Bạn có biết để tìm một công việc xịn sò ở Malaysia thì chẳng cần mất phí? Hãy dành chút thời gian để khám phá 5 cách vô cùng dễ dàng và tìm cho mình môi trường làm việc chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản với mức lương tốt qua bài viết dưới đây nhé.
Giới thiệu
(Bài viết được cập nhật ngày 29/11/2023)
Haley sẽ hướng dẫn bạn lần lượt những cách để tìm việc ở Malaysia. Mức lương nhân viên văn phòng người Việt dao động từ khoảng 1k USD chỉ với 3 yêu cầu đơn giản:
- Tiếng Anh giao tiếp.
- Bằng CĐ/ĐH bất kì chuyên ngành
- Hộ chiếu
Cơ hội này dành cho cả những bạn mới ra trường hoặc chưa có nhiều kinh nghiệm liên quan. Haley đã giải thích rõ ở bài viết trước, xem lại ở đây.
Haley từng làm kiểm duyệt nội dung thị trường Việt Nam cho công ty Accenture và TikTok/ByteDance.
Nội dung này nằm trong chuỗi bài nhằm cung cấp cho bạn thông tin chi tiết và cơ bản để có thể tìm việc văn phòng tại các công ty đa quốc gia cũng như hiểu thêm về cuộc sống tại Malaysia.
Ở Malaysia, có khá nhiều công ty tuyển nhân viên văn phòng người Việt, có thể kể đến: ByteDance (TikTok), Accenture, Concentrix, TDCX, Teleperformance, Cognizant, IBM, AIA, Hapag-Lloyd, v…v…
Cách thức tìm việc tương tự như khi bạn tìm việc làm ở Việt Nam. Bạn nộp CV, sau đó bên nhân sự liên hệ hẹn phỏng vấn. Nếu bạn đậu phỏng vấn và đáp ứng được các yêu cầu của bên tuyển dụng, bạn sẽ được công ty lo visa và hướng dẫn thủ tục để sang Malaysia làm việc hợp pháp.
Vậy sẽ có những nguồn tìm việc nào, có thể nộp CV ở những đâu? Haley giúp bạn liệt kê một số cách nhé:
Cách 1: Ứng tuyển trực tiếp qua website công ty (bài viết này mình hướng dẫn nộp cho TikTok Malaysia)
Cách 2: Theo dõi tin tuyển dụng trên các nhóm Facebook
Cách 3: Tạo hồ sơ trên các website tìm việc ở Malaysia
Cách 4: Sử dụng mạng xã hội tìm việc LinkedIn
Cách 5: Tham gia nhóm Zalo của Haley
Có 2 từ khóa thông dụng để tìm việc trên các website tuyển dụng là “Vietnam” hoặc “Vietnamese”
Để hiểu rõ chi tiết hơn, bạn hãy đọc tiếp các nội dung bên dưới nhé.
Bạn có thể theo dõi chủ đề này qua video:
Chi tiết 5 cách tìm việc miễn phí ở Malaysia
Cách 1: Ứng tuyển việc làm ở ByteDance (TikTok)
Đường link ứng tuyển
Mỗi công ty thường có kênh tuyển dụng riêng, bạn có thể tìm kiếm website của công ty và nộp CV qua chuyên mục tuyển dụng.
Haley từng làm việc cho công ty ByteDance ở văn phòng Malaysia. ByteDance là công ty mẹ của TikTok.
Với cách 1, Haley gửi bạn 2 đường link để tìm việc và ứng tuyển cho ByteDance và TikTok nhé:
Mặc dù ở cách này viết riêng cho ByteDance/TikTok nhưng bạn vẫn nên đọc qua vì có thể áp dụng được một số mẹo trong việc ứng tuyển các công ty khác.
Nếu bạn quan tâm đến công việc ở ByteDance cũng như TikTok thì có thể bấm vào các đường link trên để ứng tuyển. Đây là kênh tuyển dụng của riêng công ty, sẽ có tất cả vị trí, công việc mà công ty tuyển dụng trên toàn cầu. Bạn có thể ứng tuyển không chỉ làm tại Malaysia mà còn ở Việt Nam và các nơi khác vì ByteDance đặt văn phòng làm việc ở nhiều quốc gia.
