Có lẽ ít bạn nghi ngờ về sự thiếu tự tin của Haley khi bây giờ thấy những gì mình thể hiện qua cả con chữ và video. Nhưng thời điểm 4 năm về trước, Haley đã gặp rất nhiều trở ngại khi giao tiếp chứ đừng nói là phỏng vấn tiếng Anh để sang Malaysia. Bằng cách nào để vượt qua rào cản đó? Hãy đọc hết bài viết dưới đây nhé, Haley sẽ chia sẻ cho bạn hành trình này.
Ôn phỏng vấn cấp tốc
(Bài viết được cập nhật ngày 11/10/2023)
Với những bạn tự tin với việc phỏng vấn tiếng Anh sẽ có nhiều lợi thế, vì khả năng ngôn ngữ của bạn đã sẵn sàng rồi, chỉ cần rải CV và đón chờ cơ hội đến. Còn với những bạn chỉ có thời gian ngắn để chuẩn bị phỏng vấn nhưng chưa tự tin với tiếng Anh của bản thân lắm thì nên ôn cấp tốc, bạn có thể áp dụng một số mẹo dưới đây:
- soạn thảo những câu hỏi thường gặp trong phỏng vấn -> luyện nhuần nhuyễn để tạo phản xạ
- soạn thảo những hướng để trả lời trong trường hợp bạn không biết hoặc không chắc chắn
- tìm hiểu gu tuyển dụng của mỗi công ty để có sự chuẩn bị phù hợp
Vì là tự ôn cấp tốc nên chỉ giải quyết phần ngọn, nhưng ít nhất sẽ giúp bạn vững tâm lý và tự tin hơn khi đã có sự chuẩn bị và luyện tập trước đó.
Haley biết không phải ai muốn sang Malaysia làm cũng có sẵn nền tiếng Anh tốt hoặc ít nhất tự tin nói tiếng Anh. Nếu bạn đang băn khoăn về vấn đề này và cảm thấy có thể dành nhiều thời gian hơn cho việc rèn luyện tiếng Anh bền vững, hãy đọc hết bài viết này nhé. Haley sẽ tổng hợp một cách đầy đủ nhất có thể trong hiểu biết của mình nên nội dung sẽ khá dài đấy.
Nội dung này nằm trong chuỗi bài nhằm cung cấp cho bạn thông tin chi tiết và cơ bản để có thể tìm việc văn phòng tại các công ty đa quốc gia cũng như hiểu thêm về cuộc sống tại Malaysia.
Luyện tiếng Anh không khó
Khái quát
Với những bạn đã đủ điều kiện cơ bản về bằng cấp để sang Malaysia làm, thì một trong những rào cản lớn nhất có lẽ là phỏng vấn bằng tiếng Anh. Haley tin là bất kì sinh viên nào đã tốt nghiệp cũng trải qua ít nhất 7-16 năm học tiếng Anh tính cả quãng thời gian cao đẳng và đại học. Thế nên, bạn thừa sức có đủ vốn từ để giao tiếp hàng ngày. Nhưng dù vậy, với cách dạy và học chú trọng quá nhiều vào ngữ pháp và ít kiến thức thực tiễn, bạn vẫn có thể rơi vào 1 trong 2 trường hợp sau đây:
- bị mất gốc và hoang mang không biết bắt đầu từ đâu
- có nền tiếng Anh nhưng vẫn cảm thấy thiếu tự tin và sợ hãi khi giao tiếp.
Haley từng làm chuyên viên tư vấn cho trung tâm tiếng Anh online E-talk. Mặc dù thời gian gắn bó khá ngắn ngủi nhưng trong khoảng thời gian này, Haley đã được học hỏi rất nhiều kiến thức từ chị founder, Haley thực sự rất quý chị. Qua những gì được đào tạo và cả trải nghiệm thực tế của bản thân về sau, Haley mong muốn chia sẻ lại những gì mình biết.
Thực ra, với những dự án dễ ở Malaysia, trình độ tiếng Anh cơ bản kèm việc ôn tủ các câu hỏi phỏng vấn đã có thể đậu được rồi. Tuy nhiên, tiêu chí tuyển dụng tại Malaysia bây giờ cũng cao hơn trước, để có nhiều cơ hội hơn và dễ tìm việc hơn, tiếng Anh tương đương B1 trở lên sẽ là mức độ an toàn.
Một số công ty trước đây không hề có bài kiểm tra tiếng Anh đầu vào, nhưng gần đây đã cập nhật và yêu cầu đầu vào phải đạt mức B2-C1 (dù khi vào vòng phỏng vấn có thể vẫn chỉ hỏi những câu dễ) Nếu tiếng Anh của bạn dưới B1, bạn vẫn có thể đậu bài kiểm tra và phỏng vấn nhưng sẽ khó khăn hơn so với trước đây.
Với bài kiểm tra đầu vào, bạn có thể dùng mẹo. Với phỏng vấn, bạn có thể soạn trước những câu hỏi mà Haley đã chia sẻ. Nhưng khi đối diện với nhà tuyển dụng sẽ phát sinh áp lực về thời gian và những tình huống nằm ngoài dự đoán. Nên với những bạn nền tiếng Anh chưa tốt, Haley nghĩ rằng một quá trình ôn tập tiếng Anh nghiêm túc ngay từ đầu sẽ giúp bạn vững vàng hơn để ổn định mạch nói chuyện và giữ sự lưu loát một mức nhất định nào đó.
*** Dù vậy, nếu nhà tuyển dụng liên lạc và bạn cảm thấy chưa sẵn sàng lắm thì cũng đừng do dự cho mình cơ hội để thử sức nhé.
Trường hợp bị mất gốc
Để vượt qua giai đoạn mất gốc thì trung bình mất khoảng từ 3 tháng. Thời gian nhanh hơn hay chậm hơn phụ thuộc vào không chỉ khả năng của bạn mà còn là mục tiêu đề ra: học bền vững hay học nhanh để ưu tiên chuẩn bị cho phỏng vấn.
Bạn hoàn toàn có thể tự học thay vì đến trung tâm, nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn và cần có người đồng hành (giỏi hơn bạn) để có thể hỗ trợ ít nhất là hướng đi, tránh học lan man hoặc sai phương pháp.
