Những câu hỏi làm chúng ta băn khoăn nhất khi rời xa quê hương để bắt đầu cuộc sống mới tại Malaysia chính là: lương liệu đủ sống và có khoản dư không? Thuế được tính như thế nào? Mọi người còn hay nhắc đến EPF, vậy nó là gì, có cần thiết để tham gia không?
Lương ở Malaysia
(Bài viết được cập nhật ngày 11/10/2023)
Nội dung này nằm trong chuỗi bài nhằm cung cấp cho bạn thông tin chi tiết, đầy đủ để có thể tìm việc văn phòng cũng như hiểu thêm về cuộc sống tại Malaysia.
Có rất nhiều yếu tố để xem xét mức lương và thu nhập công ty đưa ra có hấp dẫn hay không. Bạn nào đã quen với đơn vị tiền tệ RM hoặc quen đọc các khoản lương, phụ cấp, v…v… khi nhìn vào mức đề nghị (offer) của công ty rất dễ nhận biết offer đó có ổn hay không.
Nhưng với những bạn mới có thể sẽ cảm thấy mơ hồ. Cách đơn giản là bạn chỉ cần nhìn vào số tổng (Gross Salary) mà công ty đưa ra.
Ví dụ: Lương hàng tháng nhận RM4500, trong đó lương cơ bản RM4000 và RM500 phụ cấp ngôn ngữ.
Phụ cấp ca đêm RM20/ngày, phụ cấp tăng ca: nhân hệ số 1.2, làm lễ: nhân hệ số 2, hoa hồng doanh thu 500RM
-> Bạn nhìn vào con số tổng RM4500trước (Gross Salary) để xác định được lương nhận cố định hàng tháng. Các khoản còn lại là thu nhập thêm và có thể dao động. Để đi vào chi tiết hơn thì bạn xem nội dung bên dưới nhé.
Bài 4 Haley đã chia sẻ chi tiết về cách thỏa thuận lương cho người mới.
Một số khái niệm về lương và thu nhập
Để thu hút tuyển dụng, bên cạnh lương thì các công ty sẽ kèm theo các phúc lợi như tiền hoa hồng, tiền phụ cấp. Bạn nên hiểu rõ các khái niệm để đọc và hiểu mức lương công ty đưa ra có tốt không. Bài viết này được soạn theo cách hiểu và diễn giải của Haley. Bạn chỉ nên tham khảo thôi nhé. Chúng ta cùng bắt đầu nào.
Gross Salary = Basic Salary + Fixed Allowance (nếu có) |
- Gross Salary: lương cố định
Lương công ty đề xuất cho bạn là chính là Gross Salary, chưa trừ thuế và một số khoản khác.
(Khác với Net salary: lương thực nhận sau khi trừ thuế và một số khoản khác)
- Basic Salary: lương cơ bản
- Fixed Allowance: phụ cấp nhận cố định hàng tháng
Phụ cấp cố định thì bạn sẽ được nhận hàng tháng bên cạnh phần lương cơ bản. Chẳng hạn:
– Language Allowance: phụ cấp ngôn ngữ
– Accommodation Allowance: phụ cấp nhà ở
– Meal Allowance: phụ cấp bữa ăn
v…v…
Ví dụ: công ty X đề xuất mức lương cho bạn RM4500. Khoản này sẽ bao gồm lương cơ bản + các phụ cấp (nếu có), chưa trừ thuế. RM4500 là Gross Salary cố định hàng tháng.
Income = Gross Salary + Other Allowance/Benefits (nếu có) + Incentive (nếu có) |
- Income: thu nhập
Bên cạnh nhận mức lương cố định (Gross Salary), cách nhân viên tăng mức thu nhập là làm tăng ca, làm ca đêm, làm ngày lễ, đạt hoa hồng, đạt thưởng, v…v…
- Other Allowance/Benefits: các phụ cấp/ quyền lợi khác
Haley không bỏ mục này vào trong Fixed Allowance của Gross Salary vì nó không phải là lương, thường sẽ là quyền lợi nhận thêm, hoặc là những khoản không cố định được nhận hàng tháng kèm theo điều kiện. Ví dụ:
– Night shift Allowance: phụ cấp làm ca đêm (bạn làm ca đêm, tổn hao sức khỏe thì mới được nhận)
– OT (Overtime): nhân hệ số lương theo giờ khi tăng ca/overtime
– PH (Public Holiday): nhân hệ số lương theo ngày khi làm ngày lễ
v…v…
- Incentive: hoa hồng
Thường các vị trí liên quan đến Sale hoặc CSKH sẽ có khoản này khi bạn đạt KPI cấp trên đưa ra.