Để xem công ty đang tuyển vị trí nào dành cho Vietnamese Speaker, bạn tìm theo từ khóa Vietname/ Vietnamese + chọn địa điểm (ví dụ: Kuala Lumpur)
Haley sẽ hướng dẫn nộp hồ sơ cho ByteDance Referral:
- Nếu chưa có tài khoản: vào link -> tạo tài khoản -> tạo CV -> tìm việc và nộp đơn.
- Nếu đã có tài khoản: vào link -> đăng nhập -> tìm việc và nộp đơn.
Chi tiết về cách tạo CV và cách tìm việc phù hợp để nộp đơn cho TikTok thì bạn đọc tiếp ở bên dưới nhé.
Hướng dẫn tạo CV online trên hệ thống
Nếu bạn đã có tài khoản thì có thể bỏ qua phần này.
Nếu bạn chưa có tài khoản thì vào link để Tạo tài khoản/ Create account.
Sau đó, bạn vào phần Đăng nhập/ Sign in.
Nếu bị lỗi không đăng nhập được. bạn chọn Quên mật khẩu/ Forgot password, nhập lại đúng mật khẩu bạn đã tạo, hệ thống sẽ gửi mã OTP qua email.
Bạn xoay hình sao cho khớp để chứng minh mình không phải robot.
Sau khi đăng nhập thành công thì bạn vào Hồ sơ của tôi/ My resume để tạo CV online.
Bạn tải CV của bạn lên để hệ thống quét và điền thông tin tự động.
Đôi khi hệ thống không quét hết được, hoặc do trong CV không có thông tin tương ứng nên không hiển thị. Vậy nên, sau khi tải xong thì bạn nhớ kiểm tra lại và hoàn thiện CV online.
Basic information/ Thông tin cơ bản: Họ tên, số điện thoại, email.
Work Experience/ Kinh nghiệm làm việc: Nếu chưa có kinh nghiệm đi làm chính thức ở đâu, bạn chọn ô Have no work experience, như vậy không cần điền thông tin ở mục này nữa. Nếu chỉ có kinh nghiệm thực tập thì lát nữa mình sẽ điền ở một mục khác phía dưới.
Còn nếu có kinh nghiệm làm việc thì bạn hãy hoàn thành thông tin.
– Company name: Tên công ty
– Title: Chức danh công việc
– Description: Bạn nên có ít nhất 3-4 gạch đầu dòng để mô tả công việc. Nếu bạn có kinh nghiệm làm việc nhiều hơn 1 công ty thì chọn Add để thêm vào.
Education/ Học vấn
– School name: Tên trường.
– Degree: Bằng cấp. Nếu bằng cao nhất của bạn là bằng đại học thì chọn Bachelor’s Degree. Theo kinh nghiệm của Haley thì TikTok ưu tiên bằng Đại học trở lên. Nếu bạn có bằng Cao đẳng cũng đừng ngại thử sức nhé.
– Field of study: Tên chuyên ngành học.
– Start & end date: Tháng + năm nhập học và tốt nghiệp. Nếu bạn không nhớ chính xác thì có thể ước chừng. Nếu bạn có nhiều hơn 1 bằng cấp thì chọn Add để thêm thông tin nhé.
Internship Experience/ Kinh nghiệm thực tập
Bạn điền thông tin công ty bạn đã thực tập vào. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm đi làm ở Work Experience ban nãy, hãy tận dụng Internship Experience để thể hiện bản thân.
Những mục dưới này nếu bạn có thành tựu gì để khoe với nhà tuyển dụng thì điền vào nhé.
Language Skills/ Kĩ năng ngôn ngữ
Bạn điền các ngôn ngữ bao gồm tiếng Việt
– Proficiency: Mức độ thông thạo. Dĩ nhiên mình chọn Native/Bản xứ với Tiếng Việt.
