Nếu bạn tò mò một ngày làm việc của nhân viên kiểm duyệt nội dung là như thế nào, hướng đi sự nghiệp nào dành cho nó (career path)? Thì đây là bài viết dành cho bạn. Haley có 4 năm kinh nghiệm trong công việc này tại Malaysia, tuy không quá nhiều nhưng có thể hỗ trợ cho bạn một số thông tin.
Kiểm duyệt nội dung là gì?
(Bài viết được cập nhật ngày 11/10/2023)
Kiểm duyệt nội dung là quá trình xem xét và đánh giá nội dung để đảm bảo tính phù hợp, chất lượng và tuân thủ các quy định, nguyên tắc đã được đề ra. Mục tiêu của công việc này là bảo vệ người dùng, duy trì một môi trường an toàn, lành mạnh trên các nền tảng trực tuyến và trong lĩnh vực truyền thông.
Những công việc này là một phần là do AI kiểm duyệt, còn lại là con người (Kiểm duyệt viên.)
Lý do cần Kiểm duyệt viên là vì máy móc rất rập khuôn, nhiều lúc không thể hiểu hết được nội dung và bối cảnh, rất dễ bị lách luật và đánh lừa. Nhưng đã là con người thì cũng có vấn đề riêng: sự cảm tính, thiếu chính xác.
Kiểm duyệt viên và AI bổ trợ và khắc phục nhược điểm cho nhau để quá trình kiểm duyệt được diễn ra suôn sẻ nhất có thể. AI sẽ được “học” từ thao tác kiểm duyệt viên và cải tiến dần để ra những thao tác hàng loạt một cách chuẩn xác.
Một số tên gọi tiếng Anh của nghề Kiểm duyệt nội dung: Content Reviewer, Content Moderator, Data Reviewer.
Lần đầu tiên Haley biết đến công việc này là hồi mình còn học cấp 3 hoặc đại học gì đấy. Haley chỉ nhớ là đã rất lâu, mình đọc trên một bài viết trên báo giấy có tiêu đề đại loại: Những “công nhân vệ sinh online” ở Trung Quốc.
Bài báo viết về ngành nghề Kiểm duyệt nội dung ở thị trường Trung Quốc, Haley đoán đó là thời điểm sơ khai của công việc này. Vì lâu rồi nên ấn tượng của Haley lúc đó đơn giản là thấy công việc là lạ, thú vị, và có vẻ phù hợp với tính hướng nội của Haley.
Không ngờ là sau 2 năm làm việc tại Việt Nam, Haley lại có duyên sang Malaysia làm Kiểm duyệt viên cho công ty BPO đầu tiên là Accenture vào giữa năm 2019. Sau đó mình nghỉ và ứng tuyển sang làm In-house cho TikTok/ByteDance vào tháng 03/2021 cho đến 09/2023.
Bạn có thể xem qua một số video Haley ghi lại một ngày làm việc tại văn phòng TikTok Malaysia: https://www.tiktok.com/@littlehaley95/video/7185533533610396954
Lúc làm video youtube này mình đã làm việc được ở TikTok 2.5 năm, Haley đã quen hơn với mọi thứ kể cả nhịp độ làm việc khá nhanh tại dự án:
Lưu ý: những gì Haley chia sẻ trong bài viết này là khái quát chung về ngành, được đúc kết từ trải nghiệm của Haley và từ thông tin của bạn bè ở những công ty khác. Bài viết mang tính chất tham khảo. Haley sẽ không đề cập đến bất kì dự án hay công ty cụ thể nào.
Về khái niệm BPO và In-house thì Haley sẽ nói rõ thêm bên dưới nhé.
