Liệu một chiếc CV đẹp mắt, nội dung ấn tượng đã đủ để nhà tuyển dụng chọn bạn giữa một “rừng” ứng viên? Những lý do đậu/ rớt trong vòng CV? Có cần thiết rải CV để tăng cơ hội việc làm ở Malaysia hay không? Haley sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc trên qua bài viết dưới đây nhé.
Tiêu chí chọn CV của nhà tuyển dụng
(Bài viết được cập nhật ngày 11/10/2023)
Haley không phải HR nên những gì Haley chia sẻ dựa trên trải nghiệm cá nhân và cả sự quan sát sau khoảng thời gian mình có hỗ trợ giới thiệu CV cho một số bạn.
Sau bài viết về hướng dẫn viết CV, Haley quyết định triển khai thêm nội dung này vì từng nhận được khá nhiều thắc mắc của các bạn trong quá trình nộp đơn: tại sao lâu rồi mà HR chưa phản hồi? CV của mình có vấn đề gì không mà không nhận cuộc gọi nào từ công ty? Đã 2 tuần rồi công ty chưa liên lạc lại, mình có nên chờ không?
Đặc biệt, giai đoạn suy thoái kinh tế như hiện tại cũng ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm tìm việc làm của ứng viên.
Bạn có thể xem nội dung qua video dưới đây:
Bài viết này nằm trong chuỗi bài nhằm cung cấp cho bạn thông tin chi tiết và cơ bản để có thể tìm việc văn phòng tại các công ty đa quốc gia cũng như hiểu thêm về cuộc sống tại Malaysia.
Không phải ngẫu nhiên mà Haley luôn đề cập: trong quá trình tìm việc thì ngoài năng lực, sự nỗ lực thì còn có may rủi và cái duyên. Nên Haley cũng mong bạn sẽ đón nhận kết quả một cách nhẹ nhàng hơn sau khi đọc hết bài viết này.
Nhiều bạn nghĩ rằng để đi nước ngoài hay làm cho các tập đoàn lớn thì CV phải rất khủng, phải học trường tư, trường quốc tế, có nhiều thành tích giải thưởng. Không hẳn nhé, tùy vào từng vị trí, ngành nghề và tính chất công việc nữa.
Với những vị trí cấp cao, những công việc cần chuyên môn cao, có tính chất của một chuyên gia thì HR sẽ cân đo đong đếm hơn và tuyển lựa kĩ hơn.
Với đặc thù những công việc chỉ cần người thành thạo tiếng Việt để làm cho thị trường Việt Nam mà Haley đã giới thiệu nhiều lần trước đây: kiểm duyệt nội dung, chăm sóc khác hàng, kế toán, IT, quản lí team người Việt, v…v… HR sẽ không đặt yêu cầu xa vời cho 1 chiếc CV. Ngoại trừ một số vị trí yêu cầu kinh nghiệm trước đó thì thực tế bạn chỉ cần đạt tối thiểu 2 điều kiện về bằng cấp và tiếng Anh giao tiếp cơ bản là đủ điều kiện để nộp CV, thậm thí là có thể đậu phỏng vấn.
Vẫn có trường hợp một số công ty thích tuyển ứng viên có background đẹp nhé. Haley đã nghe review về việc có công ty ưu tiên ứng viên từng du học hoặc làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, điều đó không đại diện cho tính chất tuyển dụng các vị trí văn phòng tại Malaysia nói chung, đừng để việc này cản trở bạn trong việc tìm kiếm cơ hội cho mình.
Với thị trường tuyển dụng tại Việt Nam, Haley cảm nhận một số HR quá chú trọng về hình thức của CV, quá cầu toàn về nội dung dẫn đến những tiêu chuẩn rườm rà đôi khi hà khắc. Khi tìm việc ở Malaysia, Haley cảm nhận mọi thứ khá thực tế hơn, công ty tìm ứng viên phù hợp nhất với nhu cầu tuyển dụng tại thời điểm đó chứ không phải giỏi nhất hay tuyển người biết thiết kế CV đẹp và sáng tạo.
Nếu HR ở Malaysia cần một CV khủng thì chắc Haley rớt từ vòng đầu rồi, bên dưới là CV 2019 của Haley.


Đây là mẫu CV chị giới thiệu việc cho Haley gửi qua mail để điền vào. Haley lúc đó khá ngạc nhiên bởi vì CV nhìn đơn giản quá, chủ yếu nhấn mạnh về kinh nghiệm làm việc, các thông tin còn lại thì gộp chung nên hơi rối.