Nếu chọn đi học bên ngoài, bạn nên tìm nơi học uy tín, chất lượng. Thông thường bạn sẽ được làm kiểm tra đầu vào để đánh giá đúng trình độ tiếng Anh, vấn đề cụ thể mà bạn gặp phải và tư vấn phương pháp, chương trình phù hợp.
Haley gợi ý một số nơi mình biết để bạn tham khảo và tìm hiểu. Hiệu quả học tùy thuộc vào chất lượng nơi dạy, nỗ lực cá nhân và cả sự phù hợp:
- Với trung tâm online:
E-talk.vn: Dạy tiếng Anh online 1:1. Thời điểm còn làm việc ở đây, Hale được chị founder hướng dẫn rất cặn kẽ để hiểu đúng phương pháp học tiếng Anh, nắm rõ nhu cầu của người học, tư vấn lộ trình phù hợp chứ không chỉ đơn thuần là chạy doanh số để bán được sản phẩm. Vì đã một thời gian khá lâu rồi Haley không giữ liên lạc với trung tâm, nếu bạn tham khảo chương trình học tại E-talk thì vẫn nên tìm hiểu kĩ nhé.
- Với cá nhân mở lớp, đây đều là những người bạn học cũ của Haley (ngành ngôn ngữ Anh) và cũng là thông tin Haley đưa ra để bạn tham khảo nhé, mỗi giáo viên sẽ có phương pháp dạy học và cá tính khác nhau nhưng đều có điểm chung là rất tận tâm với nghề:
– Cô Tịnh: chuyên dạy Toeic + Phát âm + Giao Tiếp, có dạy online
– Cô Annie: chuyên dạy Toeic + Giao Tiếp + Tiếng Anh thương mại, có dạy online
– Cô Trầm: chuyên dạy Toeic ở TP.HCM, giúp củng cố kiến thức cơ bản và nâng cao trình độ
– Cô Quỳnh (cô giáo filter): khóa học đa dạng, có lớp mất gốc và chuyên phản xạ, dạy ở Biên Hòa và online
– Cô Mai: chuyên dạy & Sửa IELTS Writing
Luyện phát âm
Trong trường hợp mất gốc, thường thì bạn sẽ cần học luyện âm/ phát âm trước. Haley không rõ với các lớp dạy cá nhân như thế nào, nhưng đây là lộ trình mà hầu hết các trung tâm tiếng Anh áp dụng. Mặc dù không phải nơi nào cũng tư vấn từ tâm mà chỉ là áp dụng kịch bản tư vấn có sẵn một cách máy móc, nhưng tạm bỏ qua vấn đề đó, thì việc luyện âm trước khi vào học những nội dung khác dành cho người mất gốc có thể xem là lộ trình chuẩn.
Nếu bạn muốn học giao tiếp nhưng chưa đạt bài kiểm tra đầu vào của các trung tâm, họ sẽ tư vấn bạn học luyện âm/ phát âm trước. Lý do cho khóa học này: tiếng Anh có bảng phát âm riêng, bạn nên học bài bản để phát âm đúng -> từ việc phát âm đúng, bạn cũng sẽ nghe được đúng hơn -> giảm thiểu rào cản ngôn ngữ.
Tiếng Anh là ngoại ngữ, không phải tiếng mẹ đẻ với hầu hết chúng ta. Nên sau khóa học, chưa chắc bạn sẽ phát âm chuẩn hoàn toàn nhưng cũng sẽ đạt ở mức tương đối nếu chăm chỉ.
Haley hiểu rằng một khóa luyện âm không thật sự hấp dẫn, nhưng bạn cần kiên nhẫn để trị đúng “bệnh”. Phát âm chuẩn xác hơn cũng có thể tạo cảm giác tiếng Anh của bạn tốt hơn thực tế đó.
Thời gian đầu, bạn sẽ phải “ghi nhớ” cách phát âm. Nhưng sau khi luyện tập và thực hành nhuần nhuyễn, bạn sẽ nghe nói trôi chảy hơn một cách tự nhiên. Việc luyện phát âm nhằm hỗ trợ quá trình học tiếng Anh lâu dài một cách bài bản nên cần có thời gian và sự tập trung bạn nhé.
*** Nếu bạn cảm thấy bản thân phát âm chưa tốt lắm thì cũng đừng bận tâm đến việc đó khi phỏng vấn nhé. Sự thoải mái, tự tin mới là thứ quan trọng nhất.
Chất giọng có quan trọng?
Đối với các công ty đa quốc gia ở Malaysia, Haley cảm nhận người ta không khắt khe về chất giọng. Malaysia là quốc gia đa chủng tộc, các văn phòng công ty đa quốc gia được đặt nhiều ở thủ đô Kuala Lumpur – hội tụ những người đến từ nhiều nước: Mã, Hoa, Ấn, Thái, Indonesia, Việt, Cam-pu-chia, Pakistan, v…v… Chỉ cần bạn phát âm rõ ràng, chất giọng dễ nghe và đạt hiệu quả trong tiếp là ổn.
Việc luyện giọng Anh-Anh, Anh-Mỹ hay bất kì chất giọng bạn yêu thích là một điều tốt, nhưng không quá cần thiết trong quá trình tìm việc tại Malaysia. Ưu tiên của bạn là giao tiếp hiệu quả để đậu phỏng vấn, ưu tiên của nhà tuyển dụng càng không phải là tìm ứng viên có chất giọng hay (trừ một số công việc cần giao tiếp tiếng Anh nhiều thì chất giọng mới là điểm cộng)
Thêm nữa, khi bạn đã ôn luyện được phát âm thì sẽ phần nào giúp cải thiện chất giọng. Sau môn học vỡ lòng về luyện âm ở giảng đường đại học, Tiếng Anh của Haley ổn hơn khá nhiều chứ trước đó Haley đọc và nói rất ngang, không biết lên xuống và nhấn nhá. Vì cũng là một câu nói thông thường, chất giọng đã được luyện âm qua ít nhất tạo hiệu ứng tốt hơn về sự lưu loát và thành thạo.
Ở Việt Nam, rất dễ để bị ai đó chỉ trích khi phạm lỗi sai nào đó khi nói tiếng Anh và nhận định “tiếng Anh không chuẩn”. Bạn hãy lờ đi nhé, đó không phải là điều đáng để bạn phải quá bận tâm.