Với tiếng Anh, bạn nên chọn mức độ từ Professional working trở lên. Nếu bạn biết thêm ngôn ngữ nào khác thì điền thêm.
Self-intronduction/ Tự giới thiệu: Bạn viết vài dòng để giới thiệu bản thân với nhà tuyển dụng nhé.
Sau khi hoàn thành hồ sơ thì bạn chọn Done, nhập mã OTP được gửi qua số điện thoại nữa là xong.
Lưu ý: Bạn kiểm tra OTP ở cả tin nhắn điện thoại và Zalo nhé. Nếu không nhận được OTP thì rất có khả năng bạn đã tạo tài khoản với số điện thoại đó rồi, bạn hãy thử đăng nhập bằng tài khoản cũ thay vì tạo tài khoản mới.
Cách tìm việc phù hợp và nộp CV trên hệ thống
Sau khi tạo xong hồ sơ, bạn vào My applications ở góc trên bên phải.
Bởi vì tài khoản này Haley chưa apply job nào hết nên hiện trang trắng. Haley sẽ đi tìm những việc đang tuyển bằng cách vào Search for job.
Urgent Position Only: nếu bạn chọn ô này thì sẽ lọc ra những việc đang tuyển gấp, việc xét duyệt CV và quy trình tuyển dụng có thể diễn ra nhanh hơn.
Job Typed: Nếu bạn tìm job thực tập thì chọn Intern, còn full-time thì chọn Experienced.
Job Category để lọc ngành nghề: Thường Haley sẽ không chọn để hiện hết các công việc luôn.
Location: địa điểm. Nếu tìm việc ở Malaysia thì bạn chọn Kuala Lumpur. ByteDance ở Malaysia có 2-3 văn phòng làm việc, tất cả ở Kuala Lumpur.
Ngoài Malaysia, bạn có thể chọn tìm thử các nước khác nếu muốn. Theo Haley biết thì Singapore cũng có tuyển người Việt nhưng điều kiện tuyển dụng khó hơn Malaysia.
Hoặc nếu bạn không thích đi nước ngoài thì chọn Ho Chi Minh, Hanoi vì công ty có văn phòng ở những đây.
Lưu ý: những thông tin về yêu cầu tuyển dụng và lương mà Haley chia sẻ là dành cho thị trường lao động ở Malaysia thôi nhé. Vì ở mỗi nước sẽ có mức lương và chính sách tuyển dụng khác nhau.
Haley lọc tiếp việc dành cho người Việt bằng cách gõ Vietnam hoặc Vietnamese ở thanh công cụ Search.
Nếu bạn có tiếng Anh xuất sắc thì có thể ứng tuyển việc chỉ yêu cầu tiếng Anh, không nhất thiết lọc tìm tuyển người Việt.
Hoặc nếu bạn có ngoại ngữ khác (ví dụ tiếng Hàn) ở mức độ lưu loát vẫn có thể ứng tuyển các công việc yêu cầu ngôn ngữ đó. Mẹo này có thể áp dụng khi bạn ứng tuyển ở những công ty khác không chỉ riêng ByteDance.
Bởi vì mức sống của Hàn Quốc cao hơn Việt Nam, nên lương trả cho người nói tiếng Hàn cũng cao hơn người nói tiếng Việt. Nếu bạn thấy tin tuyển dụng Korean language/ Korean speaker và bạn tự tin là tiếng Hàn lưu loát có thể đảm nhận công việc thì cứ mạnh dạn apply. Điều này có thể áp dụng cho một số ngôn ngữ khác như Nhật, …. Nhưng những tin đăng tuyển ghi rõ là “native”, họ chỉ tuyển người bản xứ.
Sau khi đọc qua mô tả công việc và cảm thấy phù hợp thì bạn bấm Apply.
Nếu bạn đã xem bài viết trước của Haley sẽ biết rằng những công việc liên quan đến Content Review (kiểm duyệt nội dung) và Customer Service (CSKH) có nhu cầu tuyển dụng cao, dễ đào tạo và chào đón những bạn mới ra trường hoặc làm trái ngành.