Thế nào là mức lương và thu nhập ổn?
Về con số cụ thể thì Haley sẽ giải thích rõ hơn ở mục 4.1 Lương khởi điểm
Còn bây giờ, chúng ta quay lại công thức ban đầu nhé:
Gross salary = Basic Salary + Fixed Allowance |
Nếu bạn chưa quen thì có thể cảm thấy hơi phức tạp. Dễ nhất là chỉ cần tập trung vào con số Gross Salary mà công ty đưa ra. Nếu Gross Salary càng cao thì nhân viên càng có lợi, điều này quá rõ ràng. Bạn chưa cần phải quan tâm trong mức lương đó gồm phúc lợi gì hay không.
Nếu chi tiết hơn, bạn có thể tách chúng ra và lưu tâm về Basic Salary. Vì khi bạn làm tăng ca, làm ngày lễ, hay được tăng lương định kì thì sẽ được nhân hệ số với Basic Salary chứ không phải Gross Salary.
- Ví dụ:
Công ty X đề xuất mức lương là RM4500 = 3500 Basic Salary + 500 Language Allowance + 500 Meal Allowance.
Công ty Y đề xuất mức lương RM4500 = 4000 Basic Salary + 500 Language Allowance.
Gross Salary bằng nhau, nhưng Basic Salary của Y cao hơn X, nên chia ra lương cơ bản mỗi ngày công của Y cũng cao hơn. Trong trường hợp cả 2 công ty cho nhân viên làm lễ lương x2, bạn làm công ty Y sẽ có lợi hơn.
Vậy nên các công ty thường chia Gross Salary ra làm nhiều phần và Basic Salary chỉ chiếm % nhất định chứ không phải tất cả. Fixed Allowance có thể hiểu đơn giản là để lấp đầy % còn lại. Chúng ta là người nước ngoài nên có thể lương cao hơn so với nhân viên bản địa cùng vị trí, và cách phổ biến để công ty đưa được mức lương tốt hơn là chèn thêm Language Allowance.
Đó là lí do mỗi công ty có những loại phụ cấp khác nhau trong cách tính lương chứ không hoàn toàn giống nhau. Như vậy bạn sẽ được đảm bảo mức lương tổng ở mức tốt và công ty cũng không bị đội chi phí.
Bạn của Haley làm một công ty nọ, mỗi ngày làm việc bạn ấy được cấp voucher RM50 để đặt thức ăn qua ứng dụng Grab. Như vậy, voucher Grab trong trường hợp này là khoản trợ cấp riêng, nằm ở mục Other Allowance/Benefits và không ảnh hưởng đến Basic Salary và Gross Salary. Dĩ nhiên là có rất ít công ty có phúc lợi cực tốt như thế. Đa phần sẽ tính Meal Allowance vào trong Gross Salary và Basic Salary bị giảm xuống.
Liệu có công ty nào Basic Salary chiếm 100% offer không? Có. Haley từng biết dự án có Gross Salary = Basic Salary = RM5000, không chèn phụ cấp gì trong đó. Sau khi nghe mọi người giải thích thì Haley mới hiểu mức lương này rất có lợi cho nhân viên.
Bởi vì Fixed Allowance nằm trong lương nhận hàng tháng luôn rồi, nên Haley sẽ không đề cập thêm nữa, Fixed Allowance không giúp thu nhập bạn tăng lên.