Ôn ngữ pháp và chủ đề cơ bản
Bước tiếp theo sau luyện âm thường là ôn tập lại các kiến thức cơ bản (ngữ pháp, cách đặt câu) và các chủ đề cơ bản: giới thiệu bản thân, chia sẻ sở thích, cách hỏi đường, kể chuyện ngắn, v…v… Phần này sẽ giúp bạn ứng dụng những gì đã học vào thực tế, kiểm soát vốn từ và cấu trúc câu hiệu quả hơn.
Sau khi bạn đã ổn hơn với kiến thức nền, hãy sẵn sàng cho giai đoạn tiếp theo.
Trường hợp có nền tiếng Anh
Khái quát
Khi đã có nền tiếng Anh, bạn sở hữu nhiều lợi thế vì mọi thứ gần như đã sẵn sàng. Đó là lý do mà khá nhiều bạn học ngành ngôn ngữ sang Malaysia làm. Cơ hội việc làm Malaysia như một cánh cửa rộng mở với nhóm đối tượng này. Ngoại trừ các bạn có một mục tiêu cụ thể từ trước, thì phần còn lại là cảm thấy … mông lung với ngành học như Haley.
Có những bạn tiếng Anh giao tiếp khá ổn, khi biết đến cơ hội việc làm ở Malaysia thì ngay lập tức có thể tìm hiểu và bắt tay vào rải CV mà không phải suy nghĩ nhiều. Cũng sẽ có những bạn dù không tốt về phát âm, ngữ pháp nhưng vẫn rất thoải mái, tự tin và đạt hiệu quả nhất định trong giao tiếp.
Nhưng Haley lại thuộc nhóm không giao tiếp tốt dù đã có nền tiếng Anh. Vài trong những lý do phổ biến khi bạn có nền tiếng Anh nhưng vẫn e ngại khi phỏng vấn, hoặc phỏng vấn không hiệu quả là thiếu luyện tập và thiếu môi trường giao tiếp thực tế.
Thời điểm Haley nộp CV là ngay sau Tết, lúc đó quy trình tuyển dụng khá lâu và mãi đầu tháng 6 mình mới bay sang Malaysia. Trong thời gian chờ gọi phỏng vấn, sau giờ làm có một số buổi Haley tranh thủ ôn tập lại tiếng Anh, dưới đây là một số cách của mình.
Săn Tây ở công viên
Thật lòng mà nói Haley không thích cách này lắm vì khá phiền hà. Với khách du lịch họ sẽ có một quãng thời gian giới hạn nên việc bắt chuyện đôi khi sẽ làm ảnh hưởng đến trải nghiệm của chuyến đi. Nhưng cũng sẽ có những người khá dễ chịu, nhiệt tình và chấp nhận lời đề nghị của mình.
Haley thường sẽ nhờ họ nói chuyện trong vòng 10 phút (nhưng thực tế thường sẽ kéo dài hơn). Mở đầu bằng câu hỏi quen thuộc:
– Hi, nice to meet you. I’m Haley. I’m trying to practice my English. Are you free about 10 minutes for a talk?
Nếu họ từ chối, mình lịch sự cảm ơn và rời đi, không quên chúc họ có một chuyến đi vui vẻ.
Nếu họ đồng ý, vẫn cảm ơn và cuối buổi cũng gửi một lời chúc đến họ. Những mẹo này Haley học được qua một dự án lớp học kết hợp câu lạc bộ tiếng Anh mà mình từng có cơ hội làm co-founder.
Thường thì Haley chuẩn bị cả kẹo và đồ lưu niệm nhỏ nhỏ tặng cho những người bạn nước ngoài, nhưng thực sự việc này không cần thiết đâu nhé. Mỗi tuần như vậy Haley dành ra 1-2 buổi ra công viên 23/9 gần chợ Bến Thành. Mình vẫn duy trì việc này ngay cả sau khi có kết quả đậu phỏng vấn.
Tổng hợp các ảnh kỉ niệm kèm mốc thời gian:
Tham gia các câu lạc bộ tiếng Anh
Bên cạnh ra công viên và tự bắt chuyện với người lạ, có một cách dễ chịu hơn cho người hướng nội như Haley là tham gia câu lạc bộ tiếng Anh. Thời điểm đó Haley thường đến Master’s Cup ở quận 7, TP.HCM. Đây là mô hình quán cafe kết hợp câu lạc bộ tiếng Anh khá thú vị. Bạn chỉ cần trả tiền nước/ đồ ăn, khi vào phòng thì sẽ có những người bạn cùng mục tiêu để cùng trò chuyện bằng tiếng Anh.
Nhược điểm chỗ này là không phải ở trung tâm thành phố nên khá xa nhà Haley (Thủ Đức) và nơi Haley làm việc (Bình Thạnh).
Người đến tham gia câu lạc bộ, không chỉ có những bạn cần luyện tiếng Anh, mà có cả những người nước ngoài đến hỗ trợ câu lạc bộ và trò chuyện thân tình. Một số buổi sẽ có host (người quản trò) giúp kết nối các thành viên hiệu quả hơn, tổ chức cho mọi người cùng thảo luận và thuyết trình.
Môi trường ở đây Haley thấy khá nhẹ nhàng, vì không gian là quán cafe và phù hợp cho những buổi trò chuyện nên sẽ ít các hoạt động chơi game. Đôi khi hơi … chán nếu những người có mặt không có ai đứng ra khuấy động và kết nối mọi người.
Ở đây thì không có ai ép bạn phải nói cả, lúc đó Haley khá nhút nhát nên chỉ ngồi nghe là chủ yếu (uhm, thực ra bây giờ cũng thế) Haley khuyến khích bạn đến đây nên nói nhiều hơn để được thực hành đúng nghĩa và có nhiều cơ hội được giao tiếp thực tế.
Thực ra, những bạn mất gốc vẫn có thể đến những câu lạc bộ với mô hình như thế này để quan sát cách người khác nói tiếng Anh, có thể thời gian đầu bạn sẽ áp lực vì không thể lưu loát như kì vọng và dễ so sánh bản thân với người khác. Nhưng nếu mở lòng, bạn sẽ dần tiếp nhận tiếng Anh như một ngôn ngữ để sử dụng hơn là để “trình diễn” và điều đó sẽ giúp bạn thỏai mái hơn.