Tuy nhiên, ở ByteDance và một số công ty thì tiêu đề công việc (job title) sẽ không để chung chung là Content Review hay Customer Service mà ghi rõ chuyên môn công việc. Chẳng hạn Haley từng làm vị trí liên quan đến kiểm duyệt nội dung với chức danh là Risk & Investigation Specialist.
Vậy nên, bạn đọc qua mô tả công việc và thấy có chút liên quan đến xét duyệt nội dung, hỗ trợ khách hàng, hoặc bất kì công việc nào nằm trong khả năng của bản thân thì cứ Apply.
Mô tả công việc, đặc biệt là bằng tiếng Anh đọc vào đôi khi khá hoành tráng. Nhưng khi dịch ra và tóm tắt thì có thể nhận thấy không phức tạp như bạn nghĩ. Thêm nữa, bên HR sẽ lọc CV. Nếu CV của bạn không hợp với công việc đó thì họ loại ra, mình cũng chẳng mất mát gì cả.
Bạn có thể apply nhiều việc một lúc. Haley ví dụ apply cả 3 vị trí A, B và C. Khi bạn qua vòng CV của vị trí B và nhận lịch hẹn phỏng vấn, thì A và C sẽ tạm ngưng lại (pending.) Nếu sau đó bạn đậu B và nhận việc, dĩ nhiên là A và C sẽ ngưng luôn. Còn nếu không may rớt B, thì khi đó A và C sẽ tiếp tục quy trình tuyển dụng cho bạn.
Cách 2: Tham gia các nhóm tuyển dụng trên Facebook
Cách số 3 thật ra cũng tương tự như những cách trên, nhưng bạn được thêm phần chủ động để tự tìm việc.
Haley sẽ gợi ý 4 nhóm trên Facebook, bạn bấm vào tên sẽ dẫn link đến các nhóm nhé. Nếu sau này có biết thêm những nhóm nào khác thì Haley sẽ cập nhật.
Đây là nhóm Haley thấy đăng tuyển rất đa dạng, có xuất khẩu lao động và cả tự nộp đơn như Haley. Nên lương sẽ có chỗ thấp chỗ cao. Quan trọng là bạn lọc tìm những công việc với mức lương phù hợp. Nếu bạn có bằng Cao đẳng/ Đại học và Tiếng Anh giao tiếp thì nên tìm những công việc có mức lương tốt một chút.
BPO là viết tắt của Business Process Outsourcing. Bạn có thể lên google để tìm hiểu thêm về cụm từ này. Haley chỉ giải thích theo cách mình hiểu thôi nhé. Khi các công ty/ tập đoàn họ không tự tuyển dụng, đào tạo hay quản lý lao động mà sẽ sử dụng dịch vụ của bên thứ 3 để làm thay và trả tiền cho bên đó, thì bên thứ 3 gọi là BPO.
Trái ngược với BPO là in-house.
Haley lấy ví dụ là TikTok có cả BPO và in-house. Haley làm cho in-house, tức là TikTok trực tiếp tuyển dụng, đào tạo và quản lý. Bên cạnh in-house, sẽ có một số dự án TikTok chuyển qua cho công ty BPO khác làm. Chẳng hạn, X là một công ty cung cấp dịch vụ BPO cho TikTok. Khi bạn làm cho công ty X thì bạn là nhân viên X và làm dự án cho TikTok, chứ không phải nhân viên TikTok.
Giữa BPO và in-house mỗi cái sẽ có những ưu nhược khác nhau. Bạn có thể tự tìm hiểu thêm nhé.