Trải nghiệm làm Kiểm duyệt nội dung
Các dự án In-house và BPO
So với các nước trong khu vực thì Malaysia có khá phong phú những dự án Kiểm duyệt nội dung. Có nhiều công ty đa quốc gia đặt trụ sở và văn phòng làm việc tại Malaysia. Bạn sẽ làm cho các dự án của Facebook/ Google/ Youtube/ TikTok, v…v… Và nhu cầu tuyển dụng người lao động sẽ có yêu cầu về ngôn ngữ đặc thù. Chẳng hạn họ sẽ cần người Việt để làm cho thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, có thể bạn sẽ không làm việc trực tiếp cho chính các “ông lớn” đó mà thông qua bên thứ 3.
Có 2 hình thức:
- làm việc trực tiếp cho công ty đó (In-house)
- làm cho các công ty thuộc bên thứ 3 (BPO)
BPO là viết tắt của Business Process Outsourcing. Bạn có thể lên google để tìm hiểu thêm về cụm từ này. Haley chỉ giải thích theo cách mình hiểu thôi nhé. Có một số dự án các công ty/ tập đoàn họ không tự tuyển dụng, đào tạo hay quản lý lao động mà sẽ sử dụng dịch vụ của bên thứ 3 để làm thay và trả tiền cho bên đó, thì bên thứ 3 được gọi là BPO.
Ví dụ:
Đối với TikTok có cả BPO và In-house.
Làm In-house như Haley tức là do TikTok trực tiếp tuyển dụng, đào tạo, quản lý và bạn sẽ làm việc tại văn phòng của TikTok. Những dự án ở In-house có thể phức tạp hơn và cần bảo mật cao hơn so với BPO.
Công ty X là một trong những công ty cung cấp dịch vụ BPO cho TikTok và một số tập đoàn khác. Như vậy, bạn được tuyển dụng, đào tạo kí kết hợp đồng lao động và trở thành nhân viên công ty X, sau đó được phân bổ làm cho các dự án của bên khách hàng, trong đó có thể có dự án của TikTok hoặc không.
Giữa BPO và In-house sẽ có những ưu, nhược khác nhau. Các dự án của In-house sẽ ổn định hơn, phúc lợi tốt hơn, đổi lại trách nhiệm và yêu cầu công việc cao hơn, tính chất công việc phức tạp hơn.
Thời gian đào tạo và ngôn ngữ sử dụng
Mức độ khó hay dễ của mỗi dự án cũng khác nhau nên thời gian đào tạo cũng khác nhau.
Có dự án chỉ cần được đào tạo trong 1 tuần là có thể nắm bắt công việc và bắt kịp các bạn đã làm trước đó, nhưng cũng có dự án để được như vậy cần 1 tháng hoặc thậm chí lâu hơn.
Trong thời gian đào tạo, thử việc thì nhân viên vẫn được nhận lương 100% theo luật lao động ở Malaysia.
Tài liệu sử dụng, hệ thống khi làm việc là tiếng Anh.
Nếu người hướng dẫn cho bạn là người nước ngoài thì chắc chắn ngôn ngữ sử dụng cũng sẽ là tiếng Anh. Nếu người hướng dẫn bạn là người Việt và trong nhóm cũng chỉ có người Việt với nhau thì mọi người sẽ dùng tiếng Việt. Khi làm việc tương tự như vậy, cùng thị trường sẽ làm chung với nhau nên chủ yếu bạn sẽ sử dụng tiếng Việt.
Các nội dung kiểm duyệt
Các dự án Haley đã từng làm qua có nội dung khá đa dạng từ bài viết, video, hình ảnh cho đến quảng cáo. Ngoài ra còn có những dự án liên quan đến tài khoản, nhóm, trang, v…v… Hầu hết nội dung bằng tiếng Việt. Một số cần Kiểm duyệt viên hỗ trợ thêm thị trường tiếng Anh và các ngôn ngữ khác, vì có những dự án không cần hiểu ngôn ngữ.
Haley cũng từng làm qua những dự án non-sensitive với nội dung vô hại/ ít tiêu cực cho đến dự án sensitive đầy rẫy các nội dung độc hại. “Sensitive” ở đây có thể hiểu là những nội dung có tính chất nhạy cảm: máu me, kinh dị, bạo lực, ghê tởm, tình dục, v…v… và có khả năng gây ảnh hưởng đến cảm xúc, nhận thức người xem.