Nhưng thực ra thì nội dung trong CV tương đối đầy đủ thông tin cần thiết. Khoảng 4 năm về trước, những công việc văn phòng ở Malaysia còn rất mới mẻ, chị ấy gần như là một trong rất ít người chuyên giới thiệu việc làm thời điểm đó. Haley đoán chị gửi CV qua nhà tuyển dụng với cùng 1 format để việc lọc CV được nhanh và dễ dàng hơn.
Còn đây là mẫu CV Haley tự làm cuối 2021.



Nếu CV này mà đưa lên các nhóm của nhân sự hoặc tuyển dụng ở Việt chắc bị sửa te tua luôn. Nhưng CV này đã giúp Haley có 3 công ty gọi phỏng vấn bao gồm cả TikTok Malaysia.
Như Haley đã phân tích trong bài viết trước, bạn hãy làm CV chỉn chu tạo được thiện cảm và gây ấn tượng cho nhà tuyển dụng. Nhưng điều đó có phải quyết định tất cả? Có 2 ý Haley muốn làm rõ:
- Hãy viết CV sao cho tốt nhất và chỉn chu nhất có thể.
- Một CV tốt và chỉn chu không đồng nghĩa bạn sẽ được gọi phỏng vấn.
Nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng việc của mình là làm tốt nhất trong khả năng. Còn CV được chọn hay không thì là tổng hòa của nhiều yếu tố: phụ thuộc vào phía HR, nhu cầu tuyển dụng, sự cạnh tranh giữa các ứng viên ngay thời điểm đó. Tóm lại: thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
Haley biết có một số CV dù được viết rất sơ sài nhưng được chọn. Bên cạnh đó, có một số bạn không cam tâm khi CV của mình chuyên nghiệp, kinh nghiệm quá phù hợp nhưng lại không được gọi phỏng vấn. Thực ra CV của bạn phù hợp, nhưng có thể nhiều ứng viên khác cũng vậy và thậm chí là phù hợp hơn, nổi bật hơn. Chưa kể HR là con người thì có cảm tính riêng nữa, và một số công ty dùng hệ thống để scan CV trước nên nhiều khi rất may rủi.
Cũng có trường hợp CV có kinh nghiệm ít liên quan hoặc quá xuất sắc so với yêu cầu tuyển dụng thì bị rớt vòng CV cũng là chuyện bình thường.
Vậy nên các tiêu chí tuyển chọn của những công việc bạn nộp đơn chỉ là tương đối, thậm chí không thể đòi hỏi sự công bằng giữa các ứng viên. Bạn đừng quá đặt nặng về việc HR phản hồi cho ứng viên nhé, hay kì vọng tạo ra một chiếc CV “bách phát bách trúng”
Có nên rải CV không?
Lý do mình chọn rải CV
Thực ra học lực và kĩ năng của Haley tương đối bình thường và không nổi trội, những công việc mình làm ở Malaysia thuộc nhóm công việc không yêu cầu kinh nghiệm và chuyên môn cao. Nên với Haley, việc rải CV là một sự lựa chọn an toàn và đảm bảo dễ có việc hơn. Chưa kể thị trường lao động hiện tại (2023) cũng đang bão hòa và chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên việc tuyển dụng cũng thất thường hơn trước.
Nếu không có gì chắc chắn rằng bạn sẽ trơn tru vượt qua tất cả các vòng thì theo Haley việc rải CV cũng khá cần thiết, chưa kể đến những trường hợp sau có thể xảy ra:
- Công ty tuyển dụng nhưng không cần người ngay, khả năng HR sẽ phải hồi chậm hoặc ngâm CV luôn
- Có quá nhiều CV đổ về, việc lọc CV mất thời gian và “tạo điều kiện” cho HR kĩ tính hơn khi lựa chọn ứng viên
- Đang tuyển dụng thì đủ người hoặc đóng dự án
- Tuyển dụng ảo, đăng tuyển dụng nhưng thực tế phục vụ cho mục đích khác (HR chạy KPI, đánh bóng tên tuổi của công ty, v…v…)
- Công ty bùng, có kết quả phỏng vấn đậu nhưng không được nhận Thư mời nhận việc (offer letter)
Haley không cố thuyết phục bạn hãy rải CV mà chỉ đang đưa thêm những góc nhìn để bạn hiểu lý do vì sao việc nộp CV luôn có xác suất. Khi bạn có nhiều trải nghiệm hơn, bạn sẽ thấy thị trường lao động còn có những phần chìm thậm chí chẳng mấy khi đẹp đẽ. Kể cả những tập đoàn lớn cũng không ngoại lệ.