Theo Haley đây là nhóm khá chất lượng, bởi vì tuyển dụng toàn yêu cầu bằng Cao đẳng/ Đại học nên mức lương cũng tương đối tốt và sát với thị trường lao động. Các bài tuyển dụng trên nhóm không giới hạn
3. Vietnamese in Malaysia và 4. Vietnamese Community in Malaysia
Đội ngũ admin của 2 nhóm khác nhau, nhưng tính chất khá giống nhau nên Haley sẽ giới thiệu chung. Đây là 2 nhóm cộng đồng người Việt lớn mạnh ở Malaysia. Thỉnh thoảng sẽ có tin đăng tuyển dụng. Qua 2 nhóm này bạn có thể biết thêm về cuộc sống của người Việt tại đây, về những địa điểm đi chơi, ăn uống, nhượng phòng, Q&A và cả … hóng drama.
Cách 3: Tạo hồ sơ trên các website tìm việc ở Malaysia
Cách này Haley biết đến trong khoảng thời gian chuyển việc ở Malaysia vào cuối năm 2020, khi từ Accenture sang làm cho TikTok.
Ở Việt Nam có các website tìm việc như Vietnamwork, Careerlink, v…v… thì ở Malaysia cũng thế.
Haley sẽ giới thiệu 2 trang web mà mình có sử dụng:
Ngoài 2 trang này bạn có thể tìm thêm các trang khác trên google nhé.
Haley hướng dẫn bạn làm hồ sơ cho trang Foundit, trang còn lại bạn tự làm nhé. Bạn có thể xem thêm video trên kênh youtube của Haley để hình dung rõ hơn.
Khi viết bài này thì Foundit vẫn là tên miền cũ Monster.com.my, nên giao diện mới của Foundit có thể khác một chút. Nhưng cơ bản thì cách làm hồ sơ của các trang làm tìm việc khá giống nhau bạn nhen.
Bạn vào link Foundit để đăng kí tạo tài khoản tương tự như của bên ByteDance.
Mình điền họ tên, email, mật khẩu, số điện thoại để tạo tài khoản trước:
Current Location: bạn đang ở Việt Nam thì chọn Việt Nam.
Nationality: quốc tịch, chọn Vietnamese.
Total Experience: số năm kinh nghiệm tính cả thực tập.
Immediately available due to covid-19: bị ảnh hưởng do dịch covid, sẵn sàng đi làm ngay và luôn. Có thể hiểu là mình bị thất nghiệp do dịch covid, không bị ràng buộc công việc nên có thể đi làm sớm nhất có thể theo yêu cầu của bên tuyển dụng.
Key skill: các nhóm kĩ năng chính. Bạn có thể chọn ngôn ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh, …), cũng như kinh nghiệm liên quan đến những công việc cũ của bạn. Haley sẽ chọn kĩ năng Chăm sóc khách hàng = Customer Service (CS) để làm ví dụ.
Preferred Industry: bạn muốn tìm việc thuộc ngành nào. Bạn gõ keyword để tìm từ tương ứng. Ví dụ Haley muốn tiếp tục làm công việc về CS, Haley sẽ tìm những từ liên quan như: Customer Service, Consulting/ Advisory Service.
Preferred Department/ Function: từ mục Preferred Industry phía trên, hệ thống sẽ lọc ra những từ khóa liên quan để bạn chọn tiếp.
Preferred Role: vai trò công việc mong muốn làm. Bạn tìm tiếp những từ có liên quan đến CS. None-voice không cần phải nghe điện thoại, như là hỗ trợ khách hàng qua mail, chat. Còn voice thì bạn có thể làm các công việc yêu cầu nghe điện thoại và nói chuyện với khách hàng.
Những gì Haley hướng dẫn điền, bạn tham khảo thôi nhé. Bạn hãy tìm keyword để tìm cụm từ liên quan theo ngành nghề nguyện vọng của bạn.
Vì khi tạo hồ sơ trên các trang tìm việc Haley không quá chi tiết và chính xác. Những thông tin này cũng chỉ mang tính tương đối, bên nhân sự sẽ dựa vào hồ sơ của bạn và cả CV để ước chừng ứng viên có phù hợp với vị trí đang tuyển không.
Work Experience/ Kinh nghiệm làm việc
– Current Designation: chức danh công việc, nghĩa tương tự Job Tittle.
– Start Date: ngày bắt đầu làm.