Để nói kĩ hơn về mặt sáng và mặt tối của công việc này. Haley sẽ viết ở bài tiếp theo nhé.
Thời gian làm việc
Quy định làm việc đối với các công việc văn phòng ở Malaysia thông thường là 40 tiếng/tuần, làm 5 ngày, nghỉ 2 ngày. Có một số ít công việc liên quan đến Chăm sóc khách hàng mới làm 4 ngày nghỉ 3 ngày, đổi lại thời gian làm việc mỗi ngày sẽ dài hơn 8 tiếng để vẫn đảm bảo 40 tiếng/tuần.
Tùy tính cấp thiết của mỗi dự án mà có thể được yêu cầu làm tăng ca (OT) và làm ngày lễ (PH). Đa số nhân viên sẽ thích được làm vì thường sẽ được nhân lương.
Mặt trái của tính chất của công việc kiểm duyệt là đa số dự án cần Kiểm duyệt viên túc trực 24/7, nên thường phải làm theo ca (có thể có ca đêm) và ngày nghỉ không phải lúc nào cũng rơi vào cuối tuần. May mắn của Haley và cũng là lý do mình có thể gắn bó lâu dài với công việc này là chỉ phải làm ca đêm trong nửa năm đầu tiên ở Malaysia. Với những bạn nữ tầm 26, 27 tuổi trở lên, Haley không khuyến khích bạn làm ca đêm lâu dài vì có thể để lại những ảnh hưởng cho sức khỏe.
Khoảng hơn nửa năm đầu tiên Haley lên văn phòng, nhưng sau đó dịch nên mình làm ở nhà. Do tính chất công việc là làm online nên không bị ảnh hưởng nhiều. Rồi từ đó về sau Haley chỉ làm ở nhà hoặc mỗi tuần lên văn phòng 1-2 ngày nên khá thoải mái, và cũng không trúng ca đêm. Đây có thể gọi là may mắn vì tùy thời điểm và tùy dự án nữa.
Mỗi ngày làm việc của Haley kéo dài 9 tiếng, bao gồm 1 tiếng ăn trưa và 30 phút nghỉ giải lao. Như vậy thực tế giờ việc chỉ là 7.5 tiếng/ ngày hoặc có khi ít hơn. Vì làm việc online nên đa số dự án được tự linh động giờ ăn và giờ nghỉ tùy theo lịch sinh hoạt cá nhân. Nhưng cũng sẽ có dự án yêu cầu nhân viên nghỉ theo đúng giờ giấc quy định.
Vì tính chất công việc là hoàn toàn online nên bạn phải đảm bảo thời lượng làm việc đúng với yêu cầu của dự án. Công ty sẽ quản lí nhân viên qua hệ thống của các nền tảng dành riêng cho công việc.
Haley sẽ cần đăng nhập và đăng xuất đúng giờ trên hệ thống. Và trong khoảng thời gian làm việc sẽ phải cập nhật code theo đúng hoạt động thời gian thực. Ví dụ:
- 1.5 tiếng nghỉ trưa: code Lunch
- 30 phút giải lao: code Break
- 30 phút họp hành (nếu có): code Meeting/ Training
- 7 tiếng còn lại phải hiển thị bạn đang làm việc: code Working
Bên cạnh những code cơ bản trên, còn có những code khác.
Haley từng làm cho dự án sensitive, nên cách 2 tuần hoặc hàng tháng được sắp xếp vào phòng riêng và gặp chuyên viên để trò chuyện và hỗ trợ tâm lí (nếu cần). Những buổi gặp chuyên viên tâm lí do công ty tổ chức là bắt buộc tham gia, nhưng nếu bạn không cần tham vấn thì 2 bên chỉ cần chia sẻ, hỏi thăm sơ sơ mà thôi. Có công ty thì không tổ chức các buổi tham vấn tâm lý mà có mức hỗ trợ riêng hàng tháng để bạn tự chi nếu cần.