Bên cạnh các buổi học tiếng Anh offline, bạn có thể tìm hiểu và tham gia các câu lạc bộ online nếu gặp hạn chế về thời gian và khoảng cách. Đây là nơi Haley chưa tham gia nhưng được một người anh gợi ý: https://www.facebook.com/VietnamOnlineToastmasters
Luyện nghe và lặp lại
Cách này không quá hiệu quả với Haley, nhưng phần nào giúp mình được nói và dùng tiếng Anh nhiều hơn cũng như bổ sung từ vựng, kiến thức nên bạn có thể tham khảo nhé. Haley thường học qua podcast của breakingnewsenglish.com Mỗi bài podcast có nhiều level khác nhau tương ứng với độ khó, đi kèm bài tập về nghe-đọc-ngữ pháp-từ vựng-phát âm. Bạn chỉ cần chọn những nội dung và chủ đề vừa sức để thực hành.
Bước 1: nghe, không nhìn phụ đề và đoán nội dung nhiều nhất có thể
Bước 2: nghe, nhìn phụ đề để hiểu toàn bộ nội dung, tra nghĩa từ mới
Bước 3: làm bài tập
Bước 4: tập đọc thoại của video, điều chỉnh phát âm
Bước 5: quay clip và tự nói lại nội dung đó một cách chậm rãi, rõ ràng, cố gắng nhấn đúng trọng âm, phát âm rõ phụ âm và âm cuối
Một số nội dung dạng tin tức sẽ hơi nhàm chán nên bạn có thể tìm và thay thế bằng những kênh có nội dung phong phú và gần gũi đời sống hơn, Haley gợi ý trang web này vì có nhiều level cho mỗi nội dung và bài tập cũng khá phong phú.
Một đoạn clip mình còn giữ khi thực hành luyện nghe và nói (28/02/2019)
Sự quan trọng của môi trường luyện tập
Trong quãng thời gian làm tư vấn viên cho trung tâm tiếng Anh online, Haley đã gặp những trường hợp đủ điểm thi chứng chỉ để du học nhưng vẫn bị sốc ngôn ngữ, rơi vào khủng hoảng và tìm đến các trung tâm online ở Việt Nam để được hỗ trợ.
Chương trình học bằng tiếng Anh thì nội dung thiên về học thuật và giáo viên sẽ giảng lướt qua 1-2 lần. Sinh viên phải giao tiếp 100% tiếng Anh trên trường lớp, kèm theo áp lực khi cử, bài luận nên độ khó càng nhân lên. Việc sốc ngôn ngữ khi phải thích nghi với môi trừơng 100% tiếng Anh là điều dễ hiểu. Và một phần thì chứng chỉ tiếng Anh đôi khi chưa phản ứng đúng khả năng của người học, vì còn liên quan đến kĩ năng làm bài và ôn trúng đề nữa.
Với môi trường đi làm của nhiều công việc tại Malaysia dành cho thị trường Việt, bạn cần tiếng Anh như công cụ giao tiếp, đọc hiểu tài liệu nên mọi thứ sẽ nhẹ nhàng hơn, đó là lý do yêu cầu tiếng Anh đầu vào của các công ty tập đoàn đa quốc gia cho các lĩnh vực này không quá cao và nhiều khi người ta cũng không thèm hỏi chứng chỉ tiếng Anh của bạn.
Về sự khác nhau giữa tiếng Anh lý thuyết và tiếng Anh thực tế, Haley lấy một ví dụ: những gì bạn X biết và được học về tiếng Anh trên thang điểm 7/10, nhưng khả năng có thể sử dụng nó chỉ ở mức 3/10. Trong khi đó, bạn Y vốn tiếng Anh ở mức 5/10, nhưng khả năng sử dụng là 4/10. Như vậy, làm bài thi bạn X có thể đạt điểm cao hơn, nhưng giao tiếp thì chưa chắc tốt bằng bạn Y.
Việc ôn luyện tiếng Anh giao tiếp có thể hiểu là tối ưu hóa vốn tiếng Anh của mình để mang từ lý thuyết sách vở sang đời thực để có thể sử dụng được nó và đạt hiệu quả trong giao tiếp.
Khi Haley luyện tiếng Anh cho buổi phỏng vấn bằng cách đi công viên, luyện nghe video, cái chính là mình muốn nói chuyện thoải mái hơn, sử dụng ngôn ngữ linh hoạt hơn để trao đổi trong buổi phỏng vấn.
Vì đã có nền tiếng Anh nhưng gặp rào cản ở giao tiếp, để chuẩn bị phỏng vấn cho công việc đầu tiên ở Malaysia, Haley đã kết hợp cả Ôn phỏng vấn cấp tốc và một số cách Luyện tiếng Anh như trên để cải thiện điều đó.
Từ lúc sang Malaysia, Haley không sử dụng tiếng Anh nhiều vì tính chất công việc không yêu cầu, Haley cũng không ôn tiếng Anh nhưng khả năng giao tiếp của mình thực sự cải thiện, ít nhất là về sự tự tin và linh hoạt ngôn từ hơn. Nên khi nhảy việc tại Malaysia, Haley chỉ cần tập trung vào Ôn phỏng vấn cấp tốc để chuẩn bị cho các buổi phỏng vấn.
Thời gian bắt đầu cuộc sống ở Malaysia, mỗi lần nhận cuộc gọi điện thoại có thể là từ người giao hàng, tài xế grab, Haley đều cảm thấy căng thẳng và đưa điện thoại cho bạn nghe giúp. Về sau mình nhận ra rằng, tiếng Anh là ngôn ngữ đời sống mà, ở Malaysia có rất nhiều người tự tin nói chuyện bằng tiếng Anh dù không phải ai cũng thông thạo ngôn ngữ này, một cô bán nước hay một chú bảo vệ đều có thể sử dụng tiếng Anh với vốn từ hạn chế, nhưng thần thái của họ đã xóa nhòa rào cản đó.
