Trải nghiệm tham dự Thaipusam là một trong những kỉ niệm khó quên của Haley. Đây là lễ hội Hindu giáo có yếu tố rùng rợn thu hút cực kì đông đảo các tín đồ hội tụ về tham dự. Haley đã ghi lại một số khoảnh khắc thú vị trong sự kiện này được tổ chức tại Batu Cave, Malaysia.
Bạn có thể xem thêm video ở đây:
1. Lễ hội Thaipusam là gì?
Thaipusam, hay còn được viết Thai Poosam, là đại lễ Hindu được tổ chức vào ngày 15/10 theo lịch Tamil sự kiện được diễn ra trong nhiều ngày và thu hút nhiều tín đồ tham dự.
Đây cũng là dịp tín đồ Hindu bày tỏ sự tôn thờ dành cho một trong những vị thần tối cao của họ – thần Murugan, con trai của Shiva. Các tín đồ sẽ có những màn hành xác để minh chứng sự trong sạch, đức hạnh, và rửa tội.
Thaipusam thu hút con tim yếu mềm của Haley bằng những từ khóa: top lễ hội đáng sợ nhất, hoang dại nhất, đứng tim, rùng rợn, …. vì các tín đồ sẽ có những màn hành xác để minh chứng sự trong sạch, đức hạnh, và rửa tội.
Một phần Thaipusam là sự kiện văn hóa khá kén khách du lịch, một phần thời điểm lúc đó đang là đầu năm 2020 – trước thềm đại dịch covid-19 (dù chưa bùng ở Malaysia) nên có rất ít du khách tại đây. Ngoài Haley ra, số người nước ngoài mà mình bắt gặp được chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay trong biển người đông đúc ngày hôm đó.
Có thể nói Thaipusam không phải là lễ hội dành cho người hướng nội vì đông nghẹt người, tiếng nhạc, tiếng hò vang cổ vũ, âm thanh công suất lớn giã liên tục. Nhưng đây là một sự kiện vô cùng thú vị đấy.
2. Trải nghiệm lễ hội Thaipusam
Đối với lễ hội Thaipusam tại Kuala Lumpur, Malaysia thì đoàn diễu hành sẽ kéo dài từ China Town hướng về Batu Cave (động Batu)
Batu Cave cách không xa trung tâm thủ đô Kuala Lumpur. Bạn có thể di chuyển bằng xe hơi, nếu muốn tiết kiệm phi phí thì đi tàu KTM đến trạm Batu Cave rồi đi bộ tiếp một đoạn ngắn.
Khu nhà Haley ở có nhiều người Ấn, còn có cả một đền thờ Hindu giáo nữa. Nên lúc ra trạm tàu KTM gần nhà, Haley đã thấy khá đông so với bình thường, mọi người chờ tàu để di chuyến đến Batu Cave. Khi Haley chuyển trạm ở KL Sentral, dòng người tại đó còn đông hơn như thế cả chục lần.


Trên đường từ trạm KTM vào Batu Cave là rải rác những gian hàng bán đồ ăn, thức uống. Có những chiếc ghế được xếp cho các tín đồ cạo trọc đầu và thoa lớp sơn vàng để chuẩn bị cho buổi lễ. Haley có ghé vào một quầy vẽ Henna – một loại hình nghệ thuật trang trí tay và chân bằng một loại bột được làm từ lá cây Henna. Người Ấn gọi Henna là “Menhadee”



Đoàn diễu hành từ China Town hướng về Batu Cave để hành hương bằng chân trần, hai địa điểm này cách nhau khoảng 15km.

Không chỉ hành hương trên một hành trình dài, mà cứ đi một đoạn ngắn thì những tín đồ sẽ dừng lại để nhảy múa điệu Kavadi Attam, trên người là sức nặng của “Kavadi.” Nam giới thường mang Kavadi to được trang trí sặc sỡ. Còn nữ giới thường mang Kavadi nhỏ trên đầu (bình sữa.) Xung quanh là tiếng nhạc và tiếng hò reo cổ vũ liên hồi của đám đông như tiếp thêm sức mạnh cho đoàn người.




