bạn tìm được việc trước thì dễ dàng quyết định chọn điểm đến rồi.
Nếu bạn chưa tim được việc, hãy ưu tiên mua vé bay đến bang sắp hoặc đang vào mùa rộ việc, đó là lí do mình nhắc bạn tìm hiểu về thời tiết và khí hậu của từng bang. Như vậy sẽ đỡ rủi ro khi di chuyển nhiều tốn kém chi phí.
Trường hợp của Haley là mình mua vé bay đến Sydney để tham quan và tìm việc trong 1-2 tuần, tìm việc được ở đâu thì di chuyển đến đó sau. Như Haley đã đề cập ở phần tìm hiểu địa lí và khí hậu, thời điểm đó là mùa xuân và ở khu vực bang New South Wale cũng như các bang lân cận có nhiều việc.
Haley đã có dự trù tài chính cho kế hoạch đó, nhưng thực sự khi chưa có việc thì tâm lí Haley không thoải mái để đi chơi nên mình không khuyến khích bạn theo cách này. Trừ khi bạn vững tâm lí để có thể tận hưởng chuyến đi mà không lo lắng về vấn đề công việc trong thời gian đầu.
Bạn lưu ý, nếu đã tới Úc nhưng cần di chuyển sang bang/ vùng khác, chỉ nên đi khi bạn đã tìm được việc. Không nên di chuyển chỉ vì nghe rằng vùng đó đang có việc mà chưa có gì chắc chắn trong tay. Một bạn Haley biết ban đầu ở Sydney, sau đó nghe mọi người review phía Adeleide nhiều việc nên bay tới luôn dù bạn chưa tìm được việc ở địa điểm mới, kết quả là bạn lại mất thêm ít nhất 1 tuần thất nghiệp.
Tìm thuê phòng
Việc có chỗ ở tạm ổn định trong thời gian đầu cũng là một số vấn đề khá nan giải.
Nếu bạn tìm được việc trước khi đến Úc thì khoanh vùng được địa điểm rồi. Nếu không, bạn cần thuê phòng ngắn hạn để ở tạm
Để thuê phòng ngắn hạn với mức giá tốt, bạn cần ở Úc để xem phòng và cho chủ gặp mặt. Hoặc ít nhất có bạn bè/ người quen đứng ra giới thiệu. Nếu không, có thể bạn phải thuê phòng ở khách sạn, airbnb với chi phí đắt hơn.
Sau khi đến Úc
Mua sim
Khi xuống sân bay, hãy mua sim và kích hoạt gói có dung lượng để sử dụng.
Bạn có thể mua tạm gói mạng nào vừa chi phí. Ở Úc, bạn được phép đổi nhà mạng khác nhưng vẫn giữ số điện thoại.
Ban đầu Haley dùng sim hãng Vodafone, nhưng khi mình di chuyển đến đảo Tasmania, không may mắn là khu mình ở không bắt được sóng 3G nên mình phải đổi sang hãng Telstra (vẫn giữ lại số điện thoại)
Số điện thoại còn dùng để đăng kí rất nhiều tài khoản về sau, Haley khuyên bạn không nên đổi số điện thoại nếu đã dùng số đó đăng kí các tài khoản, chỉ cần đổi nhà cung cấp mạng để phục vụ cho nhu cầu.
Khi kích hoạt sim của hãng viễn thông mới, sẽ có câu hỏi là bạn có muốn giữ số điện thoại không. Nếu trả lời có, bạn nhập tiếp số điện thoại bạn đang dùng ở sim cũ, bạn sẽ nhận tin nhắn xác nhận qua sim cũ về việc chuyển số này cho sim mới. Nên trước khi kích hoạt sim mới thành công, khoan bỏ sim cũ bạn nhé.
Địa chỉ cố định (nếu có)
Sau khi mua sim điện thoại, việc cần làm tiếp theo là thẻ ngân hàng, mã số thuế TFN, số super.
Địa chỉ cố định được hiểu là địa chỉ nơi bạn sẽ nhận thẻ và các bưu kiện quan trọng khác nếu có.