Haley còn được tham gia những buổi hoạt động/ chơi game tập thể tại văn phòng để giúp đầu óc thoải mái hơn. Như vậy, nhân viên được quyền sử dụng những code dành cho các hoạt động ngoài công việc, dĩ nhiên là trong sự cho phép và quản lí của cấp trên.
Nếu tự ý dùng sai code, dùng lố thời gian và xảy ra thường xuyên, bạn có thể sẽ được “hỏi thăm” đấy.
Tính chất của công việc này là làm đủ KPI, hết giờ hết việc, nên các công ty quản lí chặt chẽ về thời gian làm việc của từng nhân viên là điều dễ hiểu. Nhưng cá nhân Haley thì thấy “dễ hiểu” không phải luôn đồng nghĩa với “hợp lí”
Có thể linh động trong việc dùng code hay phải đảm bảo chính xác hoàn toàn? Câu trả lời là tùy theo dự án.
Công cụ làm việc
Vì là làm online nên bạn chỉ cần có máy tính bàn/ laptop và internet. Công ty sẽ cung cấp thiết bị cần thiết.
Có công ty sẽ cung cấp cho bạn máy tính để bàn, tai nghe, bàn phím, chuột. Một số công ty khác cấp laptop riêng, tai nghe, chuột.
Bạn tự bảo quản trang thiết bị để khi cần sẽ bàn giao lại, trừ khi thiết bị được cố định trên văn phòng.
Tiêu chí đánh giá công việc
Một ngày làm Kiểm duyệt nội dung tương đối nhẹ nhàng. Điều có thể gây áp lực cho Kiểm duyệt viên không hẳn ở tính chất công việc mà là những tiêu chí để hoàn thành công việc.
Từng dự án sẽ có những tiêu chí (metrics) để đánh giá hiệu quả công việc khác nhau, dưới đây là những tiêu chí cơ bản nhất:
- KPI (Key Performance Indicator): số lượng nội dung cần duyệt
- QA (Quality Assurance): độ chính xác, sẽ có team QA chấm ngẫu nhiên những nội dung của Kiểm duyệt viên đã làm
- AHT (average handling time): thời gian trung bình Kiểm duyệt viên dành ra để làm mỗi nội dung
Như vậy, để đảm bảo suôn sẻ công việc bạn cần làm đủ KPI, độ chính xác cao và cả thời gian trung bình cho mỗi nội dung được kiểm duyệt cũng phải được đảm bảo, tức là không quá nhanh và cũng không quá chậm.
Cấp trên sẽ dựa vào các tiêu chí để đánh giá tổng quát hiệu quả công việc của bạn. Chẳng hạn, KPI bạn không đạt mà AHT lại còn thấp, chứng tỏ bạn làm mỗi nội dung rất nhanh so với yêu cầu mà lại còn làm không đủ số lượng KPI, như vậy là dấu hiệu không tốt.
Bên cạnh thái độ làm việc, sự hợp tác với cấp trên và các thành viên trong dự án thì hầu hết mọi thứ được đánh giá khá máy móc dựa vào các chỉ số, nên đôi khi có những bất cập.
Hướng đi sự nghiệp (career path) của Kiểm duyệt nội dung
Điều kiện để làm Kiểm duyệt viên
Bạn cần có các điều kiện sau để làm việc tại Malaysia:
- bằng cao đẳng/ đại học
- tiếng Anh giao tiếp
- hộ chiếu
- thông thạo ngôn ngữ được yêu cầu (chẳng hạn tiếng Việt)
Duyệt nội dung cho các nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook, Youtube, TikTok, v…v… thì bạn cần làm việc cho các công ty đa quốc gia nên việc yêu cầu bằng cấp là việc rất hiển nhiên. Dù thị trường bạn làm là Việt Nam và sử dụng tiếng Việt trong công việc, hầu hết chỉ xem các nội dung tiếng Việt đi chăng nữa, thì ngôn ngữ chung để giao tiếng tại các công ty đa quốc gia là tiếng Anh, tài liệu trong công việc là tiếng Anh nên yêu cầu ngoại ngữ cũng là hiển nhiên luôn.