Income = Gross Salary + Other Allowance/Benefits (nếu có) + Incentive (nếu có) |
Bạn đừng lẫn lộn giữa Fixed Allowance và Other Allowance/ Benefits. Một bên là đã nằm trong lương nhận hàng tháng (Gross Salary), còn một bên là thu nhập thêm/ quyền lợi thêm tương tự như chiếc voucher đặt đồ ăn RM50/ngày làm việc mà Haley vừa đề cập.
Nên sau khi cân nhắc về Gross Salary và xác định xem lương tổng có ổn không, bạn hẵng phân tích tiếp về Other Allowance/Benefits nhé.
Với các công việc liên quan đến Sale và CSKH thường sẽ có thêm Incentive (hoa hồng) nữa. Tuy nhiên, bạn nên tỉnh táo và tập trung vào Gross Salary trước đã. Hãy tự đặt câu hỏi: nếu tháng đó mình không đạt hoa hồng thì Gross Salary có phải là mức lương ổn không?
Một người bạn của Haley đặt kì vọng mức lương RM5000, khi công ty đưa offer là RM4300 kèm hoa hồng RM700, bạn mình đã chấp nhận offer đó. Haley không nhớ con số chính xác nhưng đại loại là như vậy. Kết quả là dự án rất nặng và rất khó đạt hoa hồng, bạn của Haley đã thất vọng và chuyển việc sau đó.
Vậy điều bạn nên ưu tiên trước vẫn là Gross Salary. Thường thì lương tổng mà ổn thì bạn cũng không cần thiết đặt nặng Basic Salary quá làm gì, chỉ là nếu nó chiếm % cao thì sẽ càng tốt. Sau đó bạn mới xét đến các phụ cấp khác.
- Ví dụ: công ty Z có mức lương thấp hơn so với mặt bằng chung, nhưng đổi lại phụ cấp ca đêm rất cao, gấp mấy lần thông thường. Trong trường hợp bạn chấp nhận làm ca đêm, dĩ nhiên công ty này sẽ có mức thu nhập hấp dẫn hơn hẳn. Nhưng điều bạn cần lưu ý: dự án bạn sẽ làm có ca đêm không? Nếu bạn vào công ty Z vì phụ cấp ca đếm hấp dẫn nhưng kết quả dự án của bạn không làm ca đêm thì lại bất ổn.
Ngoài con số công ty đưa ra, lương và thu nhập có tốt không còn phải dựa vào khối lượng công việc của bạn, yêu cầu của dự án, chính sách phúc lợi của công ty nói chung và từng dự án nói riêng, phụ thuộc vào sếp và đồng nghiệp có tốt không, môi trường làm việc tốt không. Những điều này bạn phải trải nghiệm rồi mới có đáp án chính xác. Nên thông thường mọi người sẽ luôn mong muốn chọn mức lương tốt ngay từ đầu.
Tiền đặt cọc (tiền bond)
Một số công ty không có khoản tiền này, tức là dù bạn đơn phương nghỉ việc trước hợp đồng hay không cũng không ảnh hưởng gì cả, miễn là đảm bảo thời gian báo nghỉ theo yêu cầu.
Một số công ty có ràng buộc tiền bond là chi phí ban đầu để tuyển bạn sang: làm visa Employment Pass (EP), vé máy bay, chi phí khách sạn tháng đầu, v…v… Nếu bạn đơn phương nghỉ trước hợp đồng hoặc trước khoảng thời gian công ty quy định thì phải trả lại toàn bộ hoặc một phần chi phí đó.
Vì tuyển người nước ngoài sang Malaysia khá tốn thời gian và tiền bạc, nên tiền bond không phải là một điều khoản hiếm gặp. Bạn tự cân nhắc trước khi đầu quân vào một công ty nào đó.
Thường khi bạn làm hết hợp đồng cũ và gia hạn hợp đồng mới thì điều khoản hợp đồng mới không còn ràng buộc tiền bond nữa.
Có công ty chỉ lấy tiền bond làm visa khoảng RM3000,
Có công ty cộng lại các khoản và tiền bond lên đến RM10000. Bạn nên hỏi kĩ về điều khoản này trước khi kí hợp đồng nếu thấy đề cập đến nhé.