Thời gian đầu có thể bạn chưa có việc làm, chưa ổn định chỗ ở, 1-2 tuần đầu tiên là thời điểm để bạn tìm việc, song song đó là hoàn thành các giấy tờ cần thiết như mình đã kể trên để sớm nhận được các bưu kiện trước khi bạn di chuyển đến địa chỉ mới.
Khi bạn thay đổi địa chỉ, hãy cập nhật càng sớm càng tốt.
Làm thẻ ngân hàng
Haley mở thẻ ở Commonwealth vì được nhiều người review.
Ngân hàng sẽ gửi thẻ cho bạn theo đường bưu điện.
Nếu thẻ chưa được gửi tới nơi mà bạn thay đổi địa chỉ ở, hãy thông báo càng sớm càng tốt cho bên ngân hàng. Họ sẽ hủy thẻ và gửi lại thẻ khác cho bạn theo địa chỉ mới.
Tạo mã số thuế TFN
TFN là viết tắt của Tax File Number.
Thông tin về thuế (bản tiếng Việt): https://www.ato.gov.au/other-languages/vietnamese/tax-in-australia-what-you-need-to-know-vietnamese#Getataxfilenumber
Đường link để đăng kí mã số thuế cá nhân TFN: https://www.ato.gov.au/individuals-and-families/tax-file-number/apply-for-a-tfn (Chọn mục: Foreign passport holders, permanent migrants and temporary visitors – TFN application)
Sau khi đăng kí thì người ta sẽ gửi mã số thuế TFN về đường bưu điện. Đó là lý do Haley gợi ý bạn chuẩn bị địa chỉ cố định nếu được. Đây là đường link của chính phủ nên bạn tạo mã số thuế miễn phí, nhưng thời gian chờ gửi số TFN về có thể bị lâu hơn 1 tuần.
Ngoài ra còn có một số đường link làm TFN của những đơn vị khác, mã số sẽ được gửi về bưu điện rất nhanh chóng nhưng tốn phí.
Trong trường hợp đăng kí mã số thuế qua đường link chính phủ mà sợ chờ lâu, bạn có thể gọi điện thoại lên tổng đài để hỏi mã số thuế vẫn được nhé. Sau khi nhân viên trực máy hỏi các thông tin cá nhân, xác định chính chủ thì bạn sẽ được cung cấp mã số thuế qua điện thoại (bản cứng vẫn được gửi qua bưu điện)
Bạn thử gọi 1 trong 2 số sau:
- 0262161111 Nói chuyện tiếng anh hoặc bảo cho gặp người biết tiếng việt
- 131450, chọn ngôn ngữ Vietnamese, sẽ có người gọi điện qua bên Thuế giúp mình và thông dịch giữa 2 bên.
Mã số thuế là thông tin riêng tư cần được bảo mật, nếu kẻ xấu biết sẽ ảnh hưởng lớn cho bạn.
Tạo mã số doanh nghiệp ABN (nếu cần thiết)
ABN là viết tắt của Australian business number ABN. Số doanh nghiệp Úc là dành cho doanh nghiệp.
Bạn chỉ cần quan tâm và đăng kí mã số này nếu bạn làm những công việc như lái xe công nghệ, giao hàng công nghệ, v…v…
Thông tin về ABN (bản tiếng Việt) https://www.ato.gov.au/other-languages/vietnamese/tax-in-australia-what-you-need-to-know-vietnamese#AustralianbusinessnumbersABNareforbusine
Tạo tài khoản Super
Super là Superannuation (tiền hưu bổng). Nói nôm na đây là quỹ tiết kiệm của nhân viên. Một số chủ đóng super cho bạn, một số khác thì không.
Thông tin về Super (bản tiếng Việt): https://www.ato.gov.au/other-languages/vietnamese/tax-in-australia-what-you-need-to-know-vietnamese
Để đăng kí tài khoản Super, bạn vào website này nhé. https://www.australiansuper.com/
Bạn nên tự tạo tài khoản, khi đi làm thì cung cấp số Super cho chủ nếu được yêu cầu. Trong trường hợp thay đổi nơi làm việc khác nhau, tất cả số tiền Super do nhiều chủ đóng sẽ dồn chung một tài khoản dễ quản lí.