Rất dễ để bắt gặp một tín đồ nào đó bị đuối và phải tạm dừng lại. Ngay lập tức họ sẽ được nhóm đi theo hỗ trợ gồm gia đình và bạn bè tiếp nước, đưa ghế ngồi, bóp chân. Lúc này Haley bắt đầu hình dung được sức nặng của Kavadi, sự mất sức của điệu nhảy Kavadi Attam và cả quãng đường diễu hành xa xôi bằng chân trần trước đó.







Haley “trôi” theo dòng người tiến đến 272 bậc thang đầy sắc màu để lên động. Tuy nhìn rất đông, nhưng chỉ lưu thông chậm chứ không đến nỗi tắc, lên động đi bên trái, xuống động đi bên phải.

Thỉnh thoảng Haley bắt gặp những người diễu hành cạn sức, tiếng reo hò sẽ tạm ngưng một lúc cho đến khi họ đứng vững hơn và có thể tiếp tục.


Vào động sau chặng đường diễu hành vất vả, Haley thấy có những người như sắp ngất được kéo vào bên lề, có người nhễ nhại nước dãi, có người thấy cả dòng đỏ tươi từ miệng chảy ướt cằm. Haley đã không chụp hình lại vì nghĩ là không nên. Haley cảm thấy nể họ kinh khủng, rất sùng đạo, chịu đau và chịu hành xác để thể hiện đức tin của mình.




Haley cũng theo mọi người bỏ vào RM1

Già trẻ lớn bé xếp hàng để thực hiện một loại nghi lễ. Haley đoán là họ đang cầu nguyện.

Haley để ý có nhiều người ngậm mảnh kim loại nhưng không để ý lắm, cứ nghĩ là ngậm thôi cho tới khi thấy chú này cẩn thận rút nó ra từ miệng một chị tín đồ. Góc nghiêng nên không thấy rõ nhưng 99% là thanh kim loại đó đã được xuyên qua lưỡi trước đó rồi.

Lúc Haley quay trở về, nhìn xuống dưới thì đã phủ kín người. Dưới chân động là một trong các trạm dừng để người diễu hành nhảy múa. Những người diễu hành sau khi đã đi lên động và quay trở xuống, họ vẫn tiếp tục nảy Kavadi Atam nếu vẫn còn sức như anh chàng ở hình dưới.


Trạm KTM Batu Cave lúc này được rào cẩn thận, phía trong đã đủ người chờ chuyến tàu tiếp theo nên bảo vệ tạm thời chặn lại. Haley phải chật vật một lúc mới qua được trạm soát vé, giữa đường ray và hàng chờ cũng được rào lại thay vì để trống như bình thường để tránh nguy hiểm.


Có thể nói những gì Haley chứng kiến ở lễ hội này là khá nhẹ nhàng so với những gì được đăng tải trên internet. Mặc dù cũng có những cảnh hơi rợn người nhưng không nhiều màn lễ hành xác, cũng không có nhiều thủ tục ghê rợn như Haley nghĩ. Có thể những cảnh đó đã được thực hiện ở thời điểm khác trước khi Haley tới, hoặc ở địa điểm khác chứ không phải Batu Cave.
Nhưng Thaipusam vẫn là một trải nghiệm vô cùng đáng nhớ và để lại ấn tượng trong lòng Haley, cũng là một trong những sự kiện cuối mình được tham dự trước khi Malaysia bùng dịch và trải qua các giai đoạn phong tỏa đầy biến động.
Một số cảnh quan lễ hội được ghi lại trong các video Youtube và video TikTok của mình. Nếu có dịp đến Malaysia vào dịp lễ Thaipusam, bạn đừng quên trải nghiệm lễ hội Hindu giáo đặc sắc này nha.
Nếu bạn cảm thấy bài viết/ trang blog hữu ích và muốn mời mình một ly cafe, hãy bấm vào ảnh bên dưới nhé:
Bạn có thể theo dõi những nội dung khác của Haley tại các kênh Facebook, TikTok và Youtube.
Mến chào,
Little Haley
Kỉ niệm 08/02/2020, Kuala Lumpur