Môt số công ty khi cần tuyển người mới sẽ chấp nhận chi trả cho bạn tiền Bond với công ty cũ. Thuật ngữ là “Buyout money”, tạm hiểu là tiền chuộc người. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa khoản bond khả năng cao sẽ được chuyển sang công ty mới.
Nếu vì lí do gì đó bạn nghỉ ngang công ty X và vướng tiền bond rồi được công ty Y chuộc, hãy cố gắng hoàn thành hợp đồng với công ty Y để chấm dứt khoản tiền đó, vì bạn chẳng thể biết được khi bạn lại muốn rời đi thì công ty Z tiếp theo nữa có chấp nhận trả bond cho bạn hay không, nếu không thì cũng quay lại việc bạn phải tự trả cho công ty Y thôi.
Thuế ở Malaysia
Cách tính thuế
Bạn có thể tham khảo cách tính thuế ở Malaysia tại trang này:
https://taxsummaries.pwc.com/malaysia/individual/taxes-on-personal-income
Ví dụ: thu nhập hàng tháng của một bạn ở Malaysia là RM4000, một năm tạm tính là RM48000
-> RM34999 đầu tiên đóng thuế 3%
-> Số tiền còn lại (RM48000-RM34999) = RM13001 sẽ đóng thuế 6%
Theo Haley thì mức thuế đóng ở Malaysia khá nhẹ nhàng, không quá cao. Trong thời gian ở Malaysia, có những mặt hàng/ dịch vụ nếu bạn giữ hóa đơn sẽ được khấu trừ thuế, phần này bạn tự tìm hiểu thêm nhé.
Thuế resident, non-resident và những điều cần lưu ý
Bạn lưu ý, bảng thuế mục trên là thuế dành cho Resident (thường trú)
6 tháng đầu trong năm đầu tiên làm việc ở Malaysia (chính xác là 182 ngày), bạn thuộc diện Non-resident (tạm trú).
Thuế dành cho Non-resident là 30%. Nhưng bạn sẽ không mất khoản này (với điều kiện kèm theo), an tâm nhé.
Sau 182 ngày, bạn sẽ được tính thuế theo diện Resident (thường trú) và đóng thuế theo từng khung lương như bảng trên. Thêm tin vui là khi tới kì khai thuế hàng năm, bạn sẽ được hoàn lại số thuế đã đóng dư khi còn là Non-resident. Ví dụ lẽ ra với mức thu nhập vào thời gian đó của bạn chỉ cần đóng thuế 3% thôi, thì bên thuế sẽ hoàn lại cho bạn 27%.
Điều kiện để trở thành Resident:
- Trong 182 ngày đầu tiên, bạn không ra khỏi Malaysia quá 14 ngày
- 182 ngày đó phải là trọn vẹn trong 1 năm
Trong trường hợp bạn ở Malaysia làm từ tháng 10/2023 thì tháng 10,11,12 không đủ 182 ngày. Sang năm 2024, bạn phải làm 182 ngày đóng thuế 30% lại từ đầu. Khi chuyển sang Resident rồi, tới đợt khai thuế bạn vẫn sẽ được nhận lại thuế đã đóng dư trong 30% từ tháng 10/2023 đến tháng 6/2024. Và theo Haley hiểu: từ tháng 10/2023 đến hết tháng 6/2024, bạn không được ra khỏi Malaysia quá 14 ngày để liên kết 2 khoảng thời gian đó lại làm một, chứ không chỉ là 182 ngày của 2024 nữa. Bạn nào rơi vào trường hợp tương tự như vậy thì nên kiểm tra lại cho chính xác nhé.
Thuế Non-resident hơi bất tiện nhưng mà xem như đó là khoản tiền nhà nước giữ giúp rồi sẽ trả lại.
Ngày trước Haley không biết thuế 30%, vì 4 năm trước khái niệm đi làm văn phòng ở Malaysia còn lạ lẫm và ít thông tin. Haley không biết bản thân có phù hợp làm lâu dài hay không, còn nghĩ rằng sang Malaysia làm nếu vài tháng mà không ổn lắm thì về. Đây là suy nghĩ sai lầm.