Mua bảo hiểm
Chi phí y tế của Úc cực kì đắt đỏ. Haley khuyến khích bạn mua bảo hiểm càng sớm càng tốt. Bảo hiểm có nhiều loại, Haley dùng gói cơ bản 50 AUD/ tháng của Bupa:
https://www.bupa.com.au/health-insurance/overseas-visitors/working-and-holidaying
Bên cạnh bảo hiểm thăm khám và lấy thuốc phía trên, bạn có thể cân nhắc mua thêm bảo hiểm để gọi xe cấp cứu.
Chi phí gọi xe cấp cứu cũng vô cùng đắt đỏ, một chị kể cho Haley rằng người quen chị ấy gọi cấp cứu mà chưa mua bảo hiểm, hóa đơn cả ngàn AUD dù nhà chỉ cách bệnh viện chưa tới 15 phút lái xe.
Lấy chứng chỉ RSA (nếu cần thiết)
RSA là gì? RSA là viết tắt của Responsibility Service of Alcohol. Chứng chỉ này hướng dẫn các trách nhiệm đảm bảo an toàn cho khách, sở hữu RSA giúp bạn được hợp pháp phục vụ đồ uống có cồn.
Để làm việc ở những vị trí liên quan phục vụ đồ uống có cồn tại các quán ăn, nhà hàng, khách sạn, bar, pub, bạn bắt buộc phải học và thi lấy chứng chỉ RSA.
Trong khoảng thời gian đầu đến Úc, bạn có thể tranh thủ học lấy chứng chỉ, khi nhà tuyển dụng yêu cầu thì bạn có sẵn cũng tốt hơn.
Galaxy training là một trong những đơn vị cung cấp khóa học RSA online với chi phí thấp: https://galaxytraining.com.au/
Nhưng trước khi đăng kí các khóa học tại Úc, bạn cần tạo tài khoản USI – Unique Student Identifier (mã định danh học viên): https://www.usi.gov.au/
Lấy chứng chỉ FoodSafety (nếu cần thiết)
Tương tự như RSA, Foodsafety cũng là một lại chứng chỉ hữu ích khi tìm việc tại Úc.
Để làm việc cho những vị trí liên quan đến phục vụ đồ ăn, bạn cần được trang bị kiến thức giúp đảm bảo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm và sở hữu chứng chỉ FoodSafety là điều bắt buộc.
Trong khoảng thời gian đầu đến Úc, bạn có thể tranh thủ học lấy chứng chỉ, khi nhà tuyển dụng yêu cầu thì bạn có sẵn cũng tốt hơn.
Đây là trang mà Haley học thi chứng chỉ FoodSafety miễn phí, có cả ngôn ngữ tiếng Việt: https://dofoodsafely.health.vic.gov.au/index.php/en/
Sử dụng các kênh chuyển tiền an toàn
Sau khi nhận lương và có nhu cầu chuyển tiền về nước, hãy sử dụng các kênh chuyển tiền uy tín.
Một số kênh chuyển tiền an toàn ở Úc được nhiều người tin dùng: Western Union, EzyRemit, Wise, Hải Hà, v…v…
Đối với EzyRemit, kênh có tỉ giá khá tốt và thường xuyên ưu đãi miễn phí chuyển tiền. Haley đã viết một bài chi tiết cách tạo tài khoản và thao tác giao dịch:
Phần kết
Hãy chuẩn bị kĩ trong khả năng của mình, không chỉ hành trang và cả tinh thần khi đến Úc.
Thời gian đầu có thể rất mông lung nhất là trong giai đoạn tìm việc. Nếu đơn thuần vừa làm vừa chơi sẽ khác, nếu áp lực kiếm tiền lại khác. Nhưng dù với mục đích nào đi chăng nữa, có một công việc phù hợp mang lại thu nhập tối thiểu để trang trải chi phí và nhu cầu cá nhân, bạn sẽ dễ dàng tận hưởng hành trình tại Úc hơn.
Nếu bạn cảm thấy bài viết/ trang blog hữu ích và muốn mời mình một ly cafe, hãy bấm vào ảnh bên dưới nhé:
Hi vọng qua bài viết này, bạn có thêm thông tin về việc chuẩn bị gì khi đến Úc với visa 462.
Thân mến,
Little Haley