Nếu bạn vẫn còn đang làm công ty này, chưa nghỉ việc thì chọn vào ô Present.
– Salary Mode: chọn khai lương hàng tháng hoặc hàng năm.
– Current Salary: điền số tiền lương tính theo tháng/ năm. Bạn có thể ẩn tiền lương này với nhà tuyển dụng.
– Notice Period: nếu nghỉ việc công ty đang làm phải báo trước bao lâu? Ở Việt Nam thường báo trước 1 tháng, nếu công ty bạn đang làm cũng thế thì bạn để 30 ngày. Nếu bạn đã nghỉ việc rồi thì chọn Immediately available.
Education/ Học vấn
– Highest qualification: bằng cấp cao nhất. Ở đây hiển thị những đáp án chi tiết, bạn chọn cái nào đúng hoặc gần đúng với chuyên ngành của mình là được.
– Major: chuyên ngành. Tương tự như bằng cấp, bạn chọn cái nào đúng hoặc gần đúng với chuyên ngành bạn học.
– Education Type: bạn học theo hình thức nào. Full-time là học chính quy. Part-time là học tại chức. Correspondence là học từ xa.
Job Preference/ Nguyện vọng công việc
– Profile Title: hệ thống tự tóm tắt lại về kinh nghiệm làm việc dựa vào những thông tin đã được điền, có thể chỉnh sửa được.
– Prefer location: bạn muốn làm ở đâu. Bạn để chung chung là Malaysia nhé.
– Country of residence: bạn đang cư trú ở nước nào.
– Select countries where you have work authorization: theo Haley hiểu là quốc gia bạn được làm việc. Nếu bạn ở Việt Nam và chưa có visa lao động Malaysia thì chỉ chọn Việt Nam thôi.
– Prefer Job Type: có 2 dạng hợp đồng lao động Permanent và Contract. Permanent (hợp đồng không thời hạn) thì sẽ có nhiều phúc lợi hơn Contract (hợp đồng có thời hạn), nhưng đa phần Haley thấy tuyển Contract là nhiều, nên bạn cứ chọn cả 2.
– IT skills: tin học văn phòng. Những thứ cơ bản thì có PowerPoint, Microsoft Word, Excel, bạn điền thêm những kĩ năng khác nếu có.
– Gender: giới tính.
– Date of Birth: ngày sinh.
– Marital status: tình trạng hôn nhân.
– Language skill: kĩ năng ngôn ngữ. Chắc chắn mình có điền tiếng Việt rồi. Proficiency: độ thông thạo. Với tiếng Việt chắc chắn là chọn Expert. Vì có đủ 3 kĩ năng Read, Write, Speak nên bạn chọn cả 3
Mình chọn thêm tiếng Anh và các ngôn ngữ khác nếu có.
Sau khi các bạn tạo xong tài khoản, Haley hướng dẫn thêm một số ý bên dưới.
Applied Jobs: những việc bạn đã ứng tuyển, đã bấm nút Apply.
Saved Jobs: những việc bạn quan tâm và đã lưu lại.
Mình tìm những việc tuyển dụng người Việt Nam bằng cách lên thanh công cụ Search và điền Vietnam hoặc Vietnamese.
Có khá là nhiều việc đăng tuyển. Công ty Bytedance (TikTok) cũng đăng tuyển trên này. Nếu bạn apply job của Bytedance (TikTok) thì có thể vào link giới thiệu mà Haley đề cập ở cách số 1 nhé (vì ở đấy mới tính là ứng viên do đồng nghiệp Haley giới thiệu)
Haley vào thử một job của Klook nhé. Bạn đọc qua tiêu đề công việc, mô tả, yêu cầu, nếu thấy phù hợp thì bấm vào nút Apply màu tím.
Thêm một điều cần lưu ý nữa, bạn lên phần Cài đặt ở góc trên bên phải của trang: Setting -> Profile Visibility
Khi bạn tắt Profile Visibility: chỉ những công ty nào bạn bấm Apply, công ty đó mới thấy hồ sơ của bạn.