Bạn có thể tìm hiểu kĩ thêm qua bài 1 của Haley.
Bên cạnh những điều kiện trên, bạn cũng cần chuẩn bị tâm lý về việc chấp nhận làm xoay ca, làm ca đêm, xem những nội dung độc hại tùy tính chất từng dự án như mình đã đề cập.
Các công ty tuyển dụng Kiểm duyệt nội dung
Ở Malaysia có khá nhiều công ty tuyển dụng việc văn phòng nói chung và Kiểm duyệt viên nói riêng, bao gồm cả In-house và BPO. Bên dưới là 3 khu vực có các công ty tuyển dụng người Việt làm văn phòng mà Haley biết:
- Kuala Lumpur
- Penang
- Johor
Về các nguồn tìm việc, bạn có thể theo dõi bài 2 của mình, lên các nguồn tìm việc gõ những từ khóa liên quan đến công việc này:
- Content Moderate
- Content Review
- Data Review
Có những công việc không ghi tiêu đề chung chung như trên mà rất cụ thể theo từng vị trí, và không nên chỉ tìm việc ở một số công ty nhất định mà bạn biết. Nên Haley thường tìm theo 2 từ khóa dưới đây, sẽ cho đa dạng kết quả:
- Vietnam
- Vietnamese
Bài 3 sẽ giúp bạn biết một buôi phỏng vấn của Kiểm duyệt nội dung diễn ra như thế nào.
Hướng đi sự nghiệp (career path)
Haley sang Malaysia chủ yếu là để trải nghiệm, kiếm tiền và tiết kiệm tiền trong lúc tìm hướng đi khác nên mình không tìm hiểu sâu về định hướng của ngành này.
Nhưng theo Haley biết, với Kiểm duyệt nội dung để phát triển sự nghiệp bạn cần đi theo chiều dọc hơn là chiều ngang: tức là bạn cần lên vị trí mới, cấp bậc mới.
Vì thực tế công việc tính chất lặp lại nhiều, dễ đào tạo nên dù bạn có kinh nghiệm hơn 2 năm thậm chí 5 năm cũng chưa chắc đã là ưu thế so với những người chỉ có kinh nghiệm 1 năm trở xuống. Các bạn trẻ sẽ nhanh nhẹn hơn, học hỏi tốt hơn, sức cống hiến cao hơn nên việc thiếu kinh nghiệm không hẳn là bất lợi.
Kiểm duyệt nội dung không cần tay nghề và chuyên môn, chỉ cần được đào tạo là sẽ biết làm. Mỗi dự án đều sẽ có đào tạo trước khi làm chính thức nên người mới rất dễ vào (trừ khi đợt tuyển dụng đó công ty chủ đích chỉ tuyển người có kinh nghiệm.) Thêm nữa, dù bạn đã có kinh nghiệm dự án A cũng chưa chắc khi sang sự án B bạn sẽ tận dụng được những gì đã biết hay sẽ trau dồi thêm được gì ở dự án mới. Nên có x năm kinh nghiệm thật sự không có ý nghĩa quá nhiều.
Bên cạnh đó, ai cũng biết AI đang dần thay thế con người và dựa vào tính chất công việc, chắc chắn Kiểm duyệt nội dung là một trong những ngành nghề đào thải rất nhanh.
Mỗi người sẽ có sự chọn lựa và suy nghĩ khác nhau. Có những bạn đã có kế hoạch riêng hoặc đã ổn định gia đình, ổn định kinh tế nên chỉ cần có công việc nhẹ nhàng làm qua ngày. Nhưng cũng có những bạn tham vọng hơn và mong muốn được phát triển tốt hơn.