Khi đã sang đây làm thì bạn hãy xác định cố gắng gắn bó ít nhất 6 tháng đến 1 năm nhé. Không chỉ là thời gian công sức mình chuyển qua nước ngoài sinh sống, làm việc mà còn liên quan đến tiền thuế nữa. Bạn cũng cần lưu ý thêm: nhảy việc ở Malaysia khá phức tạp nên hãy cố gắng ổn định công việc trong 1 năm đầu tiên.
Lưu ý: những gì Haley viết là dựa vào hiểu biết cá nhân và mình diễn đạt tương đối khái quát, bạn chỉ nên đọc tham khảo. Vì phần thuế rất quan trọng, và đôi khi là tùy từng trường hợp nữa (case by case). Khi cần tham vấn thông tin, bạn hãy trao đổi với HR, hỏi ý kiến từ các đồng nghiệp và cộng đồng người Việt, liên hệ Sở Thuế để có thông tin chính xác nhất. Thậm chí, Haley còn không dám đảm bảo 100% nhân viên sở Thuế cho bạn đáp án chính xác, vì không phải ai cũng nắm tường tận quy trình của lao động người nước ngoài và còn case by case, nên hãy hỏi thăm từ nhiều nguồn.
Trong trường hợp bạn không đủ điều kiện chuyển sang Resident thì có bị mất 30% thuế không? Sẽ bị mất nhé. Nhưng nếu vì lí do bất đắc dĩ, chẳng hạn sập dự án và công ty không tìm được dự án khác thay thế, hoặc bạn nằm trong danh sách cắt giảm nhân sự; thì bạn có thể xin công ty tờ giấy xác nhận (hoặc có thể không), lên Sở Thuế trình bày để lấy lại thuế 30% dù không ở đủ 182 ngày. Còn trong trường hợp bạn bất cẩn, ra khỏi Malaysia quá 14 ngày thì chắc chắn mất tiền thuế.
EPF ở Malaysia
EPF là gì? Lợi ích của EPF
EPF là một dạng phúc lợi xã hội ở Malaysia.
EPF = Employees’ Provident Fund (quỹ tiết kiệm của nhân viên.) Trong tiếng Mã được viết tắt là KWSP.
Có 3 lợi ích khi bạn đóng EPF:
- được khấu trừ thuế tối đa RM4000/năm
- có lãi hàng năm ~ 2.5% hoặc hơn
- được rút tiền về
Haley làm rõ thêm ý số 3. Khi đóng EPF, người lao động (NLĐ) trích lương đóng một khoản, công ty trích tiền của công ty thêm một khoản đóng cho NLĐ. Khi rút tiền về, NLĐ sẽ được cả 2 khoản đó.
NLĐ bản địa | NLĐ nước ngoài (không bắt buộc) | |
Mức đóng của NLĐ | ~ 9% lương | ~ 9% lương |
Mức đóng của công ty | ~ 12-13% lương | tối thiểu RM5 |
Thời điểm được rút tiền | Khi về hưu | Khi nghỉ việc và về nước |
Với NLĐ nước ngoài, bạn có quyền đóng EPF hoặc không. Nếu bạn chọn đóng EPF, công ty chỉ có nghĩa vụ phải đóng mức tối thiểu 5RM.
Một số ít công ty có phúc lợi khá tốt dành cho NLĐ nước ngoài thì sẽ đóng ~12-13%, bằng mức đóng cho NLĐ bản địa. Nên EPF có thể xem là một phúc lợi để bạn cân nhắc trong việc chọn công ty,
Có nên đóng EPF không?
Với những công ty đóng EPF cho NLĐ nước ngoài ở mức 12-13% thì bạn nên đóng EPF với những lợi ích mà nó mang lại, vừa được thêm 12-13% lương, vừa có lãi, vừa được khấu trừ thuế.