Bạn hãy xem tiếng Anh là ngôn ngữ để giao tiếp, không phải để “trình diễn”. Thuyết trình lưu loát, nhấn nhá hay ho, chất giọng mê ly hay thành ngữ phong phú chỉ nên là mục tiêu xa mà bạn nên lưu tâm sau khi sử dụng được nó một cách thuần thục và thoải mái nhất có thể.
Chương trình học được giảng dạy trên trường lớp truyền thống đơn thuần tạo cảm giác như chúng ta là những chú gà công nghiệp. Nếu làm sai bài tập ngữ pháp, phát âm thiếu chính xác sẽ dễ dàng dẫn đến sự khiển trách từ giáo viên và bản thân người học cảm thấy tội lỗi.
Nhưng không phải ai cũng có thể tự tạo cảm hứng để tự học tiếng Anh hay là có điều kiện để đăng kí những khóa học tiếng Anh hiệu quả hơn bên ngoài. Vậy nên, nếu bạn thực sự mong muốn cải thiện tiếng Anh giao tiếp, hãy cố gắng tạo môi trường học hiệu quả với phương pháp rõ ràng.
Mỗi người có cách học phù hợp khác nhau, hãy thử nghiệm và tìm ra cách học bạn cảm thấy tối ưu nhất nhưng đừng quên rằng môi trường là một trong những yếu tố quan trọng.
Những cách vượt qua nỗi sợ
Khái quát
Như Haley đã đề cập, mình thuộc nhóm có nền tiếng Anh nhưng không giao tiếp được. Background của Haley là học ngành ngôn ngữ Anh. Haley theo học ngành này vì đã cực kì chơi vơi trong quá trình hướng nghiệp nên chọn môn mà mình cho là học ổn nhất: tiếng Anh.
Hệ quả là trong suốt 4 năm đại học, mặc dù có thể hoàn thành các môn đủ điểm và ra trường, Haley hoàn toàn mất động lực và không thể tìm lại định hướng. Haley chỉ biết mơ hồ đi về phía trước mà không biết rõ mình đang đi đâu, băn khoăn liệu có những ngã rẽ nào dành cho mình không và Haley cũng không dám cho mình cơ hội thử sức.
Haley đã tham gia kha khá các câu lạc bộ tiếng Anh, từ vai trò người tham gia, organizer cho đến co-founder, nhưng sự thật là mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ vì thiếu thực hành. Ngay cả trong những năm làm co-founder cho một lớp học kết hợp câu lạc bộ tiếng Anh, Haley có thể hỗ trợ và hoàn thành các công việc khác: quản lý thu chi, soạn giáo án, hỗ trợ học viên, lên plan, v…v… nhưng chắc chắc Haley không cầm mic và đứng lớp.
Không chỉ là nỗi sợ nói tiếng Anh mà cả nỗi sợ giao tiếp với người khác, Haley đã thường trực vô vàn nỗi sợ nên mình thấu hiểu để vượt qua chúng không hề dễ dàng.
Haley dần thu mình lại và chỉ đến khi cơ hội Malaysia ở ngay trước mắt nhưng bản thân cảm thấy với không đến, Haley mới bắt đầu nghiêm túc hành động. Haley ước rằng giá như trước đó, mình có thể có một người anh người chị nào đấy để giãi bày và xin lời khuyên, đồng hành với mình trong giai đoạn vô định, thì bản thân đã không mất quá nhiều thời gian vô ích trong suốt 4 năm đại học và hơn thế nữa. Haley ước rằng, mình đã có thể mở lời để đón nhận sự giúp đỡ của người khác thay vì thu mình lại và tự trách bản thân.
Nhưng dù sao thì không có gì là quá muộn, những lựa chọn sai lầm đã qua và không thay đổi được thì mình sẽ sửa chữa nó và tập trung vào hiện tại.
Gọi tên nỗi sợ
Quay ngược lại khoảng thời gian khi học đại học, Haley đã luôn sợ hãi trước kì thực tập. Và rồi Haley có dịp trò chuyện với một người chị am hiểu về tâm lý học và chị ấy đã hướng dẫn cho mình một phương pháp khá hay, gồm 5 bước:
- Gọi tên nỗi sợ
- Cụ thể hóa nỗi sợ
- Chấm điểm nỗi sợ từ thấp (1) -> cao (10)
- Liệt kê cách khắc phục nỗi sợ
- Hành động
Như trên hình bạn cũng thấy, Haley đã tự chấm điểm cho mình nỗi sợ tiếng Anh và phỏng vấn là những nỗi sợ có thang đo cao nhất. Qúa trình học “công nghiệp” một phần đã hình thành nên nỗi sợ này. Haley còn học ngành ngôn ngữ nên nó được thể nhân đôi vì Haley cảm thấy tiếng Anh của mình còn thua các bạn không học chuyên ngành.
Thực sự Haley đã không thể vượt qua nỗi sợ của mình dù cố áp dụng phương pháp này vì không đủ động lực và thiếu thốn niềm tin.
Haley còn nhớ, thời điểm mình thực sự bắt đầu rải CV tìm chỗ thực tập là khi cảm thấy rằng không thể chần chừ được nữa. Haley phỏng vấn vài nơi và bắt đầu công việc thực tập trễ hơn bạn bè một học kì, điều này đã khiến mình ra trường trễ và không thể tham dự lễ tốt nghiệp. Lúc đó Haley có cảm thấy buồn không? Một chút nuối tiếc nhưng không buồn, nghe hơi lạ nhưng vì với mình lúc đó thì việc có thể ra trường là điều may mắn lắm rồi.
Với phương pháp gọi tên nỗi sợ, Haley đã bỏ qua bước cuối cùng: hành động. Haley đã không bắt tay vào làm cho đến khi cảm thấy không thể trốn tránh kì thực tập được nữa. Vì vậy, thành hay bại sẽ nằm ở bước cuối cùng: trở nên can đảm và hành động.
Haley đã biết đến công việc ở Malaysia ngay trong thời gian chờ bằng tốt nghiệp hồi 2018, nhưng lúc đó mình không đủ tự tin và còn vướng bận nhiều thứ ở Việt Nam nên đã không thể cho bản thân cơ hội thử sức mãi cho đến đầu năm 2019 – thời điểm mình cảm giác như mình bị dồn đến đường cùng khi luôn gặp nhiều bấp bênh trong công việc và cuộc sống.