Haley biết có những bạn sang Malaysia bắt đầu với công việc Kiểm duyệt nội dung để thả lỏng, nhưng sau một hoặc vài năm sinh sống và tìm hiểu, các bạn ấy tìm được công việc khác có mức lương tốt hơn, có thể là tự tìm tòi và dấn thân vào lĩnh vực mới hoặc quay lại công việc đã có background ở Việt nam. Dĩ nhiên là các công việc có thể áp dụng background ở Việt Nam hoặc và dành cho người Việt cũng không quá đa dạng, có thể kể đến Sale, Logistic, Kế toán kiểm toán, Nhân sự, IT, Chăm sóc khách hàng, v…v… (nhưng có thể nói là vẫn đa dạng hơn so với một số nước khác trong khu vực)
Và dĩ nhiên vẫn có những bạn theo ngành lâu dài, nhưng đây cũng chỉ là thiểu số. Các bạn ấy sẽ lên dần các vị trí cao hơn (SME, QA, Teamlead, v…v…), tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, trau dồi thêm nhiều nhóm kĩ năng và có mức lương tốt hơn, con đường sự nghiệp cũng rộng mở hơn không chỉ trong ngành mà còn ngoài ngành. “Rộng mở hơn ngoài ngành” ở đây Haley đang so sánh với những bạn chỉ làm xoay quanh Kiểm duyệt viên như mình. Vì nếu bạn trang bị thêm các nhóm kĩ năng khác (quản lý con người, quản lí dự án) thì dễ tìm việc làm mới hơn là chỉ có Kiểm duyệt nội dung.
Nên Haley nghĩ khi bắt đầu công việc Kiểm duyệt nội dung, bạn có thể không cần quá đặt nặng về career path. Vì đôi khi dấn thân vào, trải nghiệm qua công việc và cuộc sống mới, bạn sẽ tìm tòi được thêm những hướng đi khác ngoài ngành.
Chưa kể, một số dự án ngắn hạn và khá bấp bênh. Cũng như khi những đợt thay máu hoặc cắt giảm nhân sự diễn ra, những người giỏi nhất hoặc nỗ lực nhất vẫn hoàn toàn có thể bị thay thế. Vì vốn dĩ đây là công việc đào thải nhanh và dễ đào tạo cho người mới.
Khi lên vị trí cao hơn, các công ty còn có xu hướng ưu tiên lao động bản địa hơn lao động nước ngoài, cơ hội vì thế mà thu hẹp hơn.
Lời khuyên của Haley dành cho những bạn muốn tiến xa hơn trong ngành chỉ có thể là: cho bản thân một khoảng thời gian nhất định để trải nghiệm công việc, vừa nỗ lực lên cấp bậc mới vừa có kế hoạch dự phòng. Đừng dồn tâm sức vào một chỗ vì nhiều thứ có thể xảy đến ngoài sự kiểm soát của bạn. Không hi vọng thì sẽ không thất vọng. Nếu sau đó nhận thấy không khả quan thì hãy cam đảm và dứt khoát dừng lại.
Haley có thấy một bài viết ẩn danh trên một nhóm cộng đồng ở Malaysia nên mình chia sẻ lại bên dưới. Nội dung khá chi tiết về hướng phát triển sự nghiệp của ngành nghề này. Haley copy lại nội dung về máy, những ngày sau tìm lại bài viết theo từ khóa thì không thấy và Haley cũng không nhớ là ở nhóm nào. Nếu bạn nào chủ nhân của đoạn chia sẻ này nhắn cho Haley qua Facebook để mình bổ sung nguồn với nhé.
Nội dung dưới đây của bạn ẩn danh đơn thuần chỉ viết về mặt tốt của hướng phát triển sự nghiệp trong ngành. Bạn chỉ nên đọc tham khảo để có thêm thông tin.