Bạn hãy xác định rõ thêm mục tiêu của mình đi kèm với ưu, nhược điểm sau để hiểu rõ bản thân có cần rải CV hay không nhé:
* Bạn muốn làm việc ở một công ty hoặc công việc cụ thể nào đó tại Malaysia:
- có mục tiêu rõ ràng: bạn cần chấp nhận xác suất thành công sẽ thấp hơn là rải CV. Những bạn đã có mục tiêu cụ thể sẽ có chính kiến riêng trong việc lựa chọn nghề nghiệp và công ty. Nhóm này thường rơi vào ứng viên đã làm việc ở Malaysia một thời gian, khoanh vùng được những công việc phù hợp với bản thân, kết nối đủ rộng để hỏi thăm review và chọn lựa ngay từ bước nộp đơn; hoặc những bạn đã đi làm nhiều năm, hiểu rõ bản thân muốn gì và môi trường làm việc phù hợp; những bạn có người quen bên này am hiểu và tư vấn thông tin cũng là lợi thế.
- chưa có mục tiêu rõ ràng: những bạn còn mông lung và thiếu tự tin trong việc thử sức. Các bạn thường mặc định mình biết công ty nào, vị trí nào thì nộp công ty đó; hoặc có bạn bè, người quen đang làm ở đâu/ giới thiệu công ty nào thì mới nộp vào. Thực ra như vậy không hẳn là không tốt, nhưng bạn có thể chủ động hơn, tìm hiểu nhiều hơn để tránh bỏ lỡ các cơ hội khác cũng tiềm năng không kém nhé.
* Bạn muốn làm việc ở Malaysia:
- nhóm này thường rơi vào những trường hợp muốn sang Malaysia lần đầu, mong muốn trải nghiệm vừa làm vừa gap year vì tính chất công việc văn phòng ở Malaysia khá thoải mái so với mức lương được trả. Haley khuyến khích bạn mạnh dạn rải CV để mở rộng cơ hội, mạnh dạn nộp cả những vị trí bạn chưa có kinh nghiệm nhưng bạn xem xét có thể làm được dựa vào bản mô tả công việc. Nhưng bạn cần chấp nhận sẽ tốn thời gian và công sức hơn trong quá trình tìm việc.
- có những trường hợp ở Malaysia rồi và mong muốn chuyển việc để lấy mức lương cao hơn. Các bạn ấy sẽ không quá kén chọn công ty hay công việc, vì mục tiêu cuối cùng là: một công việc ở Malaysia có mức lương cao hơn công việc hiện tại. Haley còn nhớ một người chị của mình đăng tải tìm ứng viên cho vị trí kế toán trong nhóm cộng đồng người Việt tại Malaysia với mức lương hấp dẫn. Kết quả là chị ấy nhận được rất nhiều CV và đa số là không có kinh nghiệm liên quan dù trong mô tả công việc đã ghi rõ cần người có kinh nghiệm. Có thể với những bạn đang còn ở Việt Nam thì sẽ nhiều nỗi sợ và sự e dè, nhưng khi đã ở Malaysia rồi bạn sẽ thấy rải CV rất bình thường và chỉ cần đó là “cơ hội”, mọi người sẽ nộp bất chấp để lấy xác suất.
- trường hợp khác là các bạn đang làm việc tại Malaysia nhưng rơi vào tình huống bất khả kháng: dự án hiện tại có quá nhiều vấn đề và bất cập, dự án đóng cửa, cắt giảm nhân sự. “Haley có việc gì giới thiệu mình nhé, việc nào cũng được vì dự án mình sắp đóng rồi” là một trong những câu nói Haley được nghe rất nhiều trong giai đoạn nửa đầu năm 2023 do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Để tiếp tục được làm việc ở Malaysia, các bạn ấy phải bằng mọi giá tìm được một công việc thay thế. Chính sách ở Malaysia rất hạn chế để tự do chuyển việc nên khi rơi vào thế bị động, Haley biết các bạn ấy phải trải qua những gì. Đó là trường hợp ứng viên không còn sự lựa chọn, hoặc là tìm được việc hoặc là về nước trong lỡ dở. Điều duy nhất Haley có thể biết, và Haley tin chắc những bạn đó cũng đã rõ: cố hết sức tìm việc ở Malaysia, nếu không được thì về nước và xem đó là một ngã rẽ trong hành trình của mình, sau khi về rồi vẫn có thể quay lại nếu muốn nhưng mất thời gian hơn.
Nếu bạn đang trong trường hợp mông lung và chưa rõ mình muốn gì, Haley sẽ phân tích thêm lợi ích khi rải CV nhé.