Với những công ty chỉ đóng mức thấp nhất là 5RM. Câu trả lời của Haley là tùy thuộc vào quyết định mỗi người. Vì ngoài mức công ty đóng cho thì bạn vẫn được nhận lãi khoảng 2.5 % hoặc hơn, còn đươc khấu trừ thuế. Nếu bạn không biết làm gì với khoản tiền dư ra mỗi tháng thì có thể đóng EPF. Có một số bạn đầu tư, kinh doanh thì thường sẽ để tiền đó đầu tư vào việc riêng khi mà lợi ích từ EPF và mức RM5 công ty đóng cho không đáng kể.
Lương khởi điểm và mức sống ở Malaysia
Sau khi có mức lương, thuế và các khoản thu nhập. Chúng ta sẽ cùng tính thử xem lương khởi điểm nên ở mức nào và bạn có đủ chi tiêu và tiết kiệm khi chọn Malaysia làm một điểm đến không nhé.
Lương khởi điểm
Lương đi làm văn phòng ở Malaysia dành cho người mới thì khởi điểm nên là bao nhiêu? Haley sẽ dựa vào Gross Salary.
Nếu đã xem các bài viết trước của Haley thì bạn có thể hình dung công việc dành cho Vietnamese Speaker là như thế nào rồi. Bạn chủ yếu dùng tiếng Việt trong công việc, còn tiếng Anh là để hỗ trợ.
Haley sẽ lấy công việc Kiểm duyệt nội dung (Content Moderator) và Chăm sóc khách hàng (CS) dành cho Vietnamese Speaker ở Kuala Lumpur để làm ví dụ, vì đây là các công việc Haley nắm tương đối rõ nhất. Cũng có thể gọi đây là 2 công việc không cần chuyên môn nhiều, có đầu vào thấp nếu so sánh với những vị trí văn phòng khác. Nên lương khởi điểm của 2 công việc này có thể sẽ thấp hơn so với những vị trí/ cấp bậc khác.
Lương khởi điểm dao động khoảng 900-1000 USD. Trước đây Haley hay tính theo 1000 USD. Nhưng tỉ giá thời gian gần đây bị giảm nên để khách quan, mình sẽ quy đổi 900-1000 USD.
Và để sát hơn với thực tế, Haley sẽ dùng đơn vị tiền tệ Malaysia. Mức lương khởi điểm sẽ từ khoảng RM4200. Để có cuộc sống thoải mái thì đa số bạn bè mình gợi ý mức lương RM4500. Nếu công ty đưa cho bạn offer dưới RM4000 thì hơi thấp.
4 năm về trước, lương khởi điểm đã là RM3500-3800.
Khi dịch covid xảy ra dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động nước ngoài làm những công việc đặc thù như Kiểm duyệt nội dung tiếng Việt, CSKH tiếng Việt. Mức lương khởi điểm được nâng lên RM5000 cho tối thiểu đa số vị trí. Vì thời điểm đó rất khó tuyển người từ Việt Nam. Còn Ở Malaysia, để nhân viên nước ngoài nhảy việc cần đủ 2 điều kiện sau:
- công ty hiện tại chịu cấp giấy Release Letter
- công ty mới phải cho mức lương từ RM5000
Nên rất nhiều bạn thời điểm đó đã nhảy việc để đạt mức lương tốt hơn. Vì sự thật nếu bạn không lên cấp bậc mới thì mức lương tăng hàng năm ở các công ty khá thấp. Cao thì có thể tầm 7-8% mà thôi.
Khi đại dịch qua đi thì xu hướng tuyển dụng ở Malaysia không còn hấp dẫn nữa. Và mức lương đã bị hạ nhiệt. Bây giờ tìm một công việc dành cho người mới với khởi điểm RM5000 khó khăn hơn trước, chưa kể thế giới đang rơi vào suy thoái kinh tế nên tìm việc cũng may rủi nhiều hơn. Nên mặt bằng lương bây giờ dao động RM4200-RM4500.
Với những vị trí cần chuyên môn nhiều hơn, vị trí cấp cao hơn, lương có thể sẽ tốt hơn mà mức Haley đề cập.