“Nội dung kiểm duyệt của một nền tảng digital thường có các mảng chính:
- Trust & Safety – duyệt nội dung do người dùng đăng tải UGC (user generated content)
- Monetization – duyệt bài đăng quảng cáo
- Commerce – duyệt nội dung liên quan đến thương mại điện tử của nền tảng
Về career path cho cả team In-house hay là BPO, tùy định hướng mỗi người mà có thể đi từ:
- Team management: Agent -> SME -> TL -> OM
- Quality Audit: Agent -> QA -> QA Lead
- Training: Agent -> Trainer -> Training TL
- Policy: Agent/QA/Trainer -> Policy Specialist -> Policy Lead
(POV: Agent có thể hiểu là Kiểm duyệt viên)
Với những ai làm BPO từ trước, đã có sẵn kinh nghiệm về kiểm duyệt, đây cũng là lợi thế nếu bạn có dự định ứng tuyển qua team In-house – làm trực tiếp cho big tech, phúc lợi tốt hơn và cũng nhiều cơ hội phát triển hơn. Ngoài những vị trí thường gặp như Agent/QA/Trainer/SME/TL, sẽ có nhiều mảng hơn liên quan đến Kiểm duyệt nội dung mà bạn có thể khám phá khi vào môi trường In-house:
- Policymaking: chuyển từ người Kiểm duyệt nội dung (CM agent/Trainer/QA – follow available policy to review content) sang người làm chính sách Kiểm duyệt nội dung (policymaker), không chỉ có nguyên tắc của nền tảng, policymaker còn cần nắm rõ luật nước sở tại để làm việc dc với government và stakeholders, đảm bảo chính sách kiểm duyệt của nền tảng đưa ra tuân thủ đúng iu cầu pháp luật của nước đó.
- Project/Program Management: quản lý các dự án về chính sách kiểm duyệt nội dung theo chủ đề (vd: child safety, etc.)
- Vendor Management: quản lý performance của BPO vendors – là các cty MNC nhận thầu quy trình kiểm duyệt nội dung cho nền tảng.
- Model Automation: team hỗ trợ đẩy nhanh qui trình kiểm duyệt mass data bằng AI system.
Risk Investigation, Complaints/Crisis/PR Response, v…v…
Mọi người cũng có thể search thêm các vị trí tại Meta Careers, TT Career, Twitter Career, YT Careers, v…v… và các LinkedIn profiles liên quan có làm về mảng chính sách/dự án kiểm duyệt nội dung tại big tech để tham khảo.
Nói tóm lại là vào In-house sẽ có nhiều vị trí thuộc các bộ phận khác nhau cần đến background về kiểm duyệt nội dung.
Nên nhìn rộng ra, vị trí kiểm duyệt nội dung vẫn có thể phát triển theo nhiều hướng nhiều mảng khác nhau nếu bạn thực sự có hứng thú chứ không đến nỗi không có gì để phát triển được.”
Haley nghĩ gì về công việc Kiểm duyệt nội dung?
Như mở đầu Haley đã đề cập, ban đầu bản thân mình cảm thấy công việc khá thú vị và phù hợp dành cho người hướng nội.
Nhưng không có gì hoàn hảo, sẽ có sự đánh đổi.
Cả ngày công việc của mình chỉ xoay quanh màn hình máy tính, nội dung công việc đã hơi nhàm chán mà nếu vào dự án quản lí quá chặt hoặc quá khó thì phải nói tâm trí Haley cực kì mệt mỏi. Cảm giác mệt mỏi không phải do suy nghĩ quá nhiều mà do phải ngồi làm việc liên tục, lặp đi lặp lại và tạo ra sự tê liệt trong não bộ.
Có thể là bản thân Haley không quá phù hợp với công việc này như mình nghĩ cũng nên.
Như hồi Haley làm trong dự án sensitive thì còn được ưu tiên phân bổ thời gian chơi game và giao lưu nhiều, còn sang các dự án khác thì ít hơn. Những lúc làm ở nhà nữa thì đúng nghĩa chỉ có mình và chiếc máy tính vô hồn, thi thoảng sẽ có họp hành trao đổi với mọi người mà thôi.