Lợi ích của việc rải CV
Rải CV giúp bạn chủ động hơn, mở rộng nhiều cơ hội và sự lựa chọn, cho phép bản thân thử nghiệm: thử sức nộp đơn, thử sức phỏng vấn.
Nhiều bạn e ngại việc rải CV làm loãng sự tập trung trong quá trình tìm việc và NTD sẽ đánh giá bạn thiếu toàn tâm toàn ý. Bạn cần biết rằng: không chỉ nhà tuyển dụng có quyền lựa chọn, bạn cũng thế, chỉ trừ trường hợp bất khả kháng như Haley vừa đề cập trong bài viết. Và bạn cũng nên có sự chuẩn bị nghiêm túc tránh gây mất thiện cảm cho HR, dù việc này cá nhân mình cảm thấy không quá ảnh hưởng.
Bên cạnh HR tuyển dụng, nhân viên công ty khi giới thiệu bạn bè vào làm có thể được nhận hoa hồng theo chính sách trả thưởng ở mỗi công ty. Bạn để ý sẽ thấy các bài viết tuyển dụng cho 1 vị trí có thể được đăng tải khắp nơi. Mỗi vị trí nhận từ vài chục hay có khi cả trăm CV là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra .
Bạn có thểm tham khảo 2 link giới thiệu của TikTok/ByteDance ở đây nhé.
(Haley đã viết bài hướng dẫn nộp hồ sơ ở TikTok/ ByteDance)
Haley có biết vài bạn rải CV và trong 1-2 tuần được HR liên hệ, đậu phỏng vấn và đến Malaysia ngay sau đó 1 tháng. Nhưng không phải ai cũng suôn sẻ như vậy. Cũng có trường hợp khác, có bạn rải CV trong vòng 4 tháng mãi mới có một công việc ở Malaysia, trong khi nền tiếng Anh bạn ấy khá tốt và có chứng chỉ. Vậy nên, nếu không có gì chắc chắn thì Haley khuyến khích bạn rải CV để tạo nhiều cơ hội cho mình.
Không nên nghỉ công việc đang làm khi chưa có thư mời nhận việc từ phía công ty Malaysia. Lý do mình có viết ở đây
Điều cần làm khi rải CV
Chuẩn bị kĩ lưỡng
Rải CV có thể hiểu là nộp đơn cho những công việc hoặc công ty không chỉ là bạn muốn làm mà cả bạn có thể làm, nhưng không đồng nghĩa là mình sẽ rải một cách hời hợt và tùy tiện.
Rải CV nên đi cùng với việc chuẩn bị tốt. Bạn vẫn cần tìm hiểu sơ lược những công việc đó cần yêu cầu gì, gu tuyển dụng của công ty đó như thế nào, những câu hỏi phỏng vấn thường gặp, v…v…
Để thuận lợi hơn, bạn nên điều chỉnh nội dung trong CV cho phù hợp với các vị trí ứng tuyển khác nhau. Bạn có thể ghi chú lại một số ý về tên công ty, tóm tắt mô tả công việc cho mỗi vị trí bạn nộp đơn để khi HR liên hệ, bạn không bị ấp úng hay bỡ ngỡ vì không nhớ mình đã nộp ở đâu.
Khi nộp CV cho công việc đầu tiên sang Malaysia, Haley đã không cho mình sự lựa chọn vì thiếu tự tin. Thời điểm đó Haley không tìm hiểu gì nhiều mà chỉ nộp đơn cho một công ty duy nhất – nơi bạn của mình đang làm việc. Thời gian chờ cuộc gọi phỏng vấn và hoàn tất mọi thủ tục kéo dài ròng rã hơn 3 tháng trời. Nếu mọi chuyện bất thành, bạn cũng đoán được Haley đã có thể cảm thấy thất vọng như thế nào đúng không.
Khi Haley nhảy việc ở Malaysia, tình thế của bản thân lúc đó bắt buộc phải nộp nhiều nơi. Haley không thích mảng CSKH vì đã từng làm qua ở Việt Nam, nhưng Haley vẫn nộp đơn vì đó là công việc mình có thể làm chứ không chỉ là thích hay không nữa. Haley nộp cả mảng CSKH gambling dù xác suất đi làm nếu đậu phỏng vẫn cũng không cao, đơn giản là Haley muốn tối ưu hóa cơ hội của mình.
Không lý tưởng hóa cơ hội việc làm
Đôi khi Haley còn nhận được phản hồi từ các bạn theo dõi về việc mong muốn được làm cho Accenture hoặc TikTok vì đó cũng là những công ty Haley đã/ đang làm việc và cũng là 2 trong số các công ty được nhiều đánh giá (review) tốt.
Thực tế ngoài 2 công ty trên, có những công ty khác cũng tốt nhưng ít được review vì ít người Việt làm tại đó.