Đối với fresher, đúng hơn với những bạn có khởi điểm thấp như Haley thì lương ở Kuala Lumpur khá tốt. Khoảng 6 năm về trước Haley ra trường lương có 5-6 triệu nên khi được nhận mức lương ở Kuala Lumpur, bản thân cảm thấy rất vui vì đạt được thứ có vẻ nằm ngoài tầm với của mình.
Còn đối với những bạn có thu nhập ổn hoặc có đường hướng sự nghiệp rõ ràng ở Việt Nam thì mức lương này có thể không quá hấp dẫn. Haley đã đọc những bình luận trái chiều vì mức lương như vậy là thấp hơn Singapore, hay là có rất nhiều bạn ở Việt Nam cũng kiếm được thậm chí nhiều hơn như thế.
Mỗi người sẽ có khả năng khác nhau, hoàn cảnh khác nhau và có sự lựa chọn/ mục tiêu khác nhau. Không phải ai cũng có phải cũng có khả năng như vậy, nhất là khi Haley đang nói về khởi điểm dành cho người không có chuyên môn và kinh nghiệm.
Và việc bạn có khởi điểm tốt ở Malaysia cũng không đồng nghĩa là sau đó 2, 3 năm bạn vẫn sẽ có mức lương tốt hơn so với những bạn lập nghiệp ở Việt Nam
Haley có biết những bạn sang Malaysia bắt đầu với công việc Kiểm duyệt nội dung, CSKH nhưng sau vài năm sinh sống và tìm hiểu, các bạn ấy tìm được công việc khác có mức lương có thể lên đến RM6000-7000 hoặc thậm chí tốt hơn. Nên tùy thuộc vào việc thời gian đầu ở Malaysia, bạn có định hướng hay chuẩn bị gì cho bản thân mình nữa.
Ngoài Kuala Lumpur, còn có những khu vực khác như Penang, Johor tuyển dụng nhân viên văn phòng người Việt nhưng không nhiều. Mức lương ở những khu vực đó sẽ thấp hơn Kuala Lumpur, bù lại mức sống cũng thấp hơn.
Mức sống
Về mức sống, Haley sẽ lấy Kuala Lumpur làm đại diện để so sánh.
Mức sống ở Kuala Lumpur tính tương đối thì có thể xem là ngang ngửa với Sài Gòn.
Một số khoản có thể phát sinh nhiều hơn so với khi ở Việt Nam:
- tiền đi lại vì bạn sẽ sử dụng phương tiện công cộng và grab khi không có phương tiện cá nhân
- tiền ăn uống nếu thường xuyên ăn ngoài vì không phải món địa phương bình dân nào cũng có thể hợp khẩu vị
Một số khoản có thể ít chi tiêu hơn so với khi ở Việt Nam:
- tiền duy trì các mối quan hệ, ở Malaysia bạn sẽ ít bạn bè hơn và thường mọi người cũng có cuộc sống riêng nên việc đi cafe hay nhậu nhẹt chỉ để xã giao cũng là chuyện ít thấy
- tiền thuê phòng ở Malaysia rẻ hơn
Tiền phòng mặt bằng chung có thể dao động chỉ khoảng RM500 – 1300/ tháng tùy theo loại phòng, (single/middle/master), tùy khu vực và tùy thời điểm thuê. Với mức giá này bạn hoàn toàn có thể thuê phòng trong những căn chung cư mới và hiện đại, có nội thất cơ bản/ đầy đủ, được miễn phí sử dụng tiện ích có sẵn (hồ bơi, phòng gym, sân tập, phòng đọc sách …) Trong khi với mức giá này ở Việt Nam, chỉ có thể thuê phòng ở những căn hộ thông thường/ chung cư nhỏ/ nhà trọ cao cấp.
Ở Malaysia không có hình thức thuê nhà trọ giá rẻ nên muốn tìm phòng thấp hơn RM500 cũng khó. Nếu muốn chi tiêu tiết kiệm hơn thì bạn có thể ở tìm bạn để ở chung phòng, hoặc gom nhóm bạn thuê cả căn, chi phí nhà sẽ giảm đáng kể. Nhưng cũng cần để ý vì bạn bè chơi với nhau hợp không có nghĩa là ở chung cũng hợp. Việc thuê nhà nguyên căn cũng rủi ro hơn trong việc bảo quản nội thất và tiền cọc cả căn nhà cũng cao.