Cảm xúc – Suy nghĩ – Hành động
Cũng tương tự như phần trên, lần này chúng ta thử tìm hiểu về vòng tròn Cảm xúc – Suy nghĩ – Hành động.
Haley lấy ví dụ cho bạn dễ hiểu nhé: Gỉa sử một ngày nọ, bạn thất lạc một món đồ quý.
- Cảm xúc: chắc chắc lúc đó sẽ là buồn bã, tuyệt vọng.
- Suy nghĩ: từ cảm xúc tiêu cực, bạn bắt đầu suy nghĩ bi quan, bất an và có lỗi
- Hành động: từ suy nghĩ tiêu cực, bạn buồn bã và nhốt mình trong phòng cả ngày, và thả trôi đến tận nhiều ngày sau đó. Trong vô thức, hành động này tiếp tục tác động đến cảm xúc của bạn và vẫn theo hướng làm nó tệ hơn. Và vòng tròn được lặp lại.
Với cảm xúc, có lẽ thật khó để tiết chế biến đổi nó. Cảm xúc đến theo lẽ tự nhiên như đống đổ nát có thể sẽ xuất hiện sau một cơn bão, hay như cầu vồng có thể sẽ xuất hiện sau cơn mưa vậy. Khi gặp chuyện buồn, cảm xúc buồn bã ập đến và bạn thử tự nhủ rằng: vui lên đi đừng buồn nữa. Nếu bạn có thể vượt qua thì chúc mừng bạn, nhưng nếu không thì đó là lẽ tất yếu thôi. Vì sự thật là bạn không thể đánh lừa cảm xúc bản thân.
Theo lẽ tự nhiên, cảm xúc thế nào sẽ dẫn đến suy nghĩ thế ấy. Bạn có thể tự lừa dối bản thân thân mình rằng mọi chuyện sẽ ổn dù hiện tại bạn không hề thấy như thế. Nhưng trong sâu thẳm, bạn vẫn nhìn thấy sự thật.
Hành động là mắt xích cuối cùng trước khi quay lại vòng lặp. Suy nghĩ sẽ quyết định hành động, nhưng không phải không thể thay đổi điều đó.
Bây giờ chung ta thử quay lại với ví dụ. Bạn nhận thấy bỏ mặc bản thân với đống cảm xúc hỗn độn cũng không thể thay đổi sự thật là bạn đã đánh mất một món đồ quý giá. Dù rất rối bời, bạn cho phép bản thân thả trôi trong một khoảng thời gian nhất định rồi sau đó ra quyết định ngồi dậy, ra ngoài, đi dạo hít thở không khí, gọi cho người bạn thân để tâm sự hoặc làm một điều gì đó yêu thích để mọi thứ dịu đi. Bạn sẽ giảm bớt tập trung vào vấn đề, cảm xúc hồi phục nhanh hơn, suy nghĩ thoáng hơn, hành động cũng sáng suốt hơn. Mọi thứ diễn ra tự nhiên, nhưng không phải tự nhiên mà thành, chắc chắn sẽ có sự đấu tranh trong nội tâm, khoảnh khắc bạn đưa ra hành động sẽ là thứ quyết định xu hướng tiếp theo của vòng tròn cảm xúc.
Haley từng sợ giao tiếp và nói tiếng Anh đến mức, mình đã trượt phỏng vấn vị trí Teaching Assistant (trợ giảng) cho một lớp học giao tiếp cơ bản, những câu hỏi đơn giản nhất mình cũng không thể bình tĩnh trả lời. Thay vì làm gì đó để cải thiện kĩ năng, Haley đã hoàn toàn để bản thân bị nhấn chìm vào cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực, những hành động có chăng quá yếu ớt không đủ vực mình dậy cho đến khi quyết tâm sang Malaysia.
Đặt những mục tiêu nhỏ vừa sức
Để vượt qua nỗi sợ và hành động đã khó, nếu chẳng may thất bại và chữa lành cảm xúc lại khó thêm mười. Vì vậy, một trong những cách giúp bạn ra hành động trong mức độ an toàn là chia nhỏ mục tiêu và thực hiện những việc dễ trước. Khi đạt mục tiêu nhỏ rồi bạn sẽ có động lực tiếp tục thực hiện mục tiêu lớn.
Trong lúc nộp đơn sang Malaysia, Haley chỉ có một mục tiêu lớn: sang Malaysia làm. Điều đó vô tình tạo nên áp lực khá nặng nề trong quá trình mình tìm việc. Haley cũng nhìn thấy vấn đề tương tự xảy ra với một số bạn.
Một người bạn của Haley cũng học ngôn ngữ Anh đã sang Malaysia trước đó và khuyên mình rằng: tiếng Anh giao tiếp cơ bản là đủ, tui đậu phỏng vấn thì Hà (tên thật của mình) cũng đậu được chứ đừng lo.
Nghĩ lại thì thật sự không cần phải cố gắng trau dồi tiếng Anh quá nhiều, Haley vẫn có thể đậu vì thời điểm đó phỏng vấn khá dễ dàng, Nhưng dù sao đi nữa, chỉ sau khi phỏng vấn Haley mới biết mức độ khó dễ thật sự như thế nào. Và quá trình ôn luyện đó đã tiếp thêm sức mạnh cho mình trong quãng thời gian chờ đợi cuộc gọi hẹn phỏng vấn và cả chuẩn bị thủ tục để sang Malaysia.
Haley được phỏng vấn trúng đợt dễ và Haley cũng chưa bao giờ phủ nhận sự may mắn của mình. Cả quá trình nỗ lực trước đó là minh chứng sự xứng đáng cho may mắn mà mình có được.
Kiên nhẫn với bản thân
Đây là điều mà Haley có lẽ còn phải học nhiều.
Bản thân mình không thuộc tuýp được ưa thích lắm vì từ bé đã khó gần, ít nói chuyện. Haley cũng không phải học hỏi nhanh và nhạy đón ý người khác. Haley từng vừa chán ghét bản thân mình vừa chán ghét thế giới xung quanh.