Có những cái tên dù hay bị nêu tên trên các nhóm cộng đồng với review xấu, nhưng trong những công ty đấy vẫn có các dự án rất ổn hoặc làm rất nhàn (chỉ làm 3-5 tiếng mỗi ngày, còn lại ngồi chơi) Ngược lại, vẫn có những công ty được review tốt nhưng vẫn xảy ra tiêu cực: bùng việc ứng viên, nội bộ đấu đá, phân biệt chủng tộc hay thậm chí là quấy rối, v…v…
Cùng một công ty, dự án và cùng một sếp, đồng nghiệp, mỗi nhân viên còn có thể đưa ra những review khác nhau. Vậy nên, bạn hãy cân nhắc và tự mình trải nghiệm chứ đừng quá tin tưởng hay phụ thuộc vào review. Hãy xem một công việc ở Malaysia là đơn thuần một sự lựa chọn và là bước đệm. Nếu không sang Malaysia được, bạn vẫn còn rất nhiều cơ hội và sự lựa chọn khác ở Việt Nam.
Nếu sang rồi mà cảm thấy không hợp lắm, bạn vẫn có thể cho mình một khoảng thời gian đầu để thích nghi dần rồi chuyển hướng.
Sau 1-2 năm ở Malaysia, nếu chịu khó tìm tòi bạn sẽ thấy nhiều cơ hội rộng mở hơn, bạn có thể định hướng phát triển sự nghiệp tại đây, hoặc tìm kiếm cơ hội ở công ty khác, hoặc tích lũy tiền tiết kiệm về Việt Nam, hoặc đến một đất nước khác.
TikTok Malaysia – nơi rất nhiều bạn cho rằng nhất định phải làm nếu sang Malaysia vì những video Haley chia sẻ qua kênh TikTok. Nhưng có thể bạn chưa biết, Haley làm ở đây là vì đó là một trong những nơi mình nhận thư mời nhận việc sau quá trình rải CV, chứ ngay từ đầu đây không phải là mục tiêu duy nhất của mình.
Phần kết
Xuyên suốt trong các bài viết của Haley về quá trình tìm việc tại Malaysia, Haley luôn cố ý nhắc về những yếu tố khách quan để bạn có thể hiểu rằng: nếu CV của bạn không được chọn, nếu bạn không qua vòng phỏng vấn, nếu bạn thỏa thuận lương không thành công, hay nếu bạn không thể đến Malaysia như nguyện vọng; đó không hẳn do bạn chưa đủ giỏi.
Ngoại trừ yếu tố may mắn, nếu bạn cảm thấy đang bị thiếu phần nào đó ảnh hưởng đến quá trình tìm việc mà hoàn toàn có thể cải thiện được thì hãy cải thiện nó. Nếu tiếng Anh bạn chưa vững, hãy ôn lại. Nếu chưa tự tin phỏng vấn, hãy luyện tập. Dù có sang đây hay không, bạn cũng đã khắc phục khuyết điểm và biết đâu những cơ hội khác sau này sẽ mở ra cho bạn.
Trong cuộc sống không tránh khỏi những lúc bấp bênh. Bạn hãy thử tập trung vào hành trình phát triển bản thân, còn mục tiêu sang Malaysia hay bất kì mục tiêu nào chỉ là động lực để bạn hiện thực hóa hành trình đó. Đây cũng là lý do Haley tạo nên chiếc blog này, Haley muốn theo dõi chặng đường của mình, chia sẻ những trải nghiệm cũng như nhìn nhận những điểm mình đã tiến bộ hơn, những gì mình đã trao đi và những gì mình nhận lại. Bên cạnh website, bạn có thể theo dõi những nội dung khác của Haley tại các kênh Facebook, TikTok và Youtube nhé.
Toàn bộ nội dung là trải nghiệm cá nhân của Haley và những gì mình quan sát được trong khoảng thời gian làm việc ở Việt Nam và Malaysia. Bạn có thể tham khảo và cân nhắc khi đưa ra quyết định.
Nếu bạn cảm thấy bài viết/ trang blog hữu ích và muốn mời mình một ly cafe, hãy bấm vào ảnh bên dưới nhé:
Bài viết sau Haley sẽ hướng dẫn qua cho bạn một số cách để ôn tập tiếng Anh cho buổi phỏng vấn. Hi vọng qua bài viết này, bạn có thể mạnh dạn hơn trong việc rải CV nếu cảm thấy cần thiết và giảm áp lực trong quá trình tìm việc tại Malaysia.
Mến chào,
Little Haley
10/06/2023, Việt Nam