Bù lại thì được hết giờ hết việc. Haley ngay từ đầu không xác định sẽ phát triển trong ngành nên mình cũng không ép bản thân. Như vậy Haley sẽ dành được nhiều năng lượng cho những việc khác.
Công việc chính đã hơi đơn điệu rồi, nên ngoài giờ làm việc bắt buộc Haley phải tìm niềm vui riêng để cân bằng lại, như là làm nội dung, viết blog, thỉnh thoảng đi chơi, đi du lịch. Vì Haley cũng xác định ngay từ đầu đây là công việc mình làm tạm thời trong khoảng thời gian chữa lành cho bản thân, tích lũy tiền tiết kiệm và tìm hiểu định hướng rõ ràng hơn ở chặng đường tiếp theo, Haley muốn công việc là đòn bẩy cho mình chứ không phải cái bẫy để chôn vùi thanh xuân.
Haley dù hướng nội nhưng bản thân mình vẫn khao khát trải nghiệm, tìm hiểu chính mình và những thế mạnh của mình. Chỉ là Haley không thể tìm thấy những điều đó qua công việc Kiểm duyệt nội dung hay hướng phát triển sự nghiệp của ngành.
Không chỉ làm Kiểm duyệt nội dung nói riêng mà các công việc văn phòng ở Malaysia nói chung, ngoại trừ những bạn có kế hoạch lâu dài thì đa phần sang đây làm vì những mục tiêu ngắn hạn. Có bạn sang để trải nghiệm, có bạn sang làm kiếm tiền để phục vụ mục tiêu khác (du học, kinh doanh, v…v…) hoặc làm tới đâu hay tới đó.
Dù là mục tiêu nào đi chăng nữa, Haley vẫn mong muốn nhắc lại những điều này:
Hãy cho bản thân một khoảng thời gian nhất định để trải nghiệm công việc và nên có kế hoạch dự phòng, trang bị thêm kiến thức sống, trải nghiệm sống, mở rộng mối quan hệ, trau dồi hoặc học thêm kĩ năng/chuyên môn nào đó. Mọi thứ đều có thể xảy đến ngoài sự kiểm soát của bạn.
Trao cho mình cơ hội trải nghiệm thì cũng nên cho mình cả cơ hội quay đầu. Nếu sau đó nhận thấy mọi thứ không khả quan thì hãy cam đảm và dứt khoát dừng lại, chuyển hướng. Thường thì qua 1-2 năm đầu tiên là có thể biết bạn nên làm gì tiếp theo.
Chỉ trừ những dự án quá khó thì làm Kiểm duyệt nội dung nhìn chung tương đối nhẹ nhàng. Haley biết có những trường hợp đã ổn định cuộc sống riêng, có nghề tay trái nên việc gắn bó với một công việc không đòi hỏi chuyên môn và nhàm chán trong nhiều năm không phải là vấn đề. Nhưng nếu trong trường hợp bạn còn đang trong giai đoạn phát triển bản thân và sự nghiệp, hãy tỉnh táo và hiểu rõ mình muốn gì. Công việc Kiểm duyệt nội dung có thể là đòn bẩy hoặc có thể là cái bẫy êm ái cho bạn.
Bạn có thể theo dõi những nội dung khác của Haley tại các kênh Facebook, TikTok và Youtube.
Nếu bạn cảm thấy bài viết/ trang blog hữu ích và muốn mời mình một ly cafe, hãy bấm vào ảnh bên dưới nhé:
Bài viết tiếp theo mình sẽ nói rõ hơn về tính 2 mặt của công việc này. Hi vọng nội dung hôm nay giải đáp phần nào cho bạn thắc mắc về Kiểm duyệt nội dung cũng như một số hướng phát triển trong ngành.
Mến chào,
Little Haley
09/08/2023, Kuala Lumpur
Bài của Hà đưa ra khá nhiều thông tin cho người chưa có am hiểu về lĩnh vực này, thanks Hà
Ôi giở mình mới thấy mục duyệt bình luận. Hà cảm ơn nhiều nha ^^