Giữa một cuộc sống xô bồ và đầy vội vã, ai cũng có thể làm tổn thương mình – một kiểu người không được ưa thích. Và Haley cũng quên mất rằng, người có thể tổn thương mình nhiều nhất là chính bản thân mình.
Haley từng có khá nhiều trải nghiệm tệ hại, bao gồm cả những buổi phỏng vấn với những nhà tuyển dụng toxic khi còn ở Việt Nam. Bản thân Haley đã để điều đó tác động đến suy nghĩ của mình và tô đậm thêm sự thiếu tự tin, những nỗi sợ bên trong càng ngày càng lớn.
Qúa trình luyện tập tiếng Anh để chuẩn bị phỏng vấn sang Malaysia đã giúp Haley nhìn nhận lại từng thứ một.
Haley bớt cố chấp với những định kiến cũ về bản thân, tập kiên nhẫn bắt chuyện với từng người xa lạ dù chẳng muốn chút nào. Haley kiên nhẫn quay từng cái video để có thể thoải mái khi nói tiếng Anh hơn một chút; dù biết phương pháp đó không hiệu quả rõ rệt nhưng ít nhất vẫn cải thiện phần nào trong khả năng, thời gian, nguồn lực mà mình có. Haley kiên nhẫn chờ lịch hẹn phỏng vấn, kiên nhẫn theo dõi từng thủ tục mà HR đưa ra, tự chi trả book chiếc vé máy bay một chiều mà không đòi hỏi gì (nhưng Haley không khuyên bạn cũng như thế nhé)
Khi Haley sang Malaysia, may mắn là mọi thứ diễn ra khá suôn sẻ. Nhịp sống chậm nơi đây giúp mình cảm thấy đỡ choáng ngợp và dễ dàng thích ứng với công việc mới, đất nước mới. Haley cũng lờ mờ nhận ra rằng, “một kiểu người không được ưa thích” như mình không chỉ là do tính cách có phần lạnh lùng và ẩm ương, mà Haley còn đã sống trong môi trường chưa phù hợp và đủ bao dung với hướng tính cách đấy, cũng như bản thân chưa đủ sự vững vàng để bảo vệ tinh thần của mình trước những tác động xung quanh.
Thế giới rộng lớn mà, ai cũng bận rộn với chuyện của riêng họ, không phải ai cũng đủ vị tha và kiên nhẫn để cư xử tử tế với người khác chứ khoan nói đến việc lắng nghe hay là đưa cho bạn lời khuyên đúng đắn. Vậy nên, Haley hiểu là chính mình cần kiên nhẫn với bản thân, cho phép đón nhận những cơ hội và thử thách, chấp nhận làm, chấp nhận thất bại, dám đứng lên lại. Trước hết là để hiểu mình và sau đó là để rèn mình.
Tìm bạn đồng hành
Thật ra ngay từ ban đầu, Haley chưa xác định được là bản thân muốn đi làm ở Malaysia. Haley đơn thuần muốn làm ở nước ngoài để có mức lương tốt hơn khi mà trong nước tấm bằng ngôn ngữ Anh quá đại trà và năng lực bản thân, sự tự tin cũng không đủ để cạnh tranh với vô vàn cử nhân tài năng khác.
Haley bắt đầu khoanh vùng một số nơi bao gồm Malaysia, Philippines nhưng Haley nghiêng về Philippines hơn. Cả 2 quốc gia này đều có bạn bè đại học sang trước để mình hỏi thăm một số thông tin cần thiết.
Tương tự Malaysia, Philippines cũng là thị trường lao động có tuyển dụng nhiều người Việt làm văn phòng với các vị trí CSKH, Sales, Marketing nhưng đa số là làm cho mảng game cá cược online và thường yêu cầu tiếng Trung.
Nhớ lại series hài tình huống Jack & Cody mà từng xem trên kênh Disney, Haley còn mơ mộng về một công việc trên một con tàu/ du thuyền và sống một cuộc sống tách biệt với đất liền nữa.
Sau một khoảng thời gian tìm kiếm công việc trong nhóm việc làm Philippines nhưng không mấy hiệu quả, Haley tình cờ thấy Kim Anh – một người bạn đại học cũng để lại bình luận trong nhóm đó. Cùng chung chí hướng, tụi mình nhắn tin trao đổi và sau một khoảng thời gian thảo luận, cuối cùng tụi mình cũng chọn Malaysia làm mục tiêu khả thi nhất.
Dù tụi mình đã có bạn đại học sang Malaysia nhưng không quá thân để hỏi thăm nhiều, và cả khi mình liên lạc với bên nhận CV thì được phản hồi khá lâu. Khoảng 4 năm về trước, tất cả thông tin về việc làm Malaysia đều rất khan hiếm và nhỏ giọt, tụi mình trải qua quá trình ứng tuyển trong sự lo lắng và bất an.
Haley và Kim Anh nương tựa và đồng hành với nhau trong quãng thời gian từ lúc nộp phỏng vấn, chuẩn bị thủ tục. Đến khi sang Malaysia, tụi mình làm cùng dự án, cùng công ty gần 2 năm, bây giờ vẫn còn chơi chung.
Khi đấy nếu Kim Anh không sang cùng thì Haley vẫn sẽ đi, nhưng chắc chắn khởi đầu sẽ không êm xuôi lắm vì lúc đó mình khá là ngố. Có bạn đồng hành chất lượng giúp hành trình dễ dàng hơn. Nếu không có, bạn cần nỗ lực hơn một chút, nhưng cũng chẳng sao vì người đồng hành lớn nhất chính là bản thân mỗi chúng ta đó.
Phần kết
Diễn biến cuộc phỏng vấn
Haley còn nhớ rõ, buổi phỏng vấn khá ngắn gọn, nhưng vì mình trả lời hơi chậm và hay hỏi lại nên kéo ra khoảng 25 phút. Thời điểm đó không phải là video call mà chỉ là gọi điện thoại nên Haley không cần để nhà tuyển dụng nhìn mặt.
Haley đã chuẩn bị một tờ giấy ghi sẵn phần chuẩn bị mà không lo bị để ý, nhưng mình vẫn rất hồi hộp khi phải trả lời từng câu hỏi được đưa ra. Với mình lúc đó, sang Malaysia làm là cơ hội cuối cùng
Dù vẫn còn giữ bản ghi âm cuộc phỏng vấn ngày hôm đó nhưng có lẽ không hợp lí để đăng tải lên đây, nên Haley trích lược nội dung các câu hỏi qua dạng văn bản:
- Could you tell me about your background and education?