Còn khi bạn mở Profile Visibility: hồ sơ của bạn hiện công khai cho tất cả nhà tuyển dụng. Sẽ có những HR/ headhunter săn tìm ứng viên tiềm năng. Khi họ search tìm hồ sơ có thể sẽ thấy thông tin của bạn, nếu phù hợp họ sẽ liên hệ để hẹn phỏng vấn.
Bạn chỉ nên mở nếu bạn đang thực sự tìm việc. Tránh trường hợp người khác thấy hồ sơ và liên hệ trong khi bạn không có nhu cầu thì mất thời gian của cả hai bên.
Cách 4: Sử dụng mạng xã hội LinkedIn
Cách này Haley chỉ gợi ý nhé, bạn có thể sử dụng LinkedIn (mạng xã hội chuyên dùng để việc tìm người và người tìm việc.)
Haley có tài khoản và cập nhật profile nhưng ít dùng. Haley chưa tìm việc trên này bao giờ nên hiện tại chưa thể review chi tiết được. Nếu sau này có thêm trải nghiệm về LinkedIn thì Haley sẽ cập nhật ở bài viết.
Theo Haley biết thì đây cũng là một kênh tìm việc hiệu quả. Bạn của Haley được một số công ty/ agency liên hệ qua LinkedIn. Bạn có thể tận dụng thêm mạng xã hội này để mở rộng thêm cơ hội việc làm.
Cách 5: Tham gia nhóm Zalo
Bạn có thể tham gia nhóm Malaysia Jobs trên Zalo do mình tạo: https://zalo.me/g/feledu538
Thi thoảng nếu Haley thấy tin tuyển dụng đâu đó thì mình sẽ đăng trên nhóm cho mọi người cùng biết. Haley ít online và trái múi giờ để quản lý nhóm, tạm thời mình tắt tính năng bình luận của thành viên trước khi có phương án tốt hơn nhé.
Phần kết
Haley đã hướng dẫn cho bạn 5 cách khá chi tiết và dễ dàng để tìm việc bên Malaysia. Mong là bạn sẽ tự tìm được cho mình nhiều cơ hội có một công việc xịn sò ở đây.
Bạn đừng nghĩ là sinh viên mới ra trường thì lương phải thấp, công việc không yêu cầu chuyên môn cao thì lương phải thấp, hay Tiếng Anh không xuất sắc thì lương phải thấp.
Thực ra có rất nhiều cơ hội cho bạn. Vì có những công việc đặc thù ở nước ngoài cần ngôn ngữ bản xứ của chúng ta.
Những điều Haley chia sẻ ngày hôm nay cũng phải trải qua công việc đầu tiên ở Malaysia rồi mới thấy, chứ trước đó mình cũng như bạn thôi. Chỉ khác ở chỗ: Haley là người đi trước, đã có thông tin và đã nắm bắt cơ hội. Bây giờ Haley cho bạn thông tin rồi, thì phần còn lại là ở bạn.
Toàn bộ nội dung là trải nghiệm cá nhân của Haley và những gì mình quan sát được trong khoảng thời gian làm việc ở Malaysia (2019-2023.) Bạn có thể tham khảo và cân nhắc khi đưa ra quyết định.
Cập nhật 11/2023: Thị trường việc làm ở Malaysia khoảng thời gian gần đây không sôi nổi như trước, nhu cầu tuyển dụng bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, chưa kể những đợt cắt giảm nhân sự. Bạn hãy tìm hiểu kĩ và lường trước những hạn chế.
Nếu bạn cảm thấy bài viết/trang blog hữu ích và muốn mời mình một ly cafe, hãy bấm vào ảnh bên dưới nhé:
Bạn có thể theo dõi những nội dung khác của Haley tại các kênh Facebook, TikTok và Youtube.
Ở những nội dung sau Haley sẽ chia sẻ thêm về quy trình tuyển dụng, và một số cách để tăng cơ hội đậu phỏng vấn.
Mến chào,
Little Haley
27/09/2022, Kuala Lumpur