Tiền ăn uống thì cũng sẽ tùy vào sức ăn của bạn và việc bạn siêng nấu ăn hay ăn ngoài nhiều hơn.
Tiết kiệm nhất dĩ nhiên là tự đi chợ nấu ăn. Haley tính trung bình đi chợ thoải mái cho 1 người thì tầm RM150-200/tuần. Nếu bạn chi tiêu khéo một chút, siêng đi chợ địa phương, cửa hàng địa phương hoặc siêu thị giá bình dân thì chi phí có thể rẻ hơn nữa RM100-150.
Vì chi phí sống ở Kuala Lumpur ngang Sài Gòn. Nên mức chi tiêu của bạn nếu bạn ở những thành phố lớn và đắt đỏ tại Việt Nam sẽ thể hiện được bạn có thể tiết kiệm bao nhiêu với mức lương ở Malaysia.
Còn nếu ở Việt Nam bạn đi chợ nấu ăn hàng ngày, thi thoảng ăn ngoài, vui chơi nhưng chi tiêu trong mức vừa phải nhưng khi sang Malaysia bạn phụ thuộc vào việc đi siêu thị lớn (vì tiện lợi chẳng hạn), ít nấu ăn, ăn ngoài nhiều hơn, đi chơi nhiều hơn, có nhu cầu trải nghiệm du lịch nhiều hơn thì chi tiêu bị đội lên là điều chắc chắn.
Nếu mức chi tiêu của bạn vừa phải, không quá tiết kiệm, không quá tiêu xài và địa điểm bạn ở không quá đắt đỏ thì tiền phòng + tiền chợ có thể dao động ~RM1500/tháng.
Mỗi người sẽ có chi phí sống khác nhau, mục tiêu khác nhau nữa. Có bạn biết cách tiết kiệm thì chỉ tốn ~RM1000. Có bạn muốn hưởng thụ cuộc sống nhiều hơn chỉ riêng tiền thuê căn studio thôi đã là ~RM2000 cũng có chứ khoan tính đến chi phí ăn uống.
Phần kết
Dù cho một số công việc tuyển dụng chỉ cần các yêu cầu cơ bản nhưng ở Malaysia, Haley là người nước ngoài.
Mà những nơi nào cần tuyển người nước ngoài yêu cầu bằng cấp học vấn? Các công ty đa quốc gia.
Vậy nên phúc lợi và lương khởi điểm đi làm ở Malaysia cao hơn khi Haley làm ở Việt Nam là chuyện rất dễ hiểu.
Theo quan điểm của Haley lương khởi điểm ở Malaysia khá ổn cho người mới trong khi mức sống không cao. Nếu được bạn nên chọn công ty/ dự án có lương tốt một chút, đừng để bị ép lương trừ khi bạn chắc chắn rằng dự án đó đủ nhẹ nhàng và tương xứng với mức lương đó.
Một số ít công ty có mức đóng EPF cho NLĐ nước ngoài ngang với NLĐ bản địa, nếu công ty chỉ đóng mức tối thiểu RM5 thì bạn nên hoan hỉ chấp nhận vì công ty không sai luật.
Mức thuế ở Malaysia cũng hợp lí, bạn đừng quên lưu ý về thuế dành cho Non-resident trong 182 ngày đầu tiên nhé.
Nếu bạn cảm thấy bài viết/ trang blog hữu ích và muốn mời mình một ly cafe, hãy bấm vào ảnh bên dưới nhé:
Bạn có thể theo dõi những nội dung khác của Haley tại các kênh Facebook, TikTok và Youtube.
Hi vọng qua bài viết này, Haley đã giúp bạn giải đáp phần nào thắc mắc về lương, thuế, EPF và mức sống ở Malaysia.
Mến chào,
Little Haley
19/08/2023, Kuala Lumpur