- You applied for …. position, right?
- Sorry for interrupt, your academy is diploma or bechalor degree?
- Can you tell me more about your role in previous jobs?
- I see you work for … company only for … months, is it your intership?
- Can you tell me more, why you work it for short time?
- I see that you graduated from Language faculty, do you have any certificate in English?
- Any way that we can check your English if you don’t have certificate?
- Did you read job description? Could you summarize the JD?
- We require you have specific knowledge and fluent Vietnamese. In the next few minutes, we will continue interview in Vietnamese. Sau câu này, buổi phỏng vấn diễn ra bằng tiếng Việt.
Sau buổi phỏng vấn (mình không nhớ chính xác bao lâu), Haley đã nhận được cuộc gọi từ HR. Haley phải hỏi lại lần thứ 2 mới có thể chắc chắn được những gì mình nghe là chính xác: Congratulations, you are selected for the job.
Như bạn cũng thấy thì với các dự án tuyển dễ, nhà tuyển dụng hỏi tương đối đơn giản, mức độ tiếng Anh dưới B1 hoàn toàn có thể đậu. Bạn chỉ cần trả lời đúng trọng tâm, ngắn gọn không cần trả lời hay. Nhưng đó chỉ là một khía cạnh, không thiếu những công ty/dự án tuyển dụng khó hơn. Haley đã được trải nghiệm thêm điều đó qua lần nhảy việc vào cuối 2020, nên mình đã viết chi tiết nhất có thể về cách phỏng vấn ở bài trước để bạn có cái nhìn bao quát và có sự chuẩn bị cần thiết.
Đừng để người khác quyết định bạn là ai
Có thể với nhiều bạn, đi làm nước ngoài hay có một công việc ở Malaysia có lẽ rất bình thường, Haley biết không ít trường hợp là là nộp thử sức rồi đậu nên đi làm, hoặc có nhiều sự lựa chọn và Malaysia chỉ là một trong số đó. Nhưng với Haley, bản thân mình phải đấu tranh với rất nhiều nỗi sợ để có thể đi đến quyết định này và nỗ lực 200% để hiện thực hóa cơ hội mà bản thân cảm thấy rất xa vời.
Haley vẫn còn nhớ có một bình luận trên video TikTok của mình: làm ở Malaysia có gì đâu mà phải hãnh diện.
Nếu bạn có theo dõi các nội dung của mình hay ít nhất đọc hết bài viết này, có thể bạn sẽ thấy quá trình Haley tìm việc sang Malaysia không hề “bình thường” theo lẽ nó nên như thế. Mình không thể chuẩn bị phỏng vấn một cách bình tĩnh và bình thường, không thể đón nhận kết quả một cách bình thường, không nhìn nhận cơ hội việc làm này thật bình thường. Vậy nên, dĩ nhiên mình cũng không thể đón nhận hành trình ý nghĩa của mình thành một cách bình thường theo ý muốn và sự phán xét của người khác.
Haley vô cùng vui vì bản thân mình đã từng bước một bước ra những nỗi sợ lớn, kể cả đó là một điều hết sức đơn giản với người khác đi chăng nữa. Và Haley cũng hiểu rằng, hành trình phía trước mình vẫn phải tiếp tục: nhận diện nỗi sợ + gọi tên nó + hành động + kiên nhẫn + đồng hành. So sánh bản thân với chính mình trong quá khứ là một cách để phát triển một cách lành mạnh.
Đó cũng là lý do Haley làm trang blog này, để lưu giữ hành trình của mình. Một số bạn chia sẻ rằng cảm thấy được truyền động lực qua những nội dung của Haley, nhưng thực sự những gì mình muốn cố gắng truyền tải chỉ là những thông tin đầy đủ, rõ ràng và khách quan nhất có thể. Nhưng riêng bài viết này, Haley sẽ để cảm xúc vào vì nó có lẽ đúng là một bài viết để truyền động lực, cho bạn và cho cả chính bản thân mình nữa.
Mình tin là nếu sống tử tế, không ngừng phát triển bản thân và mở lòng, chúng ta sẽ có một hành trình tuyệt vời. Đôi khi cần đúng thời điểm nữa.
Malaysia là khởi đầu cho hành trình của Haley, nhưng không đồng nghĩa nó sẽ phù hợp cho tất cả, mỗi người là một trải nghiệm khác nhau. Có thể với bạn là một con đường khác, thậm chí tuyệt vời hơn. Những gì bạn cần làm là giữ bản thân tiến lên phía trước, khi mệt hãy dừng lại nghỉ ngơi, và rồi lại tiếp tục tiến lên phía trước. Nếu bạn mong muốn nắm bắt bất kì cơ hội nào, lời khuyên của mình chỉ có thể là: hãy cố hết sức trong khả năng với một trạng thái bình an nhất.
Toàn bộ nội dung là trải nghiệm cá nhân của Haley và những gì mình quan sát được trong khoảng thời gian làm việc ở Việt Nam và Malaysia . Bạn có thể tham khảo và có sự cân nhắc khi đưa ra quyết định nhé.
Chuỗi bài viết review về cơ hội việc làm ở Malaysia đến đây Haley tin là đã tạm đầy đủ. Khi có thời gian mình sẽ cập nhật thêm mội số nội dung khác: lương và phúc lợi như thế nào là tốt, thuế đóng bao nhiêu, tìm nhà ở ra sao, chuyển việc ở Malaysia cần những gì, v…v…
Nếu bạn cảm thấy bài viết/ trang blog hữu ích và muốn mời mình một ly cafe, hãy bấm vào ảnh bên dưới nhé:
Bạn có thể theo dõi những nội dung khác của Haley tại các kênh Facebook, TikTok và Youtube.
Sau khi xem qua các bài viết về công việc và cuộc sống ở Malaysia, nếu bạn cần hỗ trợ thêm thông tin thì cứ nhắn mình qua kênh Facebook.
Mến chào,
Little Haley
20/06/2023, Việt Nam